Lý do phụ nữ gặp nhiều phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19 hơn nam giới

Phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19 là điều khá phổ biến. Theo các báo cáo, phụ nữ có xu hướng gặp phản ứng phụ nhiều hơn nam giới.

Sau khi tiêm chủng ngừa vắc-xin Covid-19 nhiều người có thể gặp phải phản ứng phụ trong khi số khác không có bất kỳ triệu chứng gì. Tùy thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người và cách cơ thể phản ứng với các mầm bệnh lạ mà bạn có khả năng biểu hiện các phản ứng từ nhẹ đến nặng.

Các phản ứng phụ sau tiêm tương tự các triệu chứng khi mắc Covid-19 bởi vắc-xin bắt chước virus kích hoạt phản ứng miễn dịch giống phản ứng miễn dịch của cơ thể khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sốt, mệt mỏi, buồn nôn, đau nhức cơ thể là các biểu hiện thường gặp sau khi tiêm. Ngoài ra, nhiều người cũng bị ngứa, mẩn đỏ, sưng tấy tại vết tiêm, tình trạng này sẽ hết sau một hoặc hai ngày.

Đáng chú ý ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Hầu hết các phản ứng với vắc-xin Covid-19 ít gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng phụ nữ chịu tác dụng phụ của vắc-xin nhiều hơn nam giới.

Theo một nghiên cứu, 79% các phản ứng phụ liên quan tới phụ nữ mặc dù số vắc-xin tiêm cho phụ nữ chiếm 60% tổng số liều.

Các báo cáo cho thấy phụ nữ dễ bị các phản ứng phụ của vắc-xin hơn có thể do họ sở hữu hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn nam giới. Nghiên cứu cũng tuyên bố phụ nữ tạo ra nhiều kháng thể mạnh hơn so với nam giới.

Daniel Kuritzkes, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại bệnh viện Brigham and Women, giáo sư tại trường Y Harvard ở Boston, cho biết: “Chúng tôi đã quan sát thấy các tác dụng phụ xảy ra thường xuyên hơn ở những người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn sau lần tiêm thứ hai".

Hệ miễn dịch của mọi người hoạt động khác nhau và các chuyên gia cho rằng chưa thể rút ra mối tương quan trực tiếp giữa các tác dụng phụ của vắc-xin và hệ miễn dịch. Tuy nhiên có thể gián tiếp suy luận rằng người có phản ứng phụ nhiều thường sở hữu một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Tất nhiên, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu cụ thể phản ứng miễn dịch của nam giới so với phụ nữ trước và sau khi tiêm vắc-xin để biết chắc chắn liệu đây có phải là một nguyên nhân hay không.

Bên cạnh đó hormone có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. “Nội tiết tố nữ estrogen thường tăng cường và ảnh hưởng đến phản ứng của hệ miễn dịch. Mặt khác, nội tiết tố nam testosterone có xu hướng hoạt động như một chất ức chế miễn dịch”, Tiến sĩ Betsy Koickel, chuyên gia y học gia đình tại Northwell Health ở Levittown, New York cho biết. Đó có khả năng là lý do hàng đầu khiến phụ nữ gặp nhiều tác dụng phụ từ vắc-xin Covid-19 hơn nam giới.

“Ví dụ về sự khác biệt trong phản ứng miễn dịch dựa trên giới tính là phụ nữ thường được chẩn đoán mắc các bệnh tự miễn dịch như lupus và đa xơ cứng. Mặt khác, đàn ông lại trải qua nhiều bệnh tật nghiêm trọng hơn và tử vong do COVID-19 nhiều hơn phụ nữ”, giáo sư Daniel Kuritzkes giải thích thêm.

Ngoài ra, một yếu tố nữa cần xem xét là phụ nữ và đàn ông khác nhau về mặt di truyền. “Cũng giống như sự khác biệt về hormone, sự khác biệt về gene cũng có thể xảy ra. Các gene miễn dịch được tìm thấy nhiều hơn trên nhiễm sắc thể X”, Tiến sĩ Koicke nói.

Trong khi giáo sư Kuritzkes thừa nhận rằng một số khuynh hướng di truyền có thể tồn tại, tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học chưa có bằng chứng cụ thể cho việc này.

Một số người thì cho rằng phụ nữ hay chia sẻ mọi chuyện, trong đó có tác dụng phụ sau tiêm, dẫn đến thống kê phụ nữ gặp nhiều tác dụng phụ hơn từ vắc-xin.

Theo các bác sĩ, tác dụng phụ của mũi tiêm chủng thường biến mất sau 1 hoặc 2 ngày nhưng nếu cảm thấy quá mệt mỏi bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn cũng nên uống nhiều nước, ngủ nghỉ đầy đủ và tránh mọi hoạt động quá sức. Sau khi tiêm phòng, tình trạng đau nhức cánh tay vẫn còn trong 1-2 ngày nhưng đó không phải là vấn đề đáng quan tâm. Để giảm bớt cơn đau, bạn nên cử động cánh tay nhẹ nhàng. Điều này kích thích lưu lượng máu đến khu vực này giúp giảm đau nhức.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, VietNamNet) - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ly-do-phu-nu-gap-nhieu-phan-ung-phu-sau-tiem-vac-xin-covid-19-hon-nam-gioi-a558855.html