Mới đây nhất là sự việc giảng viên Trường đại học Bách khoa Tp.HCM mắng sinh viên là “óc trâu” trong giờ học online.
Cụ thể, trong clip lan truyền trên mạng xã hội, nam giảng viên đã nói sinh viên: "Như là cái óc trâu, nói hoài rồi cũng không làm". Tiếp đó giảng viên quát sinh viên ầm ĩ: “Tại sao không làm, Tại sao? Tại sao không làm? Trong clip có tiếng sinh viên lí nhí đáp: "Dạ, để em chỉnh lại" thì nam giảng viên tiếp tục hét lên: "Tại sao không làm?".
Đoạn clip được xác định ghi lại lớp học bộ môn cơ điện tử, Khoa Cơ khí. Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Tp.HCM, cho hay clip này xảy ra tại trường cách đây khoảng 2 tuần.
Sau khi được chia sẻ trên Facebook đoạn clip ngay lập tức trở thành đề tài khiến dân mạng bàn tán xôn xao. Đa số sinh viên đều cảm thấy "sốc" và khó chấp nhận với cách giảng viên thể hiện trong lớp học trực tuyến, cho dù có một số ý kiến cho rằng có thể giảng viên đang bị áp lực chuyện gì đó nên ảnh hưởng tới tâm lý khi giảng dạy.
Trước đó, ngày 17/9, đoạn video gần 5 phút quay lại tiết học online khoa Điện - Điện tử, đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM cũng gây bức xúc trên mạng xã hội.
Theo VnExpress, mở đầu, khi giảng viên đang giảng bài, giọng một nam sinh viên chen ngang: "Dạ bên em mưa to quá nên nghe không rõ, thầy có thể nhắc lại được không ạ?". Giảng viên liền hỏi tên sinh viên rồi nói: "Rồi, để tôi cho anh ra khỏi lớp. Mưa to quá học làm gì, đi ngủ đi nha. Mưa to thì phải tự lấy tai phone để vô, chứ mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng lại nhiều lần".
Nam sinh sau đó giải thích dù đã gắn tai nghe nhưng vẫn không rõ, giảng viên vẫn yêu cầu sinh viên nghỉ học hôm nay. Sau đó, giảng viên này "đuổi" nam sinh ra khỏi lớp, rồi hỏi sinh viên còn lại "còn ai không nghe nữa?".
Giảng viên còn yêu cầu những sinh viên còn lại bật webcam, mở micro, tự giới thiệu về mình rằng: "Tôi tên..., tôi có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường". Những người không thực hiện bị loại ra khỏi lớp. Ông cũng nói một số từ ngữ chưa chuẩn mực.
PGS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, xác nhận có sự việc trên và giảng viên trong video là thầy L.M.T thuộc khoa Điện - Điện tử của trường, lớp học môn Tín hiệu và hệ thống diễn ra ngày 16/9.
Một sự việc khác liên quan đến ứng xử của giảng viên cũng gây xôn xao dư luận thời gian qua đó là vụ giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội công khai trên trang Facebook cá nhân mỉa mai sinh viên xin nghỉ học do gia đình có chuyện buồn. Cụ thể, sinh viên này xin phép vắng mặt buổi học đầu tiên do nhà có người mất và giảng viên này đăng tải hình ảnh đoạn email này cùng lời nhắn: "Nghỉ học có làm em đỡ buồn không?".
Nhiều người lên án cách ứng xử của giảng viên này, không những không có sự thông cảm, chia sẻ với sinh viên khi gia đình em đang có chuyện buồn mà còn đăng tải những dòng chữ vô tình, mỉa mai như vậy. Giá như lời mỉa mai đó thay bằng một lời hỏi han, chia sẻ thì hình ảnh người thầy sẽ đẹp đẽ hơn, gần gũi hơn nhiều lần.
Những sự việc xảy ra liên tiếp khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách ứng xử của giảng viên hiện nay. Ai cũng biết công việc giảng bài luôn rất áp lực, giảng bài online còn áp lực hơn nhiều lần. Bởi lẽ, bên cạnh yếu tố con người, giảng bài online sẽ có nhiều yếu tố khác chi phối như: Không gian học, chất lượng thiết bị học của sinh viên, đường truyền mạng… Chỉ cần đường truyền kém hay địa điểm học của sinh viên ồn ào… là đã ảnh hưởng đến buổi học, đến tâm lý của giảng viên, dễ gây tâm lý ức chế, mệt mỏi, bực bội.
Tuy nhiên, không thể lấy lý do áp lực khi dạy online để bào chữa cho cách xử sự chưa đúng mực của các giảng viên. Việc giảng viên xúc phạm sinh viên là khó chấp nhận, ngay cả khi sinh viên phạm lỗi. Giảng viên xúc phạm sinh viên sẽ làm “vẩn đục” môi trường sư phạm và xấu đi hình ảnh người thầy. Nhiều em sẽ không còn tôn trọng giảng viên, mà thay vào đó là tâm lý sợ hãi, phục tùng (trước mặt).
Vì thế, giảng viên-những người gieo mầm kiến thức cho người học ở tầng bậc cao nhất của hệ thống giáo dục- không những cần làm tốt công việc truyền đạt kiến thức, mà còn cần xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với sinh viên nhờ cách ứng xử đúng mực.
Được biết, sau sự việc giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu”, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM cũng đã có thư ngỏ gửi các giảng viên trong đó mong họ hãy giữ vững cách ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề.
Bức thư viết: “Trong cơn đại dịch, mọi sinh hoạt thường ngày của chúng ta và người thân đều đảo lộn, chúng ta phải xử lý rất nhiều việc phát sinh bất ngờ và rất khó khăn vì dịch bệnh, chúng ta phải chuyển sang hình thức giảng dạy online hoàn toàn tại nhà và điều này cũng gây không ít phiền toái cho thầy cô. Không ít thì nhiều, chúng ta cũng biết rằng, những trở ngại này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả thầy cô giáo trong toàn trường.
Thời gian qua, có một số dư luận phản ảnh tình hình giảng dạy của một số ít thầy, cô không ở nội dung giảng dạy mà ở cung cách ứng xử trên lớp online. Chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm với các sự cố này, vì các lý do như nêu trên. Tuy nhiên, xin các thầy, cô quan tâm kìm hãm các nỗi bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quả nặng nề. Việc giảng dạy online, dẫu sao còn quá mới với tất cả chúng ta, mà bầu không khí trong lớp online lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm hứng khởi học tập của sinh viên, nên một lần nữa rất mong quý thầy cô hết sức quan tâm đến vấn đề này”.
Liên quan đến vấn đề này, PGS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM cũng cho rằng: "Việc dạy học trực tuyến trong bối cảnh này rất nhiều khó khăn, đôi khi tâm trạng không tốt, có những chuyện riêng sẽ gây ức chế. Nhưng với vai trò người thầy, từng phát ngôn phải chuẩn mực, mô phạm".
Minh Hoa (t/h) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loat-vu-viec-gay-tranh-cai-ve-cach-ung-xu-cua-giang-vien-a559319.html