Từ vụ “Lương y” Võ Hoàng Yên, người dân làm sao tránh “tiền mất tật mang”?

Qua sự việc liên quan đến “lương y” Võ Hoàng Yên, người dân cần thận trọng hơn với những lời quảng bá về các “thần y”, “thần dược” hay các phương pháp chữa bệnh “bí truyền”, không có cơ sở khoa học để tránh việc “tiền mất tật mang”.

Đầu năm 2021, lùm xùm “lương y” Võ Hoàng Yên bị vợ chồng ông Dũng “lò vôi” tố cáo lừa đảo tài sản, và các clip chữa bệnh trên Youtube chỉ là “diễn”, khiến nhiều người quan tâm. Giữa lúc đó, nhiều người cũng nhân cơ hội này “tố” ông Yên không chữa khỏi bệnh, không đúng như danh xưng “thần y” như các clip được lan truyền trên mạng xã hội, điều này đã gây ra một “làn sóng” lo lắng trong dư luận.

Theo một số báo chí thông tin, tháng 7/2017, ông Võ Hoàng Yên được trường trung cấp Tuệ Tĩnh (Thanh Hóa) cấp bằng tốt nghiệp trung cấp y sĩ y học cổ truyền. Tuy nhiên, năm 2015, sở Y tế Hà Tĩnh đã đặc cách cấp phép cho ông Võ Hoàng Yên (46 tuổi) mở trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh ở xã Cẩm Vịnh để khám, chữa bệnh dù chưa có “bằng cấp” gì. Đến khi bị yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, ông Yên xin “nghỉ” để đi học, bỏ mặc trung tâm hoang tàn. Ngoài ra, thực tế trong nhiều năm qua, ông Yên đã thực hiện việc chữa bệnh ở nhiều tỉnh thành, thậm chí còn chữa bệnh ở nước ngoài...

Liên quan đến “lùm xùm” của “lương y” Võ Hoàng Yên, luật sư Mai Quốc Việt (đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) đã có những trao đổi trên góc độ phát lý.

PV: Thưa luật sư Mai Quốc Việt, trách nhiệm của bản thân ông Võ Hoàng Yên khi thực hiện khám chữa bệnh cho người khác mà không đủ điều kiện, là như thế nào? Trách nhiệm của các địa phương và cơ quan chức năng đến đâu khi để tình trạng trên kéo dài suốt nhiều năm?

Luật sư Mai Quốc Việt: Vụ việc ông Võ Hoàng Yên đã hành nghề chữa bệnh một thời gian dài, hơn nữa lại chữa bệnh cho rất nhiều người, tại nhiều địa phương khác nhau nhưng chỉ đến khi bị người dân tố cáo thì cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, xác minh là có phần hơi chậm trễ. Bởi hoạt động khám chữa bệnh là ngành nghề đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2, Điều 18 luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề phải có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như: “Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; Giấy chứng nhận là lương y; Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền”.

luu-ban-nhap-tu-dong-5-5-1631188211.jpg
Luật sư Mai Quốc Việt trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, liên quan đến vụ “lương y” Võ Hoàng Yên.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng phải có đủ điều kiện hoạt động và được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP thì cá nhân tiến hành các thủ tục đăng ký, nộp hồ sơ tại sở Y tế tại địa bàn mà mình hoạt động. Sở Y tế sẽ là cơ quan thẩm định hồ sơ, cấp phép và quản lý.

Theo quy định tại Điều 7, 14 Nghị định 122/2014/NĐ-CP thì khi các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề tại địa phương, trong quá trình hành nghề, sở Y tế địa phương phải có trách nhiệm giám sát những người hành nghề khám chữa bệnh, kịp thời hướng dẫn để họ tuân thủ thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì phải có biện pháp xử lý.

Trở lại với sự việc của ông Yên, các cơ quan đã cấp chứng chỉ hành nghề, cho phép hoạt động cần xem xét ông Yên có hoạt động trên địa bàn được cấp phép hoạt động hay không, có hoạt động theo đúng các nội dung đã được cấp phép hay không. Nếu có hành vi vi phạm thì phải có hướng xử lý, chứ việc kéo dài qua vài năm trời, không có hoạt động thanh tra, kiểm tra mà đã gây ra hoang mang trong dư luận là cần phải xem xét lại.

