Tăng từ 2 đến 10 điểm so với năm trước
Thống kê sơ bộ cho thấy, ngành sư phạm ở các trường có truyền thống đào tạo ngành này đều tăng từ 2 đến 10 điểm so với năm trước. Đây là mức tăng nhiều nhất sau nhiều năm ngành sư phạm ở nhiều trường có điểm chuẩn khá thấp.
Tăng cao nhất, cũng gây ngạc nhiên nhất, là ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), với điểm chuẩn lên tới 30,5. Với mức điểm này, thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.
Tuy là trường đại học thuộc tỉnh nhưng điểm chuẩn nhiều ngành cao hơn cả những trường sư phạm trọng điểm. Theo đó, ngành sư phạm Lịch sử chất lượng cao lấy điểm chuẩn rất cao, tới 29,75. Các ngành đào tạo sư phạm thuộc chương trình chuẩn, điểm trúng tuyển từ 18 đến 27,75.
Tương tự, ngành sư phạm công nghệ của Trường đại học Sư phạm 2 có điểm chuẩn là 32,5/40 - tăng tới 7,5 điểm so với năm 2020.
Trong khi đó, điểm chuẩn vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội cao không kém các trường kinh tế đang "hot" nhất. Theo thông báo của trường, điểm trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh lên đến 28,53; thí sinh muốn vào các ngành sư phạm toán (dạy bằng tiếng Anh) và giáo dục chính trị phải có điểm chuẩn lên đến 28,25. Với mức điểm này, thí sinh dù đạt điểm 2 môn 9 và 1 môn 10 vẫn nằm ngoài cuộc đua.
Trường đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội có mức điểm chuẩn thấp hơn một chút, nhưng cũng ở 27,6 đối với ngành sư phạm tiểu học; 25,65 đối với sư phạm Toán và Khoa học tự nhiên; 25,55 đối với sư phạm Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Ngay cả một ngành tưởng như khó tuyển sinh vì đầu ra khó là sư phạm mầm non cũng có điểm chuẩn lên tới 25,05.
Tại Trường đại học Cần Thơ, ngành sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn 25 điểm, tăng 6 điểm so với năm trước. Một số ngành sư phạm khác cũng có điểm chuẩn tăng mạnh như giáo dục thể chất tăng 7,25 điểm, sư phạm Vật lý tăng đến 6 điểm, sư phạm Sinh học tăng 5,25 điểm, sư phạm Tin học tăng 4,5 điểm.
Tại Trường đại học Đà Lạt, các ngành sư phạm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh đều tăng từ 6 đến 6,5 điểm so với năm 2020. Điểm chuẩn Trường đại học Sư phạm (đại học Đà Nẵng) năm nay cũng tăng từ 1 đến 5,9 điểm so với năm trước. Trong đó ngành sư phạm Hóa tăng 5,9 điểm, sư phạm Vật lý tăng 4,9 điểm, sư phạm Lịch sử tăng 4,5...
Tại Trường đại học Sài Gòn, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng từ 0,5 đến 2 điểm so với năm ngoái. Ở nhiều trường đại học khác, điểm chuẩn các ngành sư phạm phần lớn tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm trước.
Lựa chọn của nhiều gia đình trong bối cảnh khó khăn
Lý giải về nguyên nhân khiến điểm chuẩn ngành sư phạm tăng vọt, đại diện các trường cho rằng có nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ do đề thi năm nay dễ hơn.
Theo ông Hoàng Văn Thi, Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức, điểm chuẩn của trường tăng do số lượng thí sinh đăng ký nhiều. Mỗi ngành đào tạo chương trình chất lượng cao của Trường đại học Hồng Đức chỉ tuyển 15 chỉ tiêu. Các ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao thì có những điểm ưu việt hơn, chất lượng tốt hơn nên ra trường cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn.
ThS. Lê Phan Quốc cho biết các yếu tố làm tăng điểm chuẩn trong năm nay có thể kể đến là do điểm thi của thí sinh tăng so với năm 2020; chỉ tiêu các ngành ít hơn. Với sư phạm Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, đây là 2 ngành đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới nên được nhiều thí sinh lựa chọn.
TS.Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Đà Lạt cho rằng, đề thi dễ khiến điểm thi của thí sinh tăng lên, không chỉ riêng thí sinh xét tuyển ngành sư phạm. Tuy nhiên, năm nay ngành sư phạm ngoài chính sách miễn học phí như năm ngoái thì còn cấp sinh hoạt phí hằng tháng 3,56 triệu đồng nên đã thu hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hơn.
"Các chính sách này đã thu hút thí sinh, nhất là thí sinh giỏi quay trở lại ngành sư phạm. Năm nay trường tuyển 350 chỉ tiêu sư phạm nhưng có đến gần 3.000 nguyện vọng đăng ký, nhiều hơn hẳn năm trước. Đây là yếu tố chính đẩy điểm sư phạm tăng mạnh", ông Duy nói.
Trong khi đó, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận định, đề thi dễ, chính sách học phí là yếu tố tác động đến điểm chuẩn sư phạm tăng nhưng không phải là nguyên nhân chính.
Theo ông Trang, chính dịch Covid-19 là nguyên nhân đẩy điểm chuẩn sư phạm tăng vọt. Ông Trang cho biết dịch Covid19 kéo dài đã khiến kinh tế nhiều gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn, có thể không kham nổi học phí những trường khác.
"Sư phạm miễn học phí, từ năm học 2021 được cấp sinh hoạt phí 3,56 triệu đồng/tháng là lựa chọn của nhiều gia đình thí sinh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này khiến số lượng và chất lượng thí sinh xét tuyển sư phạm tăng lên. Giáo viên là nghề không làm ra nhiều tiền nhưng ổn định, có thu nhập. Dịch kéo dài, giáo viên dạy online và Nhà nước vẫn trả lương", ông Trang giải thích.
Minh Hoa (T/h) -Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 4 (số 152)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-diem-chuan-nhieu-nganh-su-pham-tang-vot-a559515.html