Thông tin MC Trấn Thành tung 1.000 trang sao kê từ thiện đang trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận.
Nghệ sĩ minh bạch sao kê từ thiện là bước đi khôn ngoan - “cây ngay không sợ chết đứng”
Chia sẻ quan điểm xung quanh câu chuyện lùm xùm nghệ sĩ quyên góp từ thiện và công khai sao kê được bàn tán suốt thời gian qua, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng: Những nghi ngờ xuất phát khi có việc chậm trễ bởi "Cây ngay chẳng sợ chết đứng", nghệ sĩ quyên góp tiền từ thiện chủ động công bố sao kê tài khoản của mình là bước đi khôn ngoan.
"Việc có công bố sao kê tài khoản cá nhân liên quan đến hoạt động từ thiện hay không là quyền của mỗi người, pháp luật không bắt buộc, vì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhưng để giữ được niềm tin từ phía người hâm mộ, xem ra việc chủ động “bạch hoá”, công bố sao kê tài khoản của mình là bước đi khôn ngoan", Trung tá Hiếu nêu quan điểm.
Theo chuyên gia, mạng xã hội hiện chia làm 3 phe. Thứ nhất là ủng hộ bên cáo buộc; Thứ 2 là ủng hộ người bị cáo buộc; Thứ 3 là không ủng hộ bên nào nhưng vì sự việc quá ồn ào nên rất quan tâm. Tuy nhiên, điểm chung là tất cả đều mong chờ, đòi hỏi sự minh bạch, bằng các hoạt động tích cực, chủ động từ phía những người liên quan.
"Mọi sự chậm trễ không công khai sẽ dẫn đến phản ứng nghi ngờ là có khuất tất thật, nên không dám công khai hoá. Vì theo suy nghĩ thông thường của nhiều người “Cây ngay chẳng sợ chết đứng”, không làm điều gì sai trái thì hãy vì người hâm mộ mà làm những việc cần thiết để bảo vệ lòng tin của họ", Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Vị chuyên gia tội phạm học cho rằng: Khi đã nhận tiền từ thiện từ cộng đồng để đi giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt, thì phải có trách nhiệm trả lời cộng đồng khi có dư luận nghi vấn, chứ đây không phải là việc muốn làm hay không.
"Tiền họ nhận được là dành cho đồng bào, chứ không phải cho họ. Về bản chất, họ chỉ là nhân viên bưu điện, nhận nhiệm vụ, ủy thác từ cộng đồng để chuyển tải tấm lòng nhân ái đến người cần giúp đỡ. Đã đứng ra nhận trách nhiệm này, đương nhiên phải chịu sự giám sát và có trách nhiệm giải trình, báo cáo mọi người khi phát sinh yêu cầu cần minh bạch", chuyên gia tội phạm học thẳng thắn nhìn nhận.
“Bóc phốt” nhau trên mạng - không còn là chuyện chơi
Bàn về những livestream trên mạng thời gian qua, Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng: "Những livetrem bóc phốt, tố cáo trên mạng xã hội mà người bị tố cáo là những cá nhân đã đứng ra kêu gọi, nhận quyên góp từ thiện,nhưng chỉ sử dụng một phần nhận được vào mục đích, số tiền còn lại bị họ biển thủ, chiếm đoạt… không còn là chuyện chơi, mà đã mang tính pháp lý, với những nguy cơ rất cụ thể cho cả 2 phía, nếu tố cáo sai, hoặc đúng là có hành vi biển thủ như cáo buộc".
Dưới góc nhìn pháp lý Trung tá Hiếu đánh giá: "Các clip đã cáo buộc rất thẳng thắn, theo kiểu vạch mặt, chỉ tên từng người với danh tính, nghề nghiệp rõ ràng, mà hầu hết là những người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, như ca sĩ, nghệ sĩ...".
Sau khi bị “bóc phốt”, mỗi “nạn nhân” đều có những động thái khác nhau để bảo vệ uy tín, danh dự của mình. Người thì trả lời sẽ dùng công cụ pháp luật như khởi kiện, tố cáo ra cơ quan pháp luật người đã gây hại cho mình. Người thì đăng các hình ảnh sao kê tài khoản làm từ thiện trên mạng xã hội, như một cách bảo vệ sự trong sạch của mình.
Hiện dư luận đang rất hoang mang, sợ mình đã lầm tưởng, tin yêu nhầm vào những người sống 2 mặt, sẵn sàng lợi dụng, kiếm ăn trên tình nhân ái của đồng bào. Do đó, nhu cầu được “thần tượng” tự chứng minh sự trong sạch của mình là rất lớn. Mà một cách đơn giản nhất là chủ động sao kê tài khoản và niêm yết công khai trên mạng xã hội.
Nhờ Công an vào cuộc là cách hành xử văn minh nhất
Nêu quan điểm xung quanh vụ việc MC Trấn Thành, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Thông tin trên mạng xã hội chỉ là thông tin dư luận, một nghệ sĩ, MC được người này yêu, kẻ khác ghét cũng là câu chuyện bình thường. Khi có tranh chấp, mẫu thuẫn, ngờ vực mà không thể tự giải quyết được với nhau thì việc đưa ra pháp luật là một hành xử văn minh.
“Các cụ xưa vẫn nói: "Một mất, mười ngờ" nhưng 10 ngờ cũng là 10 tội. Bởi vậy, khi nghi ngờ mà chưa có chứng cứ xác đáng thì không nên nói ra. Khi đã nghi ngờ và không thể giải thích được bằng đối chất, bằng chứng cứ thì tốt nhất là đưa sự việc ra pháp luật để được làm sáng tỏ trắng đen”, luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo luật sư, việc minh bạch thông tin tài khoản là một hành động tích cực của Trấn Thành, đó là những chứng cứ để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Nếu vẫn còn có người nghi ngờ, tố cáo, chửi bới, xúc phạm MC này thì anh ta nên trình báo với cơ quan điều tra để xem xét làm rõ hành vi vu khống, làm nhục người khác theo quy định của pháp luật.
Ngược lại, nếu các mạnh thường quân, những người hâm mộ vẫn không tin vào những chứng cứ mà Trấn Thành đưa ra thì cũng có quyền đưa sự việc ra cơ quan pháp luật để được xem xét làm rõ.
"Chỉ có kết luận của cơ quan chức năng, của pháp luật thì mới bắt buộc các bên phải tôn trọng, phải chấp hành. Còn 2 bên (nghệ sĩ và công chúng) quan hệ với nhau bằng niềm tin, bằng cảm xúc, bằng quan hệ dân sự mà khi niềm tin và quan hệ dân sự đổ vỡ, cũng không muốn sự việc rắc rối, không muốn đưa ra pháp luật thì có lẽ chia tay là giải pháp cuối cùng", luật sư Cường đưa ra lời khuyên.
Theo Sức Khỏe Cộng Đồng
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-toi-pham-hoc-noi-gi-khi-tran-thanh-tung-ban-sao-ke-1000-trang-a558824.html