Theo VTC News, ngày 10/9, Công an phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một học sinh bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến.
Thông tin trên báo Tiền Phong, ngay sau vụ việc xảy ra, UBND Phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã báo cáo sự việc cụ thể như sau: Em H.H.D, sinh năm 2012 đã tử vong do bị điện giật. Học sinh này có địa chỉ thường trú ở quận Thanh Xuân nhưng là học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa.
Được biết, trong lúc bố đi ra ngoài, học sinh này ở nhà cùng em gái đã lấy kéo chọc vào ổ cắm điện.
Hiện cơ quan công an đang ở hiện trường điều tra nguyên nhân vụ việc.
Trước đây cũng có vụ bé trai 7 tuổi tên N.H.L.N ở xã Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọng bị điện giật tử vong thương tâm.
Sáng 12/8, theo thông tin từ gia đình, khi bố cháu chuẩn bị đi tắm đã đưa chiếc điện thoại hết pin bảo cháu đi sạc. Sau khi tắm xong, người bố phát hiện con trai đã tử vong.
Từ những vụ việc việc trẻ bị tử vong do điện giật trên cảnh báo các bố mẹ có con nhỏ phải đặc biệt cẩn trọng.
Cách phòng ngừa trẻ bị điện giật
Trẻ con vốn tính tò mò hiếu động, ham thích khám phá những điều mới lạ và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do trẻ chạm tay vào các thiết bị điện, dây điện bị mát hoặc bị hở trong gia đình.
Đôi khi trẻ dùng tay, dao, kéo, que chọc vào ổ điện.
Điện giật có thể gây phỏng hoặc tử vong cho người bị nạn.
Để phòng ngừa điện giật mỗi gia đình cần phải:
- Thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của trẻ. Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em.
- Thực hiện việc câu mắc và sử dụng điện một cách an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở, mát.
- Dạy cho trẻ lớn không được chọc vào các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện chạy qua.
- Che tất cả các ổ cắm điện trong nhà, đảm bảo tất cả các dây điện được cách điện đúng cách, và để các thiết bị điện ra khỏi tầm với của trẻ, đồng thời, cần phải có người lớn giám sát khi trẻ ở trong khu vực có nguy cơ về điện.
Khi trẻ bị điện giật, cha mẹ cần làm gì?
- Ngắt nguồn điện trước khi bạn chạm vào trẻ. Hãy rút phích cắm hoặc tắt công tắc chính.
- Không bao giờ chạm vào dây điện đang có điện bằng tay trần. Nếu bạn phải nhấc sợi dây đó ra khỏi trẻ, hãy sử dụng một cây gậy khô, tờ báo cuộn lại, quần áo dày hoặc một vật thể phi kim loại khô, cứng khác vì nó sẽ không dẫn điện.
- Di chuyển trẻ càng ít càng tốt vì sốc điện nghiêm trọng có thể đã gây ra gãy xương cột sống.
- Khi dòng điện đã được ngắt, hãy nhanh chóng kiểm tra nhịp thở, mạch, màu da và sự tỉnh táo của trẻ. Nếu trẻ không thở hoặc không có nhịp tim, hãy bắt đầu hô hấp nhân tạo ngay lập tức trong khi chờ xe cấp cứu đến.
Biện pháp an toàn hiệu quả cho trẻ khi học online trong mùa dịch
Các phương tiện học trực tuyến (điện thoại, laptop, máy tình bảng, tivi thông minh…) phải luôn được kiểm tra thường xuyên, lưu ý hệ thống kết nối mạng liên tục, sạc pin đầy đủ. Nên vào tiết sớm hơn giờ học để phòng bất trắc có thể có.
Bố trí không gian học hợp lý nhằm tạo tâm lý thoải mái vừa giảm tác động của môi trường xung quanh như tiếng ồn, và để kết nối mạng (wifi…) được tốt nhất.
Cần nắm chắc thời khóa biểu và nhất thiết phải xem kỹ nội dung bài học trước khi học. Trong lúc học, phải có tập vở ghi chép đầy đủ. Chú ý kết hợp các kỹ năng nghe nhìn, ghi chép và làm bài tập.
Cần tương tác nhiều hơn về nội dung bài học, như trao đổi với giáo viên dạy, tạo nhóm riêng với các bạn trong lớp để thảo luận nhóm, trao đổi về bài học.
Trúc Chi (t/h) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-luu-y-de-tre-an-toan-khi-hoc-online-a558907.html