Mắc Covid lại là cơ hội... trải nghiệm thói quen tốt
“Sau cơn mưa, trời lại sáng” là điều đầu tiên mà anh Phùng Quang Thông (SN 1993, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, sau khi cả đại gia đình cùng nhau điều trị Covid-19 tại nhà thành công.
Đại gia đình của anh Thông gồm 21 người với 4 thế hệ (gồm 6 gia đình) cùng sinh sống dưới một nếp nhà, chia thành nhiều phòng nhỏ khoảng 15-16m², nằm trên đường Lê Sao (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú). Cách đây chưa đầy một tháng, đại gia đình ấy vẫn còn khỏe mạnh, nhưng chỉ vì một phút “bất cẩn” của một thành viên, mà kéo theo 21 người “dương tính toàn tập”.
Anh Thông nhớ lại: “Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP.Hồ Chí Minh, cả gia đình đều khỏe mạnh. Khoảng một tháng trước, người em họ đã bị lây nhiễm ở nơi làm việc và nhận kết quả dương tính với virus Sars-CoV-2 vào ngày 20/8. Song, em ấy về nhà lại “quên mất”, không thông báo một tiếng nào, có lẽ do quá lo lắng, cũng không tự mình cách ly, vẫn tham gia mọi sinh hoạt bình thường cùng cả gia đình mà thậm chí không đeo khẩu trang.
Đến ngày 21/8, tôi mới biết tin, báo cho mọi người nhưng lúc này cũng đã trễ mất tiêu, cả nhà đều xác định tinh thần 100% ai cũng bị nhiễm. Sau khi người em họ cùng 2 người thân bị nhiễm khác được đưa đến bệnh viện cách ly, điều trị, nhà tôi bị phong tỏa. Lúc này, những người ở nhà cũng bắt đầu có triệu chứng sốt, đau họng và mệt mỏi”.
Nghĩ cả nhà đã nhiễm bệnh, anh Thông chủ động báo trạm y tế phường xuống lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên, vẫn phải chờ vài hôm. “Lúc đó, giống như bao F0 khác lúc mới biết tin mình dương tính, tôi thực sự hoang mang. Mẹ tôi đã hơn 70 tuổi, dì, cậu và bác cũng cao tuổi, lại có bệnh nền, nếu không được uống thuốc sẽ trở nặng bất chợt thì trở tay không kịp... Nhưng những suy nghĩ đó cũng nhanh chóng bị tôi dẹp sang một bên, khi nhìn thấy mẹ tôi lo lắng, thậm chí có ý định “chấp nhận số phận”, tôi tự nhủ mình phải bình tĩnh để tìm cách chiến thắng Covid-19.
Tôi chủ động lên mạng, tìm kiếm những clip hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ Trương Hữu Khanh và một số kinh nghiệm từ các F0 đã khỏi bệnh. Sau đó, tôi trấn an cả gia đình: “Chúng ta hãy coi như chỉ bị cảm cúm thông thường, giữ tinh thần thoải mái để điều trị!”. Nhờ thế, các thành viên trong gia đình cũng phần nào yên tâm hơn”, anh chia sẻ.
Trong nhà, chỉ mới có 4 người được tiêm vắc-xin, không có dấu hiệu bệnh, anh Thông và những người còn lại vì lý do sức khỏe nên chưa được tiêm... Một em bé 4 tuổi sốt khoảng hai ngày thì hết. Những người còn lại trong nhà đều mất vị giác, khứu giác, mệt mỏi, có lúc sốt hơn 39 độ.
Đến ngày 27/8, nhân viên y tế địa phương đến nhà lấy mẫu test nhanh và chính thức nhận kết quả dương tính. Sau khi được hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, họ được cấp 8 túi thuốc, sợ không đủ, anh Thông nhờ hàng xóm mua thêm thuốc hạ sốt, đau đầu, các loại vitamin A, C, D… để đề phòng.
