Thời gian qua, dư luận dậy sóng với các hành vi “lệch chuẩn” của những người nổi tiếng, từ tuyên truyền “ăn giun đất để chữa Covid-19,” văng tục trên mạng xã hội, quảng cáo tiền ảo đến lùm xùm tiền từ thiện đến việc giới thiệu thuốc nhưng tâng bốc về hiệu quả sử dụng.
Trong bối cảnh đó thì việc Bộ VH,TT&DL đang biên soạn Dự thảo Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, các hội chuyên môn... được cho là một động thái tích cực trong nỗ lực nhằm nâng cao ý thức hành xử của các nghệ sĩ thời nay.
Ông Trần Hướng Dương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) cho hay: "Tôi cho rằng, việc soạn thảo Quy tắc riêng dành cho nghệ sĩ là cần thiết, bởi thời gian qua nhiều nghệ sĩ đã đi "lệch đường" và chưa có được sự tin tưởng của công chúng do sa đà và việc tranh cãi ồn ào, tham gia quảng cáo sai sự thật. Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ đưa ra những chuẩn mực để các Hội chính trị, nghề nghiệp, xã hội... dựa vào đó mà đề ra các quy tắc riêng. Từ đó, sẽ có các biện pháp thanh lọc để nghệ sĩ biết nâng cao ý thức của mình trong hành xử hàng ngày và trong quá trình làm nghề".
Chia sẻ với Người Đưa Tin, NSND Lan Hương cho biết: "Với những người làm nghệ thuật thì hình ảnh, danh xưng rất quan trọng. Thật tự hào khi được khán giả gọi là NSƯT, NSND. Và tôi tin rằng, ai cũng muốn làm những chuyện đẹp đẽ để giữ danh xưng cho mình. Thời gian qua có một số nghệ sĩ vì cả tin, chưa tìm hiểu kỹ nên vô tình tiếp tay cho một số thương hiệu nhãn hàng. Tôi cho rằng, bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ sẽ làm họ cẩn trọng hơn mọi chuyện và các nhãn hàng cũng phải cân nhắc khi mời nghệ sĩ nào đó tham gia quảng cáo sản phẩm".
Nghệ sĩ này cho biết, ngoài ra các nghệ sĩ cũng cần có sự bảo vệ hơn nữa tự pháp luật, nữ diễn viên cho hay: "Bản thân Lan Hương đã không dưới 2 lần lên mạng xã hội nói về việc mình bị một số nhãn hàng lợi dụng hình ảnh để quảng cáo.
Họ ngang nhiên cắt ghép hình ảnh nghệ sĩ với những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Có hôm đang ngồi ở nhà, một người bạn có gọi điện nói, là dùng vitamin này tốt không, thấy quảng cáo cho họ đây này, thế mới tá hoả ra việc họ dùng hình ảnh trái phép. Hay từ phim Sống chung với mẹ chồng xong, họ còn dùng hình ảnh bà mẹ chồng trong phim quảng cáo cho các sản phẩm như: Nấm linh xanh, mỹ phẩm, quần áo...
Tôi biết được và rất bức xúc vì chuyện này. Tôi cũng định làm to chuyện nhưng ngay khi viết trên trang cá nhân thì có đơn vị gỡ bỏ, có đơn vị gọi điện đến xin lỗi. Thật ra, họ cứ sử dụng bừa bãi hình ảnh của nghệ sĩ như vậy, khách hàng sẽ mất niềm tin, họ mất nhiều chứ không được gì cả. Nhưng có nhiều khách hàng không hiểu, cứ tưởng mình cố tình nhận quảng cáo đó, nên tôi thường phải giải thích và giải quyết triệt để không khách hàng lại tin tưởng mua sản phẩm thì thiệt thòi lắm".
Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho hay: "Nghệ sĩ nổi tiếng thường được được các nhãn hàng mời quảng cáo vì sự lan toả. Nhưng có người vì một chút bẩn cẩn mà không để ý đến việc mình vô tình tiếp tay cho những quảng cáo không đúng, sản phẩm có 1 công dụng nhưng "hét" lên đến 5-6 công dụng. Như thế là chưa đúng, có thể nói là một sự lừa đảo để khách hàng mua sản phẩm.
Các nghệ sĩ biên chế Nhà nước thì họ có những ràng buộc, quy tắc với cơ quan, Nhà hát hay các Hội nghề nghiệp nhưng các nghệ sĩ tự do thì bản thân họ là công dân của Việt Nam, có có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Nếu có thêm Bộ quy tắc này, họ sẽ cẩn trọng hơn thôi. Nếu Bộ quy tắc mà không giải quyết được những khúc mắc bấy lâu nay thì nên nâng Dự thảo lên Luật thì sẽ răn đe với nhiều người hơn".
NTK Anh Thư thẳng thắn nói: "Bộ quy tắc ứng xử có giúp nghệ sĩ tỉnh táo trước quảng cáo... láo không? Tôi cho rằng có. Nó sẽ là một "nốt lặng" để nghệ sĩ tự soi vào, làm việc có trách nhiệm hơn. Nhiều nghệ sĩ "tặc lưỡi" vì cát - xê thương hiệu đưa ra khi mời quảng cáo khá cao, nên họ vô tư nói theo ý của nhà sản xuất, thế là không được rồi. Thời gian qua có NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh... đã phải xin lỗi khán giả vì nhận lời quảng cáo chưa đúng. Angela Phương Trinh cũng nhận sai và gỡ các bài đăng liên quan đến việc lan truyền thông tin giun đất chữa Covid-19.
Một số quảng cáo thực phẩm chức năng, hỗ trợ bệnh nhân ung thư, u bướu mà nói là không cần đến bệnh viện, uống như thần dược là sai. Người dân thì tin sản phẩm mà nghệ sĩ quảng cáo thế là vô tình đưa khán giả vào thế khó khăn hơn. Quy tắc ứng xử này sẽ như một cái Barie mà khi nghệ sĩ không được bước qua. Bởi trên Quy tắc ứng xử này còn còn những quy định của Pháp luật về việc quảng cáo không đúng sự thật".
Trước Dự thảo Quy tắc của nghệ sĩ, Luật pháp đã có quy định rõ về việc quảng cáo
Theo điểm a khoản 5 Điều 51 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thuê nghệ sĩ quay quay clip quảng cáo thực phẩm chức năng lừa dối người tiêu dùng và công chúng thì đơn vị đó có thể chịu mức xử phạt từ 100 - 140 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật, đồng thời phải cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đó.
Thậm chí, doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, có thể bị phạt cao nhất đến 5 năm tù giam hoặc phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-quy-tac-ung-xu-co-giup-nghe-si-tinh-tao-a558958.html