Báo Lao động đăng tải thông tin, ngày 4/9, Công an Hà Nội cho biết các đơn vị đang triển khai phần mềm duyệt cấp giấy đi đường, đồng thời hướng dẫn quận, huyện quy trình thực hiện.
Theo kế hoạch, phòng Cảnh sát giao thông và công an các xã/ phường/ thị trấn là các đơn vị nhận hồ sơ và duyệt, cấp giấy.
Cụ thể, phòng CSGT duyệt, cấp giấy đi đường đối với công - nhân viên chức làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội cấp thành phố, cấp Trung ương; cá nhân làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoại giao đóng trên địa bàn thành phố;
Cá nhân thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công thiết yếu; phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.
Công an xã, phường, thị trấn duyệt, cấp giấy đi đường đối với công nhân, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội cấp quận, huyện và thị xã và cấp xã, phường, thị trấn; Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và công dân thuộc một số trường hợp thiết yếu.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân muốn có giấy đi đường thì cần đăng ký thông tin, cung cấp email và gửi danh sách cho cơ quan xét cấp giấy. Lực lượng quản lý sẽ kiểm tra, xác minh thông tin nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, khai báo gian dối để xin giấy.
Ngoài ra, sau khi nhận danh sách để thẩm tra và xét duyệt, hai đơn vị xét duyệt là Phòng Cảnh sát giao thông và công an xã/phường sẽ trả lời kết quả duyệt/từ chối cấp giấy thông qua email do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công ích, thiết yếu, họ cần đăng ký danh sách với cơ quan chủ quản để xin cấp giấy đi đường. Đáng chú ý, những đơn vị này cần cung cấp thêm danh sách phương tiện và người điều khiển để Phòng Cảnh sát giao thông xét duyệt.
Lãnh đạo Công an Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu của phần mềm duyệt cấp giấy đi đường là thực hiện thủ tục hành chính online thông qua email và đường dây nóng; qua đó, tránh việc người dân, doanh nghiệp tụ tập ở UBND để xếp hàng xin cấp giấy, đảm bảo quy định về giãn cách xã hội.
Sau khi công an các cấp đóng dấu xác nhận, giấy được cảnh sát khu vực mang đến địa chỉ người cần cấp. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề cho cảnh sát khu vực nhưng hạn chế được việc người dân ra đường, tụ tập.
Công an thành phố đã đề nghị toàn bộ quận, huyện, thị xã chuẩn bị máy móc, lập các email để phục vụ quá trình giao dịch trực tuyến với đối tượng cấp giấy gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân. Các cơ sở chuẩn bị xong lúc nào thì việc duyệt, cấp giấy đi đường sẽ triển khai lúc đó.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời một đại diện Công an Hà Nội cho biết việc cấp giấy đi đường cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không giới hạn về số lượng. Các cơ quan này chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ chứng minh nhân viên của họ thuộc 1 trong 6 nhóm theo quy định là sẽ được cấp giấy.
"Việc thực hiện cấp giấy đi đường có mã QR Code không có vướng mắc, khó khăn gì. Chúng tôi đã chủ bố trí đầy đủ nhân lực để thực hiện các quy trình, công việc nên không lo quá tải", vị này nói.
Ngoài ra vị này cho biết, Công an Hà Nội đã triển khai 39 chốt kiểm soát, trong đó có 21 chốt cấp thành phố tại vị trí có mật độ giao thông cao, mỗi nơi 16 cán bộ nên việc kiểm tra giấy đi đường sẽ diễn ra nhanh, tránh được việc ùn tắc giao thông.
Trước đó, chiều 3/9, Công an TP Hà Nội đề xuất chủ tịch UBND TP phê duyệt kế hoạch cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian TP tiếp tục giãn cách xã hội.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-csgt-cong-an-xa-phuong-cap-se-cap-giay-di-duong-cho-nguoi-dan-a558688.html