Kinh doanh thực phẩm bẩn bị xử lý như thế nào?

Tôi phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm gần nơi tôi ở sử dụng hoá chất để tẩy rửa thực phẩm. Tôi dự định sẽ báo cơ quan chức năng xử lý. Tôi muốn biết hành vi của cơ sở này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi vấn đề cần tư vấn đến Công ty Luật FDVN (“FDVN”). Đối với yêu cầu của Quý khách, sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, chúng tôi có những thông tin trao đổi như sau:

Tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước, với mức độ ngày càng trầm trọng, quy mô thủ đoạn ngày càng tinh vi, trở thành một vấn nạn nhức nhối, đáng báo động trong xã hội hiện nay. Hằng ngày hằng giờ, người tiêu dùng đều có nguy cơ sử dụng phải các sản phẩm kém chất lượng, và phải đánh đổi bằng cái giá quá đắt là sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của bản thân. Đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên Đán đang cận kề, nhu cầu về thực phẩm tăng cao thì cuộc chiến chống thực phẩm bẩn lại càng cam go và quyết liệt hơn bao giờ hết.

Hiện tại, vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn và thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại các văn bản sau: (1) Luật an toàn thực phẩm 2010; (2) Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (sau đây gọi là “Nghị định 115/2018/NĐ-CP”); Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là “Bộ luật Hình sự”) và Bộ luật Dân sự 2015 (đối với vấn đề về bồi thường thiệt hại).

Việc sử dụng hoá chất để ngâm tẩy thực phẩm là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010: “Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

co-quan-chuc-nang-phat-hien-thuc-pham-ban-1024x683-1632270982.jpg
Lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn thực phẩm bẩn

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức (trừ các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Cụ thể, với hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm, có thể sẽ áp dụng một trong các mức phạt sau đây:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất vượt quá giới hạn cho phép hoặc không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng;

b) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Đặc biệt, đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng, chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất, chế biến thực phẩm thì trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất (chưa đến mức truy cứu TNHS) của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt tiền được nâng lên từ 5- 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm. Đồng thời thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy thực phẩm, hóa chất vi phạm; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự

Hành vi sử dụng hóa chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thể cấu thành Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù lên tới 20 năm tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Thứ ba, về bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Đồng thời, Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Do đó, trường hợp cơ sở của ông H dùng hoá chất để ngâm thịt ốc trước khi cho các chợ và tiệm ăn mà gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác thì phải bồi thường.

Thiệt hại sức khoẻ, tính mạng bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó hoặc những ngời thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của họ gánh chịu (mức tối đa đối với một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần và đối với một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Duyên Trần – Công ty Luật FDVN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kinh-doanh-thuc-pham-ban-bi-xu-ly-nhu-the-nao-a559313.html