Phân khúc bất động sản nào sẽ "bật dậy" sau dịch?

Đây là thời điểm vàng để "săn" được BĐS ở giá hợp lý nếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính ổn định trong vòng 3-5 năm.

Xu hướng BĐS trong mùa dịch

Nhận định về xu hướng bất động sản (BĐS) từ nay đến cuối năm 2021, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho rằng, cần phải nhìn trước đó vào thời điểm năm 2019, nhà đầu tư BĐS cá nhân đầu tư vào 2 xu hướng chính là dự án đô thị lớn và dự án nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn ra, nhận thấy xu hướng phát triển BĐS công nghiệp lên ngôi.

phan khuc bat dong san nao se bat day sau dich dspl1

Hình ảnh KCN Yên Phong - Bắc Ninh.

Theo ông Duy, Chính phủ có quyết sách cụ thể tăng mức đầu tư công cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này đã hình thành nên hai xu hướng BĐS: Xu hướng BĐS ven khu công nghiệp và đầu tư BĐS theo các công trình lớn.

“Với 4 xu hướng chính của thị trường là đầu tư BĐS các khu đại đô thị, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS khu công nghiệp và các dự án đi theo hạ tầng lớn, tôi nhận thấy rằng nhà đầu tư cần cân nhắc một số thị trường trọng điểm trên toàn quốc”, ông Duy chia sẻ tại một tọa đàm trực tuyến.

Cụ thể, chia sẻ về xu hướng BĐS nghỉ dưỡng, ông Duy cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, từ 1 đến 1,5 năm khi kiềm tỏa được dịch COVID-19, thì mới có cơ hội phát triển BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đây là thời điểm nếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính ổn định trong vòng 3-5 năm “săn” được BĐS nghỉ dưỡng ở giá hợp lý. Và Quảng Ninh, Bình Thuận là 2 thị trường tiềm năng đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thị trường Quảng Ninh đã phát triển tốt về nghỉ dưỡng 3-4 năm vừa rồi. Do đó, Bình Thuận sẽ là một điểm sáng thị trường nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới.

Về xu hướng phát triển BĐS đại đô thị, các đại đô thị Việt Nam do các chủ đầu tư lớn phát triển có quy mô từ 200 đến 1.000ha. Những đơn vị phát triển đều có tiềm lực tài chính vững mạnh. Nhà đầu tư nên lưu tâm những dự án gần khu dân cư. Các tỉnh phía đông Hà Nội và Tp.HCM như Hưng Yên, Đồng Nai là hai điểm sáng lớn phát triển đại đô thị.

Xu hướng thứ ba - phát triển KCN, về phía Bắc có thị trường Hải Phòng, sau đó phải nhắc đến Bắc Ninh. Tuy nhiên, Bắc Ninh quỹ đất không còn nhiều, nên Bắc Giang nổi lên là điểm sáng cụ thể khi phát triển KCN bởi không nhiều nơi phía Bắc có quỹ đất phát triển đồng bộ như Bắc Giang.

“Về phía khu vực miền Trung cũng là một điểm sáng khi quỹ đất miền Bắc và miền Nam hạn hẹp dần. Chúng ta cũng cần cân nhắc một số thị trường mới nổi như Nghệ An, Hà Tĩnh”, ông Duy nhấn mạnh.

Quay về thị trường phía Nam, thủ phủ KCN hiện nay là Bình Dương. Tuy nhiên, Bình Dương cũng giống Bắc Ninh nhưng có quy mô hơn rất nhiều. Thị trường BĐS ở Bình Dương cực kỳ phát triển. Thế nên, khi làn sóng mới về phát triển BĐS khu công nghiệp nổi lên thì nhu cầu mở rộng mới cao. Do đó, Bình Phước, Tây Ninh sẽ là khu vực thay thế cho quỹ đất phát triển KCN trong tương lai.

Cuối cùng, thị trường BĐS phát triển theo hạ tầng lớn, ông Duy cho hay: “Quốc hội phê duyệt phát triển tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành. Đây là hai trục hạ tầng lớn của Việt Nam. Tôi cho rằng, thị trường Đồng Nai sẽ thu hút đặc biệt về vấn đề liên quan hạ tầng”.

Ngoài ra, ở thị trường phía Bắc, cũng cần chú ý đến Thanh Hóa khi có quyết sách đầu tư công nhiều từ Chính phủ. Thanh Hóa đang dần trở thành tứ giác kinh tế mới của phía Bắc bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Cơ hội vàng M&A khách sạn, khu nghỉ dưỡng

Nhận định cụ thể hơn về xu hướng BĐS khách sạn và nghỉ dưỡng, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam cho hay: Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn tại Việt Nam. Trong những tháng vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán. Các nhà đầu tư nước ngoài "âm thầm" thâm nhập vào phân khúc khách sạn của Việt Nam.

“Dù thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng đã bị tác động khá lớn do dịch nhưng Savills cũng nhận được nhiều đề nghị tư vấn chuyển nhượng từ bên bán. Có thể nói, đây là thời điểm vàng cho hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) khách sạn khu nghỉ dưỡng.

Đại dịch mang đến cơ hội M&A các khu nghỉ dưỡng đã vận hành, với vị trí đắc địa, dòng tiền quá khứ tốt với giá giao dịch ở mức hợp lý mà trước kia rất khó có thể tìm được người bán. Cơ hội sẽ dành cho các nhà đầu tư sẵn sàng chờ sự bật lại của thị trường. Đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tái cơ cấu lại dòng tiền và tình hình tài chính của mình. Trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng”, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho hay.

Ông Troy cho rằng, điều quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh BĐS khách sạn nghỉ dưỡng, để có thể tồn tại và thích ứng trong bối cảnh mới, là xác định được rằng đại dịch rồi sẽ kết thúc, và không phải “trạng thái bình thường mới”.

Chắc chắn thị trường sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ, để kéo phân khúc bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng quay trở lại nơi nó vốn đã từng đứng vững trước đây. Đó là vì trong suốt thời gian dịch bệnh, người dân nói chung với một lượng dự trữ tài chính sẽ luôn sẵn sàng chi tiêu mua sắm, và đặc biệt là được đi du lịch bất kỳ nơi đâu, từ đó khiến cho ngành kinh tế này chắc chắn sẽ bùng nổ trở lại.

Thu Nga - Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (153)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phan-khuc-bat-dong-san-nao-se-bat-day-sau-dich-a559492.html