Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 nên kiêng ăn gì?
Không ăn thực phẩm có chứa nhiều đường: Các loại thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng và giấc ngủ bị xáo trộn, điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn sau khi tiêm.
Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa: Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến chứa chất phụ gia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Cụ thể, người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo bão hòa có nguy cơ cao gây béo phì, viêm miễn dịch và kháng insulin, dẫn đến xơ gan, suy gan, rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch.
- Người sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không nên ăn nhiều các thực phẩm như phần thịt nhiều mỡ: Ba chỉ bò, lợn và cừu, da gà, mỡ lợn...
- Thực phẩm từ sữa giàu chất béo (sữa nguyên chất, bơ, phô mai, kem chua, kem…).
- Các loại dầu nhiệt đới như dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao.
- Các thực phẩm chiên ngập dầu như khoai tây rán, thức ăn nhanh…
- Thực phẩm chế biến sẵn như pizza đông lạnh, xúc xích, lạp sườn…
Không nên uống rượu bia: Rượu bia có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Không những thế, rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin, đặc biệt là phản ứng sốt sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bởi vậy sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tốt nhất chúng ta nên kiêng uống rượu bia trong vòng 3 ngày hoặc lâu hơn có thể.
Không nên uống cà phê: Caffein thường có trong trà, cà phê... có thể làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Chính vì vậy, không nên uống cà phê, trà sau tiêm để tránh ảnh hưởng đến kết quả sau khi tiêm chủng.
Những lưu ý "vàng" sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng Covid-19.
Thứ hai, không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
Thứ ba, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, bởi sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A. Cùng đó, nên ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi...
Thứ tư, nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Thứ năm, thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm, lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Trúc Chi (t/h) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sot-sau-tiem-vac-xin-phong-covid-19-khong-nen-an-gi-a559597.html