Báo Tiền Phong dẫn lời ông Trần Thế Cương - Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19, trong đó có trường hợp cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như lớp 6, lớp 9, lớp 10, lớp 12 tới trường.
UBND huyện Ba Vì đã có văn bản chỉ đạo các trường học có giải pháp tăng ca, tăng nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án sửa chữa, xây dựng trường lớp, sớm hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Dự kiến, đầu tháng 10, học sinh sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Ngày 28/9, trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, hiện tại, các trường vừa dạy trực tiếp vừa gấp rút rà soát cơ sở vật chất, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn. Theo ông Oanh, sau gần 1 tháng học sinh học trực tuyến, ở “vùng xanh”, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, nên cho học sinh tới trường. Ông đề xuất, trước mắt cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12 THPT đi học trước. Sau 1-2 tuần đánh giá an toàn, tiếp tục cho học sinh các khối lớp khác đi học.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nói rằng, thành phố đã có phương án cho học sinh đầu cấp ở “vùng xanh” đến trường, nhưng một số trường có thể không thực hiện được vì hoạt động của một trường cần sự đồng bộ về thời khóa biểu, giáo viên, xe đưa đón...
“Nếu chỉ một số khối lớp đến trường, một số khối lớp khác ở nhà thì trường có hai thời khóa biểu học trực tiếp và học trực tuyến, giáo viên dạy ở nhiều lớp khác nhau rất phức tạp”, ông Khang nói.
Ông đề xuất sở GD-ĐT Hà Nội cho tất cả học sinh các huyện thuộc “vùng xanh” đi học trước; học sinh các quận thuộc “vùng vàng”, “vùng đỏ” tạm thời ở nhà học trực tuyến. Sau 1-2 tuần nếu ổn định, các địa phương “vùng vàng”, “vùng đỏ” kiểm soát được dịch bệnh thì cho tất cả học sinh đến trường.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, bộ Y tế, cho rằng bên cạnh các hoạt động, dịch vụ thiết yếu, việc đảm bảo các điều kiện an toàn để cho học sinh quay trở lại trường học cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định trong thời gian tới.
Ông nhấn mạnh với việc các ổ dịch hiện hữu không phát sinh ca nhiễm mới cộng đồng, cộng với việc số lượng F0 những ngày qua ở mức thấp, cho thấy dịch bệnh không còn xu hướng lan rộng và đang được kiểm soát tốt.
"Tôi cho rằng trong văn bản mới, TP chưa đề cập đến kế hoạch học tập trung không phải do chưa đủ điều kiện. Hà Nội đang hoàn thiện kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các cháu. Khi đáp ứng đủ các tiêu chí, TP sẽ cho học sinh được quay lại học tập trung", ông Phu nói.
Theo vị chuyên gia, để học sinh quay lại trường học, bên cạnh chuẩn bị các thiết bị như máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn tay, bố trí chỗ ngồi giãn cách, ngành giáo dục cũng cần đào tạo, tập huấn cho cán bộ nhà trường, giáo viên phương án xử trí khi có yếu tố dịch tễ.
Từng giáo viên phải nắm bắt, theo sát biểu hiện của học sinh, khi có biểu hiện ho, sốt thì xử lý thế nào. Nhà trường cũng cần xây dựng phương án đối với từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, ông Phu nói Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh việc học sinh sớm quay trở lại trường là nhu cầu cấp thiết, chính đáng của học sinh nhất là sau khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát.
"Đây là thời điểm thích hợp và cần thiết để cho học sinh quay trở lại trường học, đảm bảo sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ cho các cháu. Học sinh học online lâu ngày có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của thầy cô giáo", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Về việc chưa có vaccine cho trẻ em, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng cho rằng điều này là khó khăn chung của các nước trên thế giới. Song, việc đảm bảo điều kiện học tập nên được đặt lên trên bởi nếu chờ đợi vaccine thì sẽ rất lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội học tập của các em.
Vị chuyên gia dự đoán trong vài ngày tới, UBND Hà Nội sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-da-co-kich-ban-cho-hoc-sinh-dau-cap-cuoi-cap-toi-truong-a559581.html