Hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội tại Hà Nội đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và sắp mở bán trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất của bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản quý II/2021, nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.
Theo ông Bùi Xuân Dũng- Cục Trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản- bộ Xây dựng cho biết, Nghị định 100 (2015) về phát triển và quản lý NƠXH của Chính phủ quy định, với dự án dưới 10ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn hình thức nộp tiền khiến quỹ đất phát triển NƠXH thực tế đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, số tiền doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước đó không được bố trí cho quỹ phát triển nhà ở địa phương. Vì vậy, bộ Xây dựng đã nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100 để khắc phục bất cập này.
Với những trường hợp chủ đầu tư thấy bố trí quỹ đất 20% làm NƠXH không phù hợp, địa phương báo cáo với Thủ tướng, đồng thời phải xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế làm NƠXH tại địa điểm khác trên phạm vi địa bàn.
Theo ông Dũng, chương trình phát triển NƠXH hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra.
Tại Hà Nội, hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và sắp mở bán trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.
Trong đó phải kể đến dự án NƠXH Vân Canh (huyện Hoài Đức) mà Tổng công ty HUD chuẩn bị làm, với tổng diện tích sàn hơn 53 nghìn m2 sàn, 463 căn hộ.
Liên doanh Công ty BIC và Himlam cũng đang tiến hành làm hạ tầng 3 toà CT1, CT2, CT3 cao 22 tầng với khoảng 1.900 căn NƠXH tại Thượng Thanh (quận Long Biên).
Dự án UDIC EcoTower (214 Nguyễn Xiển) tại ô đất NO1 thuộc dự án Khu đô thị mới Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) với 216 căn do UDIC làm chủ đầu tư.
Hay dự án 275 căn hộ nhà ở xã hội tại Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) do liên doanh Công ty CP đầu tư xây dựng NHS và Công ty CP đầu tư xây dựng số 4 làm chủ đầu tư đang là "điểm nóng" được nhiều người chờ thời gian mở bán chính thức.
Thời gian qua, mặc dù Quốc hội, Chính phủ cũng đã có văn bản cho phép bổ sung nguồn kinh phí cho một số ngân hàng thương mại được chỉ định, sử dụng làm “vốn mồi” cho các chủ đầu tư dự án NƠXH vay ưu đãi để thực hiện dự án nhưng thực tế nguồn vốn phân bổ rất chậm. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư phải vay vốn ngân hàng theo lãi suất thị trường, không được ưu tiên theo quy định.
Giá nhà trên thị trường liên tục tăng do nhiều chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá bán nhằm đảm bảo cân đối lợi nhuận. Người thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn trong việc sở hữu nhà ở xã hội.
Trước những lo ngại thị trường nhà ở xã hộiđã thiếu hàng giờ thiếu cả vốn, không ít doanh nghiệp đề xuất bán nhà ở xã hội theo hình thức thương mại, giảm bớt thủ tục pháp lý. Theo một số chuyên gia bất động sản, muốn phát triển nhà ở xã hội cần phải bỏ cơ chế "xin - cho", chuyển sang cơ chế thị trường. Cụ thể, thay vì nhà nước quy định về giá bán từng dự án, phê duyệt từng đối tượng, khu vực, nhóm nhà... thì nay chuyển sang mua bán thương mại tự do theo nhu cầu. Nhà nước chỉ quy định giá khung sàn. Tuy nhiên, chia sẻ trên Tạp chí Tài chính Online, TS.Võ Trí Thành- Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, với đề xuất trên, bản chất trở lại với câu chuyện nhà thương mại giá rẻ và muốn có ưu đãi. Cơ chế này đối với doanh nghiệp thì có lợi nhưng không đúng về mặt quản lý nhà nước, dễ bị lợi dụng và rất khó quản lý. |
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-sap-co-hang-loat-du-an-nha-o-xa-hoi-duoc-mo-ban-a559295.html