Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, hàng loạt khu vực kinh tế trọng điểm phải giãn cách theo Chỉ thị 16 nhiều tháng. Kéo theo đó, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, khiến cho các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, chuỗi kết nối lưu thông và tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy.
Mới đây, Quốc hội đã gợi ý cần thiết kế gói kích thích hỗ trợ lãi suất khoảng 2.000 tỷ. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, lựa chọn cách tiếp cận cho phù hợp.
95% doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Tại tọa đàm "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức tối 25/9, TS.Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết Tổng cục Thống kê đã khảo sát nhanh 6.600 doanh nghiệp ngành công nghiệp đại diện cho các vùng miền, địa phương trên cả nước trong tháng 9/2021.
Số liệu cho thấy, có 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, 80% doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào do dịch; 54,2% doanh nghiệp phải tăng chi phí do giá nguyên vật liệu tăng; 49,5% doanh nghiệp phải tăng chi phí về logistic; 40,8% doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu đầu vào; 33,4% doanh nghiệp thiếu lao động; 26,8% doanh nghiệp thiếu vốn; 86,7% doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm do giá nguyên vật liệu tăng.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết doanh thu của Vietravel trước đây đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm nhưng hiện có thể không đạt được 10% số đó.
Còn theo TS.Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, thời điểm này, các hãng chỉ còn 50 chuyến/ngày, phần lớn 80-90% máy bay "đắp chiếu" ở các sân bay. Hai đợt bùng phát dịch bệnh gần nhất đều vào mùa cao điểm, doanh thu các doanh nghiệp hàng không đều sụt giảm 90% so với cùng kỳ.
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ năm 2009
Để ứng phó, Chính phủ đã triển khai song song các giải pháp chống dịch nghiêm ngặt cùng với phủ rộng vắc-xin. Sau nhiều nỗ lực, một số địa phương bắt đầu nới lỏng để khởi động trở lại các hoạt động kinh tế.
Mong muốn hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi hoạt động, đặt ra vấn và bộ giải pháp tổng thể. Trong đó, giải quyết bài toán hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh đứt gãy dòng tiền được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm.
TS.Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến nền kinh tế nước ta ảnh hưởng nặng nề.
Một năm sau đó, Chính phủ đã tung ra gói kích cầu 8 tỷ USD để vực dậy các doanh nghiệp. Trong đó, có gói hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD (16.000 tỷ đồng). Gói này dùng trực tiếp ngân sách, thông qua các ngân hàng hỗ trợ lãi suất lên đến 4%/năm, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu và mở rộng đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, gói kích cầu năm 2009 đã đạt được một số mục tiêu. "Tuy nhiên, nếu nói thành công toàn diện thì chưa. Đó cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý tính toán biện pháp hỗ trợ dòng tiền", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, phải linh hoạt vận dụng từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách tài khoá để làm sao đạt được ổn định kinh tế và hỗ trợ người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
TS.Lê Xuân Nghĩa nói thêm rằng, gói hỗ trợ năm 2008 để lại một số hệ quả.
Thứ nhất, việc lãi suất giảm quá mạnh (4%), đã khiến tăng trưởng tín dụng tăng phi mã. Cụ thể, năm 2009, tăng trưởng tín dụng tăng trên 37%. Đến năm 2010, tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 27%.
Tiếp theo, tình trạng lạm phát tăng. Năm 2010, lạm phát tăng 9%. Năm 2011, lạm phát tăng trên gấp đôi, chạm ngưỡng 18,58%.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất có thể khiến tỷ giá hối đoái tăng, như vậy khiến thâm hụt thương mại.
Trước 3 điểm nêu trên, TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng gói hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng được Quốc hội gợi ý phải thật sự cẩn trọng. Phải rút kinh nghiệm từ năm 2009 để không lặp lại những hạn chế.
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 1, sau đó, sửa đổi 2 lần để phù hợp thực tế. Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý giúp các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ còn lại hơn 227.000 tỷ đồng. Luỹ kế giá trị nợ được cơ cấu từ 21/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.
Thậm chí, chính bản thân các ngân hàng thương mại cũng rất nỗ lực để giảm lãi suất cho khách hàng. Gần nhất, thông qua Hiệp hội Ngân hàng, 16 Ngân hàng thương mại đã đồng lòng giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021.
Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,55%/năm so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Đồng thời, các ngân hàng đã cắt giảm khoảng gần 30.000 tỷ đồng lợi nhuận khi miễn, giảm, hạ lãi suất, phí cho khách hàng.
"Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong 8 tháng đầu năm 2021, đặc biệt trong quý II và quý III bị đình trệ do chịu tác động bởi dịch Covid-19. Công tác khởi kiện khách hàng, thu giữ, phát mại, đấu giá tài sản đảm bảo của ngân hàng bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói.
Với gợi ý của Quốc hội về việc dùng ngân sách Nhà nước để cấp bù lãi suất, ông Hùng cho biết rất ủng hộ. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc ra được cơ chế sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, cũng nhận định thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. "Ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành để xây dựng kịch bản, chương trình nếu thực hiện gói hỗ trợ theo gợi ý của Quốc hội", ông nói.
Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, gói hỗ trợ tới đây nên được thiết kế trên nền tảng rút kinh nghiệm gói hỗ trợ năm 2009, không phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả các doanh nghiệp cần đều được hỗ trợ công bằng.
"Gói hỗ trợ không nên phân biệt các ngành, đối tượng ưu tiên được hưởng", ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ đồng tình. Cần phải thảo luận nghiêm túc, có những giải pháp cẩn trọng và sớm xây dựng khung pháp lý riêng cho gói hỗ trợ này.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/goi-ho-tro-khong-nen-phan-biet-cac-nganh-doi-tuong-uu-tien-duoc-huong-a559499.html