Theo quy định tại Điều 6 luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì đã thể hiện nghiêm cấm các hành vi: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc ...” và “Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh”.

PV: Luật sư nhìn nhận như thế nào đối với phương pháp chữa bệnh bằng cách rút lưỡi, bạt tai như của ông Yên, trong khi nhiều chuyên gia y học cổ truyền cũng khẳng định là không có cơ sở? Hành vi này cần phải xử lý ra sao?

Luật sư Mai Quốc Việt: Đối với các phương pháp chữa bệnh câm, điếc bằng cách thức đập ù vào tai, rút lưỡi, ấn huyệt, xoa bóp… mà báo chí đã thông tin khi ông Yên tác nghiệp thì hiện chưa có cơ sở khoa học, hay phương pháp được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Hoạt động này mang hơi hướng mê tín, dị đoan, đôi khi rất kỳ quái. Ngoài ra, đối với các thông tin về bằng cấp mà báo chí đang đưa tin, nếu đúng như đã nêu trên thì trước thời điểm được cấp phép ông Yên đã thực hiện hành nghề khám chữa bệnh. Đối chiếu với các quy định nêu trên thì đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điểm g khoản 5, điểm a khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì: “Điều 38. Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: …g) Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh”.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.

Như vậy, trường hợp người vi phạm sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh thì có thể bị phạt hành chính với số tiền lên đến 10 triệu đồng; đối với hành vi khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì có thể bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng.

PV: Trong một lần đối chất với ông Võ Hoàng Yên, bà Hằng (vợ ông Dũng “lò vôi”) còn nhắc đến: “Cao thủ chưa từng có. Chữa bệnh, muốn gặp ông Yên, 1 triệu đồng biết được địa chỉ… Nhóm học trò của ông bán phiếu lấy tiền, thu tiền mới được địa chỉ đi tới khám bệnh”. Nếu xác minh đúng nội dung trên là sự thật, ông Yên sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Mai Quốc Việt: Cũng theo quy định người vi phạm còn bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bộ luật Hình sự hiện hành để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khám chữa bệnh đã có quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Theo đó, Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

“a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

than-y-yen1-1616402078824485684894-crop-16173496185001949959011-1631187804.jpg
Qua vụ việc liên quan đến ông Võ Hoàng Yên, người dân nên thận trọng hơn với những lời quảng bá thổi phồng trên mạng.

PV: Làm thế nào để những “lương y” mạo danh không còn cơ hội hoạt động và lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, thưa luật sư?  

Luật sư Mai Quốc Việt: Hiện nay, cơ quan chức năng đang xác minh thông tin, điều tra sự việc liên quan đến việc hành nghề của ông Võ Hoàng Yên, nên cần đợi sự giải quyết của các cơ quan.

Tuy nhiên, qua sự việc này, người dân cần thận trọng hơn với những lời quảng bá về các “thần y”, “thần dược” hay các phương pháp chữa bệnh “bí truyền”, không có cơ sở khoa học để tránh việc “tiền mất tật mang”.

Bởi lẽ, nguồn lợi từ hoạt động y tế là rất lớn, và tâm lý của người bệnh là “có bệnh thì vái tứ phương”. Do đó, đây là mảnh đất màu mỡ mà những người mạo danh “lương y”, không có đủ năng lực để hành nghề. Thông qua việc thổi phồng hoạt động hành nghề, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội thì rất nhiều dân “tiền mất, tật mang”.

Vậy nên, để xóa bỏ, ngăn chặn các hành vi nêu trên bên cạnh việc tăng cường kiểm tra của các cơ quan chuyên môn về y tế, thì các cơ quan có liên quan về như bộ Thông tin và Truyền thông, bộ Công an cần có động thái ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch, quảng cáo không đúng sự thật trên mạng xã hội, tăng cường kiểm duyệt thông tin và xử lý hành vi vi phạm.

Và trên hết, người dân là người sử dụng dịch vụ, là người trực tiếp chịu tác động thì cần đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, được cấp phép để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn luật sư!

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/luong-y-vo-hoang-yen-long-hanh-nhieu-nam-nguoi-dan-lam-sao-tranh-tien-mat-tat-mang-a558863.html