Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia kinh tế thế giới

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2021 và có triển vọng tăng tốc trong năm 2022, theo ADB và chuyên gia kinh tế của WB Việt Nam Dorsati Madani.

Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2021 và tăng tốc trở lại trong năm 2022, theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tháng 9/2021.

Báo cáo này đã hạ dự báo tỷ lệ tăng GDP của Việt Nam trong năm 2021 xuống 3,8%, giảm đáng kể so với mức dự báo 6,7% vào tháng 4/2021 và 5,8% vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng năm 2022 không giảm quá sâu, ở mức 6,5%, khi so sánh với dự báo 7% trong báo cáo tháng 4 và tháng 7/2021 của tổ chức này.

Tác động của đợt dịch thứ 4

Trao đổi với Người Đưa Tin trong buổi phỏng vấn riêng sau họp báo sáng 22/9, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết dự báo tăng trưởng trước đó của ADB được tính toán dựa trên đà tăng trưởng khi Việt Nam kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta đã khiến ADB hạ dự báo tăng trưởng xuống 3,8%, sát với khoảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo gần đây là 3,5-4%.

Cả ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) đều chia sẻ quan điểm rằng đại dịch Covid-19 tiếp tục là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8.

Kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia kinh tế thế giới

Các yếu tốc tác động đến tăng trưởng kinh tế từ năm 2019 đến hết nửa đầu năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê, ước tính của ADB 

Theo báo cáo vừa công bố của ADB, giãn cách xã hội ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và các khu vực sản xuất công nghiệp lân cận, đóng góp đến 50% GDP cả nước, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước đó và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này thấp hơn dự kiến của Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam. Bà cho rằng lý do của việc này nằm ở việc các doanh nghiệp đã linh hoạt tìm cách tiếp tục sản xuất tại các nhà máy, đi kèm với đó là sự chuyển dịch sản xuất ra các khu vực công nghiệp miền Bắc ít chịu ảnh hưởng giãn cách xã hội hơn. 

Giãn cách xã hội cũng làm giảm tổng mức bán lẻ trong tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước đó và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chiếm nhiều nhất là bán lẻ hàng hóa. Đợt dịch thứ tư kéo dài đã làm giảm sút đáng kể cầu tiêu dùng và gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và vừa không thể trụ lại thị trường, ngay cả khi họ đã sống sót qua đợt dịch đầu tiên vào tháng 4/2020. 

Kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia kinh tế thế giới (Hình 2).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2016 đến hết tháng 8/2021. Nguồn: Haver Analytics (dữ liệu truy cập ngày 24/8/2021)

Sản xuất gặp khó khăn và gián đoạn nguồn lao động đã hạn chế đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo ADB, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng đầu tư cao hơn so với cùng kỳ 2020, khả năng do các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của đại dịch và các doanh nghiệp cũng đã trở nên linh hoạt hơn, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2019. Đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tháng 8 giảm 7,1% so với tháng 7 và 24,7% so với cùng kỳ 2020, trong khi giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng chậm lại đáng kể.

Đánh giá về trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trên con đường vượt qua đại dịch, chuyên gia kinh tế của WB Việt Nam - bà Dorsati Madani cho rằng rất khó tổng hợp ra một vấn đề quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp. Thay vào đó, bà đã tiếp cận vấn đề này từ phía cung và phía cầu của thị trường. 

Từ phía cung, vốn sản xuất và vốn lưu động sẽ là thiết yếu đối với các doanh nghiệp khi giai đoạn giãn cách kết thúc. Cùng với đó, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào và lao động cũng là thách thức lớn cần vượt qua.

Về phía cầu, cách chính phủ kiểm soát diễn biến dịch và mức độ tuân thủ quy định phòng chống dịch của người dân là yếu tố then chốt nhằm đẩy mạnh cho tăng trưởng cầu. 

Bên cạnh các trở ngại này, báo cáo của ADB cho rằng thủ tục hành chính phức tạp trong giải phóng mặt bằng, giao thông vận tải và giải ngân khoản hỗ trợ tài chính trong doanh nghiệp, cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng và khả năng thiên tai xảy ra trong những tháng cuối năm 2021 cũng sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế nói chung và cho hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. 

Triển vọng phục hồi trong năm 2022

Tuy nhiên, dù hạ dự báo tăng trưởng trước những khó khăn đợt dịch thứ tư mang lại, ADB vẫn duy trì một số dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Theo đó, các hiệp định thương mại tự do và sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu sẽ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử và nông sản. Nhu cầu tăng đối với các dịch vụ trực tuyến và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì tăng trưởng của các nhóm ngành này. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và lực lượng lao động trẻ, năng động cũng sẽ góp phần đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trở lại.

Kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia kinh tế thế giới (Hình 3).

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. 

Để có thể hướng tới một năm 2022 với đà hồi phục kinh tế, cả ADB và bà Madani đều cho rằng ưu tiên trước mắt của Chính phủ Việt Nam là tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin, lấy nền tảng tăng cường mua và kêu gọi hỗ trợ vắc-xin từ các nguồn bên ngoài kết hợp với sản xuất vắc-xin trong nước. Đồng thời, đơn giản hóa và số hóa các loại thủ tục hành chính, giải ngân hiệu quả các khoản hỗ trợ doanh nghiệp và cung ứng đủ nhu yếu phẩm cùng tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nhóm yếu thế, sẽ giúp củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. 

Về phía các doanh nghiệp, theo bà Madani, trong ngắn hạn các doanh nghiệp cần làm hết sức để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn phòng dịch, tránh gây bùng phát dịch dẫn đến phong tỏa và giãn cách. Trong trung và dài hạn, sẵn sàng sử dụng nền tảng số một cách linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, quảng cáo rộng rãi hơn, dễ đến được với khách hàng và hoạt động bền vững hơn.

Nguyễn Lê Tùng Phong - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-goc-nhin-tu-chuyen-gia-kinh-te-the-gioi-a559364.html