Chuyên gia tư vấn cách cân bằng tâm lý cho trẻ khi học online

Trường Đại học KHXH & Nhân văn đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Cân bằng tâm lý và giảm thiểu stress trong mùa dịch".

Giãn cách kéo dài gây áp lực tâm lý

Lý giải tại sao việc ở nhà trong một thời gian dài có ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, TS.Trần Thu Hương, giảng viên môn Tâm lý học tham vấn, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG chia sẻ: “Giãn cách xã hội làm chúng ta bị ngắt quãng giao tiếp, tách khỏi các mối quan hệ xã hội. Trong ngành tâm lý học, chúng tôi gọi giao tiếp, tương tác là một loại vitamin không thể thiếu đối với đời sống tinh thần. Hoạt động con người cần đảm bảo phát triển đủ yếu tố thể chất và giao tiếp xã hội.

Khi phải ở trong nhà quá lâu, không được tiếp xúc, trao đổi, có những giao lưu cơ bản (bắt tay, trò chuyện,…) khiến cho mọi người bị mất cân bằng”.

Ngoài ra, cô Hương cũng cho biết: “Những thông tin xung quanh dịch Covid-19 cũng tạo áp lực tâm lý cho mọi người. Chúng ta cảm thấy cuộc sống mong manh hơn, điều này càng rõ hơn với những ai đang bị thất nghiệp, gia đình có người thân không may mắc bệnh. Đa phần, đối với mùa dịch lần này, mọi người đều không có sự chuẩn bị tâm lý”.

Giáo dục - Chuyên gia tư vấn cách cân bằng tâm lý cho trẻ khi học online

Buổi tọa đàm nhằm giúp tìm ra giải pháp cân bằng tâm lý

Giải pháp cân bằng tâm lý

Trong buổi hội thảo, TS.Trần Thu Hương cũng đưa ra những giải pháp giúp hạn chế căng thẳng kéo dài, trước hết cô nhấn mạnh những cảm xúc tiêu cực, khó chịu là những vấn đề hết sức bình thường, quan trọng là cách giải quyết nó.

Cô chia sẻ: “Chúng ta nên tạo cho mình một điểm tựa về mặt tinh thần, đối với các bạn học sinh có thể là lý tưởng về mục tiêu, những con người mà mình mong muốn hướng tới. Để từ đây, chúng ta sẽ hành động, nỗ lực cố gắng để đạt được những mục tiêu đó”.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, đây không phải là giải pháp lý tưởng, mà hoàn toàn bổ ích trong hoàn cảnh như hiện nay. Chúng ta nên có niềm tin vào những điều chính đáng, vào các mối quan hệ gia đình, bạn bè. Điều này sẽ tạo cho bản thân có điểm tựa tinh thần để vượt qua các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài ra, cô Hương cũng cho biết thêm: “Mọi người nên chuẩn bị tâm thế, tinh thần tốt, tâm hồn đẹp cho bản thân, và từ đây sẽ lan tỏa đến mọi người. Thay vì bị động đón nhận những điều tiêu cực, chúng ta nên chủ động sống hòa bình với cảm xúc tiêu cực, biết chấp nhận nó. Khi đối diện được bản thân, những điều không mong muốn thì mới có thể thay đổi chúng”.

Ngoài ra chuyên gia cũng khuyên chúng ta nên có những hoạt động cụ thể để giảm căng thẳng như luyện tập, trồng cây, ăn uống đủ chất. Những điều này giúp làm tăng thêm cảm xúc hạnh phúc.

Về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, chuyên gia cũng khuyên các bậc phụ huynh hãy cho đây là khoảng thời gian có thể gần gũi con, lắng nghe con chia sẻ. Đặc biệt, đây là cơ hội để cha mẹ có thể dự được những tiết học của con – điều mà trước nay phụ huynh không được làm.

Cô Hương cho rằng đây là khoảng thời gian tốt để mỗi người hoàn thành những công việc mà trước nay chưa thực hiện được, có nhiều thời gian bên gia đình, xây dựng cho các mối quan hệ phát triển về mặt chất lượng thay vì số lượng như trước kia.

Giáo dục - Chuyên gia tư vấn cách cân bằng tâm lý cho trẻ khi học online (Hình 2).

Bố mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con gây áp lực cho trẻ

Mối quan hệ giữa các thành viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trong buổi tọa đàm, PGS.TS.Bùi Thị Hồng Thái, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG cũng chia sẻ việc mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: “Khi phải ở nhà trong một thời gian dài cả cha mẹ và con cái đều có thể trải nghiệm cảm giác mất sự riêng tư do sự hiện diện thường trực của các thành viên khác trong gia đình.

Căng thẳng, mâu thuẫn trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình, thậm chí trong việc chấp nhận những thói quen của các thành viên là điều không thể tránh khỏi. Cha mẹ có thể khó khăn trong quản lý cảm xúc của bản thân và của con cái”.

Đối với các bạn học sinh, học online khiến cho các em thiếu sự tương tác xã hội, đói cảm xúc khi khó khăn trong vấn đề bày tỏ, thể hiện sự mong muốn tiếp thu tri thức mới, giao lưu với các bạn. Lâu dần, nếu không có biện pháp khắc phục các em sẽ cảm thấy không hạnh phúc.

Chuyên gia cũng đưa ra những thực trạng báo động hiện nay đó là số lượng bao hành gia đình, bạo hành trẻ em tăng lên nhiều trong những đợt giãn cách. Có rất nhiều ca tổn thương về mặt tinh thần cần được hỗ trợ tâm lý.

Lý giải tại sao lại xảy ra vấn đề trên, cô Bùi Thị Hồng Thái cho biết: “Một phần nguyên nhân do các bạn ở nhà nhiều, không có cảm giác và không gian riêng tư để được trò chuyện với bạn bè. Bên cạnh đó, cha mẹ khi tham gia học tập online cùng con, càng có tâm lý đặt quá nhiều kỳ vọng đối với trẻ. Từ đây, gây áp lực tinh thần cho các bạn”.

Về phía tâm lý phụ huynh, họ cũng kiệt quệ về tinh thần và cảm xúc, bởi những áp lực về thất nghiệp, hoặc là không thể cân bằng giữa công việc và gia đình khi làm việc tại nhà.

Để khắc phục, chuyên gia đề nghị cha mẹ nên: “Thiết lập những thói quen mới lành mạnh và mang tính hỗ trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ thời gian làm các công việc chung (cùng đọc sách, cùng chia sẻ các công việc gia đình) hoặc những cách thức cho phép cha mẹ đồng hành cùng nhau (ngồi cùng nhau khi làm việc) và đồng hành cùng con.

Tăng cường sự yêu thương và quan tâm qua những hoạt động như thực hành những điều biết ơn trong cuộc sống. Đó không phải là thứ gì quá xa vời, mà sự biết ơn khi mỗi ngày vẫn có người thân yêu bên cạnh, được bình an ở nhà, được liên lạc (dù qua điện thoại) với họ hàng, bạn bè”.

Nguyễn Hoa Trà - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-tu-van-cach-can-bang-tam-ly-cho-tre-khi-hoc-online-a558949.html