Trước đây, thế giới đã phát hiện và vượt qua nhiều dịch bệnh nghiêm trọng. Trong đó, vaccine được coi là "chìa khoá" chính giúp con người chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, mỗi loại vaccine có thời gian hiệu quả khác nhau.
Cụ thể, vaccine ngừa bệnh sởi có khả năng bảo vệ tới trọn đời, vaccine ngừa thuỷ đậu lại có công dụng trong khoảng 10-20 năm, các mũi tiêm phòng bệnh uốn ván cũng có thể duy trì hiệu quả tới hơn 1 thập kỷ. Trong khi đó, vaccine ngừa Covid-19 hiện nay lại có tác dụng trong thời gian khá ngắn. Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ đã và đang tiến hành kế hoạch tiêm thêm mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19 sau 6 tháng đối với người dân để tăng hiệu quả bảo vệ.
Chưa xác định được ngưỡng bảo vệ
Mục tiêu chính của vaccine là cung cấp sự bảo vệ cho cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm tự nhiên. Trong đó, ông Rustom Antia, giáo sư sinh học tại Đại học Emory (Mỹ) chuyên nghiên cứu về các phản ứng miễn dịch, nhận xét: "Một loại vaccine thật sự tốt sẽ giúp bảo vệ một người khỏi bị lây nhiễm ngay cả khi người này tiếp xúc với virus. Tuy nhiên, không phải bất kỳ loại vaccine nào cũng lý tưởng như vậy".
Ông Antia phân tích, vaccine có thể tạo ra 3 tầng bảo vệ đối với cơ thể con người, bao gồm bảo vệ đầy đủ chống lại cả sự lây nhiễm và lây truyền virus; bảo vệ khỏi triệu chứng nghiêm trọng và lây truyền; hoặc chỉ bảo vệ khỏi triệu chứng nghiêm trọng.
Trong đó, hiệu quả của khả năng bảo vệ sẽ phụ thuộc vào mức độ phản ứng miễn dịch mà vaccine tạo ra, tốc độ phân huỷ của các kháng thể, khả năng đột biến của virus hoặc vi khuẩn và vị trí lây nhiễm virus.
Ngoài ra, ngưỡng bảo vệ của vaccine là mức độ miễn dịch được tạo ra đủ để bảo vệ một người khỏi lây nhiễm dù tiếp xúc với virus. Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Mark Slifka, giáo sư tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (Mỹ) cho biết: "Về cơ bản, đó là mức độ kháng thể hoặc kháng thể trung hòa trên mỗi ml máu". Được biết, đối với mỗi loại virus khác nhau, ngưỡng bảo vệ sẽ khác nhau.
Ví dụ, vào năm 1942, hai nhà nghiên cứu người Đức đã nghiên cứu và xác định ngưỡng bảo vệ đối với bệnh uốn ván là 0,01 đơn vị kháng thể/ml máu. Trong khi đó, đối với bệnh sởi, ngưỡng bảo vệ được xác định vào năm 1985 là 0,02 đơn vị kháng thể/ml máu.
Với những căn bệnh này, mức độ phản ứng với vaccine kết hợp với tốc độ phân hủy của kháng thể đã giúp tạo ra các phản ứng miễn dịch bền vững. Trong đó, các kháng thể phòng bệnh sởi phân hủy chậm, còn kháng thể phòng bệnh uốn ván phân hủy nhanh hơn. Tuy nhiên, vaccine đã giúp cơ thể sản sinh ra nhiều kháng thể hơn mức cần thiết để bù đắp cho sự suy giảm kháng thể, kéo dài thời gian hiệu quả phòng bệnh.
Tiến sĩ Slifka nhận xét: "Chúng ta rất may mắn vì với các bệnh như uốn ván, sởi, bạch hầu, chúng ta đã được ngưỡng bảo vệ. Các bạn có thể theo dõi sự suy giảm của kháng thể theo thời gian và khi bạn biết được ngưỡng bảo vệ cần thiết đối với một căn bệnh, bạn có thể tính toản thời gian hiệu quả của khả năng bảo vệ".
Tuy nhiên, theo ông Slifka, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ được ngưỡng bảo vệ đối với Covid-19.
Virus có khả năng đột biến
Trong lịch sử, các loại vaccine có hiệu quả lâu nhất, như vaccine ngừa thuỷ đậu hoặc sởi, đã sử dụng virus tái tạo để tiêm vào cơ thể, về cơ bản giúp tạo ra khả năng miễn dịch suốt đời. Bên cạnh đó, các vaccine dựa trên protein và không sử dụng virus nhân bản (chẳng hạn như vaccine phòng bệnh uốn ván) thường không duy trì được lâu nhưng hiệu quả có thể được tăng cường khi bổ sung chất bổ trợ.
Hiện nay, các loại vaccine ngừa Covid-19 được phát triển theo nhiều công nghệ khác nhau. Trong đó, vaccine của hãng Johnson&Johnson và vacicne AstraZeneca đều sử dụng virus adeno, không phải virus SARS-CoV-2 và không chứa chất bổ trợ. Còn vaccine Pfizer và Moderna sử dụng vật liệu di chuyền RNA Thông tin (còn được gọi là mRNA), hoàn toàn không sử dụng virus sao chép. Điều này được cho là một phần lý do khiến vaccine ngừa Covid-19 không có thời gian hiệu quả lâu như các vaccine khác.
Bên cạnh đó, theo Tạp chí Y khoa Anh, các virus phòng bệnh sởi, quai bị, rubella và thủy đậu hầu như không đột biến, khiến vaccine có thể kéo dài thời gian hiệu quả phòng bệnh. Trong khi đó, kể từ khi xuất hiện tới nay, virus SARS-CoV-2 đã có ít nhất 8 biến thể được thông báo và theo dõi trên thế giới.
Tiến sĩ Slifka nhận xét: "Sự biến đổi của virus làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Virus cảm cúm cũng có đột biến. Với bệnh cúm, chúng tôi đã điều chỉnh các phòng bệnh bằng việc sản xuất một loại vaccine cúm mỗi năm sao cho phù hợp nhất với chủng cúm mới được phất hiện". Do đó, vaccine cúm thường chỉ có tác dụng trong khoảng 6 tháng.
Đối với Covid-19, trước đây, nhiều nước thế giới đã đặt mục tiêu dập tắt dịch bệnh bằng "miễn dịch cộng đồng". Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Antia, cách virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể đã tạo ra những thách thức mới đối với mục tiêu này.
Cụ thể, Tiến sĩ Antia phân tích: "Vaccine có rất ít khả năng trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng lâu dài đối với bệnh về đường hô hấp. Do đó, khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ có thể tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, phụ thuộc vào tốc độ tốc độ biến đổi của virus và tốc độ suy giảm miễn dịch".
Một phần vấn đề là do virus SARS-CoV-2 có thể tái tạo ở nhiều nơi trong đường hô hấp. Tiến sĩ Slifka phân tích: "Chúng ta có tuần hoàn máu tốt trong phổi và cơ thể nhưng không phải trên bề mặt lỗ mũi. Chúng ta có thể ngăn bệnh diễn biến nặng vì kháng thể được luân chuyển nhờ tuần hoàn máu trong cơ thể nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus ở khu vực mũi".
Do đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London cho rằng trong tương lai, vaccine ngừa Covid-19 có thể tập trung chống lại các biến thể virus mới và tập trung tăng cường khả năng miễn dịch ở cả mũi và phổi.
Minh Hạnh (Theo Wall Street Journal) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/2-ly-do-quan-trong-khien-vaccine-ngua-covid-19-khong-co-hieu-qua-tron-doi-a559122.html