“Thẻ xanh”, “thẻ vàng” vaccine đang được áp dụng thí điểm tại nhiều địa phương để mở dần lại các hoạt động kinh tế. Theo các chuyên gia, khi tỷ lệ đã bao phủ vaccine lớn thì việc áp dụng “thẻ xanh” sẽ đảm bảo quyền lợi đồng đều của người dân, bên cạnh đó, vẫn luôn phải thực hiện 5K.
Trao đổi với PV, BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, hiện nay, độ phủ vaccine mũi 1 và mũi 2 như tại TP.HCM gần như là đầy đủ. Đây là điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động sản xuất, song vẫn luôn phải gắn với các biện pháp phòng hộ.
PV: Nhiều địa phương áp dụng thí điểm “thẻ xanh”, “thẻ vàng” vaccine, vậy thưa bác sĩ, những người được cấp các loại thẻ này cần phải lưu ý gì trong phòng, chống dịch?
BSCKII Nguyễn Hồng Hà: Mục đích của tiêm đủ 2 mũi vaccine là tạo kháng thể, bảo vệ bền vững người tiêm vaccine trước nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng, hoặc giảm khả năng bị triệu chứng nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, người tiêm vaccine không tuyệt đối tránh được nguy cơ lây nhiễm virus. Trong trường hợp người mắc không có triệu chứng thì vẫn mang virus và có thể lây nhiễm bệnh cho người khác khi người đó chưa có miễn địch. Với những người tiêm một mũi vaccine, thì thời gian bảo vệ ngắn hơn.
Khi đại dịch xuất hiện, chúng ta tăng cường tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Theo đó, tiêm mũi 1 phủ rộng trước để nhiều người được tiếp cận vaccine và giảm nguy cơ chuyển nặng phải nhập viện. Sau khi có đầy đủ vaccine sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 để tạo miễn dịch mạnh mẽ hơn.
Chúng ta có thể hiểu rằng, người được tiêm vaccine sẽ có miễn dịch, nhưng vẫn có thể nhiễm virus là lây truyền cho người khác. Do đó, người được tiêm vaccine cũng phải được tư vấn vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện 5K để bảo vệ cộng đồng. Chính người tiêm vaccine phải hiểu rõ điều này.
Về vấn đề ưu tiên cho người đã tiêm vaccine, trong trường hợp đây là đối tượng phải tiếp xúc với rất nhiều người thì vẫn không thể chủ quan trong phòng, chống dịch. Trong trường hợp đi lại giữa vùng có dịch và vùng an toàn, vẫn cần các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, chưa thể đi lại tự do hoàn toàn.
PV: Bác sĩ có thể nêu những điều kiện cơ bản và thời điểm hợp lý để áp dụng “thẻ xanh” rộng rãi?
BSCKII Nguyễn Hồng Hà: Hiện nay, độ phủ vaccine mũi 1 và mũi 2 tại TP.HCM gần như đầy đủ. Đây là điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động sản xuất, song vẫn luôn phải gắn với các biện pháp phòng hộ. Bởi hiện vẫn còn những đối tượng chưa được tiêm vaccine như trẻ em và người cao tuổi, có bệnh nền, dù tiêm vaccine, nhưng do miễn dịch đã suy giảm nên kháng thể sẽ không đạt mức độ tốt.
Nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine thấp vì hiện nay vaccine chưa có nhiều và cần ưu tiên vaccine cho vùng có dịch, vùng trọng điểm. Tại nhiều địa phương, số ca mắc còn ít nên miễn dịch vừa do vaccine, vừa do cộng đồng còn thấp. Đây là những khu vực virus có thể xâm nhập và bùng thành dịch. Do vậy, khó để áp dụng “thẻ xanh” và việc mở cửa phải đi cùng kiểm soát dịch tốt, chứ chưa thể mở cửa tự do. Thực tế, các địa phương vẫn có những hạn chế theo mức độ nguy cơ, như không mở cửa các quán bar, karaoke, các hoạt động tập trung đông người…
Trong giai đoạn này, không biện pháp nào thiết thực hơn là 5K và đảm bảo lưu thông không khí tốt tại các khu vực nhà xưởng hay công sở.
Việt Nam đang bảo vệ vùng xanh và kiểm soát vùng nguy cơ tốt, nhằm ngăn chặn dịch lan rộng. Nếu xảy ra kịch bản này thì hệ thống y tế sẽ không thể đáp ứng.
Chúng ta phải xác định rõ khái niệm chung sống với virus SARS-CoV-2 - là mức độ vẫn kiểm soát được, hệ thống y tế vẫn đáp ứng được về chữa bệnh. Và khái niệm chung sống với đại dịch - là cấp độ dịch lan rộng và nghiêm trọng.
PV: Xin cám ơn bác sĩ./.
Nguồn: VOV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/luu-y-gi-voi-nhung-nguoi-co-the-xanh-vaccine-a559151.html