Song song với uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, cả gia đình anh vẫn duy trì những thói quen tích cực, như mang khẩu trang tại nhà, tăng cường sát khuẩn, đặc biệt ở những khu vực sinh hoạt chung.
Anh Thông đề xuất cả nhà chăm chỉ súc họng bằng muối pha với nước ấm ngày 4 lần và dùng nước này rửa mắt, mũi. Bên cạnh đó, các thành viên cùng nhau nấu nước gừng, sả, tỏi tán nhuyễn và rượu trắng xông hơi ngày 2 lần, sáng và chiều. Mỗi lần xông hít vào sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng.
“Trước đây, cả nhà chỉ cần thấy ánh nắng là “trốn”, nhưng bây giờ, mỗi buổi sáng, cả gia đình thay phiên nhau ra trước nhà, tắm nắng 15 phút để cơ thể hấp thụ vitamin D, tập những động tác vận động nhẹ nhàng, rồi xếp ghế, ngồi ăn sáng ngay trước hiên nhà”, anh hào hứng chia sẻ về sự thay đổi của cả gia đình.
Chàng trai 28 tuổi cho biết: “Mẹ tôi sau khi nghe tôi trấn an cũng tự tìm hiểu thêm cách chăm sóc bản thân khi trở thành F0, mỗi ngày hai lần, mẹ pha thêm nước tỏi với đường phèn, uống lúc nóng để thông họng. Không chỉ mẹ tôi mà những người lớn tuổi, có bệnh nền trong gia đình đều áp dụng bí quyết này”.
Tinh thần lạc quan luôn là liều thuốc bổ tuyệt vời nhất!
Sau gần 2 tuần tự điều trị tại nhà, anh Phùng Quang Thông cho rằng: “Covid-19 sẽ không quá đáng sợ, nếu chúng ta giữ được tinh thần lạc quan và có niềm tin là mình sẽ chiến thắng. Bên cạnh việc chăm chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tinh thần lạc quan luôn là liều thuốc bổ tuyệt vời nhất!”.
“Với tôi, bệnh này cũng như cảm cúm, nhưng sức “tàn phá” lớn nhất đối với cơ thể chính là khiến người bệnh cảm thấy “chán ăn” và khó thở”. Chỉ cần vượt qua được hai cái khó này là coi như khỏe!
Còn nhớ, khi nhiễm bệnh đến ngày thứ 5, tôi bắt đầu mất vị giác và khứu giác, ăn không còn cảm nhận được mùi vị gì, nhưng tôi vẫn cố gắng ăn. Tôi tự nhủ, mình phải ăn thật nhiều thì cơ thể mới có sức khỏe và đề kháng.
Các thành viên khác trong gia đình, ai cũng sốt, mệt một vài ngày rồi hết. Riêng tôi, đến ngày thứ 8 của bệnh thì bắt đầu cảm thấy khó thở tăng dần. Có lúc, tôi hắt hơi nhẹ cũng thấy lồng ngực đau nhức, hít hơi một xíu là thấy phổi “nặng” cực kỳ, chỉ cần vận động nhẹ một chút là đã thấy mệt... Tối ngày thứ 9 của bệnh, tôi khó thở nhiều hơn và bắt đầu áp dụng các hướng dẫn trong video của một F0 điều trị thành công. Tôi dùng gối kê dưới người và nằm sấp. Nằm một lúc, tôi bắt đầu thở được, rồi chuyển sang thở nhẹ nhàng và ngủ ngon đến sáng hôm sau. Duy trì trong vài ngày liền, cuối cùng, đến ngày bệnh thứ 11, các triệu chứng bệnh cũng không còn, hơi thở cũng bắt đầu sâu hơn và không còn đau lồng ngực…”, đó là trải nghiệm với Covid-19 của riêng bản thân anh Thông.
Hằng ngày, anh cũng là người cập nhật tình hình sức khỏe của các thành viên trong gia đình, hướng dẫn các động tác tập thở, để cả nhà cùng nhau vượt qua.
Để có đủ chất dinh dưỡng, anh nhờ hàng xóm, tổ Covid-19 cộng đồng của khu phố đi chợ giúp, gia đình điều chỉnh thực đơn hấp dẫn để không còn cảm giác “biếng ăn”, hoặc khi “ngán” cơm thì chuyển khẩu phần sang cháo, bún…
Kiên trì và đều đặn như vậy, đến ngày 7/9, toàn bộ dấu hiệu bệnh của cả gia đình đều không còn nữa, ai cũng lấy lại được vị giác, khứu giác. Anh cũng báo thông tin đến trạm y tế phường để được lấy mẫu xét nghiệm lại. “Chính quyền địa phương đã xuống tháo phong tỏa và biển thông báo nhà đang cách ly y tế”, anh cho biết.
Sau chuỗi ngày đồng lòng chiến đấu với Covid-19, các thành viên trong gia đình đều đã khỏe lại, 2 người nhập viện trước đó cũng đã được trở về nhà, song, niềm vui cũng chưa hẳn trọn vẹn, người dì của anh do bệnh chuyển nặng nhanh nên đã mất ở bệnh viện. “Việc tự cách ly và thông báo cho người thân là cực kỳ cần thiết. Có như vậy, sẽ tránh liên lụy đến những người thân yêu của mình”, giọng anh hơi trầm lại khi nhắc đến chuyện này.
Mặc dù trong giai đoạn này, hầu hết các thành viên trong gia đình đều lâm vào cảnh thất nghiệp, nhưng với anh Thông, đó cũng là một cơ hội để nhìn thấy nhau thường xuyên hơn. “Thời gian này, hầu hết ai cũng khó khăn, mọi người trong gia đình tôi cũng không ngoại lệ, có người phải vay mượn khắp nơi để chi tiêu, thuốc men… Bản thân tôi làm tư vấn trong lĩnh vực bảo hiểm, mặc dù vẫn có thể duy trì công việc online nhưng về doanh số cũng không được như mong đợi. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mình có nhiều may mắn, tuy trở thành F0 nhưng đã cùng nhau vượt qua. Những ngày ở bên, quây quần cùng dùng bữa và trò chuyện, hỏi han nhau, những điều mà trước đây vì bận rộn công việc, rất ít khi có được. Cảm giác đoàn viên thật vui vẻ, ấm áp!”, giọng anh bỗng trở nên hào hứng hơn.
Chính thức chiến thắng Covid-19, anh Thông đã chia sẻ kinh nghiệm lên một nhóm F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Rất nhiều người đã nhắn tin hỏi bí quyết và anh cũng tận tình hướng dẫn từng người. Qua câu chuyện của gia đình mình, anh cũng mong những người bệnh khác sẽ sớm vượt qua, những người đang cách ly y tế sớm được trở về nhà.
Anh Thông cũng không quên nhắn nhủ: “Giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lực lượng y tế tuyến đầu cũng đang rất vất vả, ai có thể tự lo cho bản thân thì hãy cố gắng. Mọi người khi ra ngoài, nhớ mang khẩu trang đúng cách, đeo thêm tấm chắn giọt bắn; nếu đi mua đồ thì nên chủ động sát khuẩn từng món một, thậm chí sát khuẩn toàn thân. Mỗi người nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh”.
Làm gì khi chẳng may dương tính?
“Nếu chẳng may dương tính, thì cũng đừng quá hoang mang, xem như điều trị cảm cúm thông thường, mình phải tự nghĩ cách để cứu mình trước. Đồng thời, phải giữ tinh thần lạc quan và xem những thông tin tích cực, tránh để bản thân bị xúc động, bức xúc vì điều gì đó, bệnh có thể sẽ nặng hơn. Tâm phải tịnh, thì bịnh (bệnh) mới qua!”, anh Phùng Quang Thông chia sẻ.
(Ảnh: NVCC).
Tuệ Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-quyet-chien-thang-covid-cua-gia-dinh-4-the-he-co-18-f0-dieu-tri-tai-nha-a558862.html