Không xét nghiệm bị xử lý ra sao?
Tối 28/9, nhiều cơ quan báo chí đăng tải thông tin và đoạn video ghi lại cảnh một phụ nữ bị lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ chung cư để cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Sự việc xảy ra tại chung cư Ehome 4, thuộc phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương vào trưa cùng ngày và người phụ nữ bị cưỡng chế là bà H.T.P.L., ngụ tại căn hộ tầng trệt của block B.
Luật sư Phạm Văn Thuận – Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)cho rằng, theo quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ và Bộ Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng thì khi cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát, cách ly y tế và điều trị.
Trường hợp “Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm” thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Luật sư Thuận nhấn mạnh, trong trường hợp người bị yêu cầu xét nghiệm cố tình không chấp hành thì sẽ có biện pháp cưỡng chế hành chính, quyết định cưỡng chế phải do cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra sự việc ban hành và giao cho người thi hành công vụ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
Thay việc “cưỡng chế” bằng “thuyết phục”
Cùng nêu quan điểm về vụ việc, Luật sư Trần Văn Huy (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá đây là hành vi rất phản cảm.
“Xem lại toàn bộ clip được đăng tải, Luật sư thấy hành vi cưỡng chế này không nên vì trong nhà thời điểm này đang có cả phụ nữ và trẻ em. Clip không chỉ ghi nhận cảnh cơ quan chức năng phá khóa cửa, áp giải người phụ nữ đi test Covid mà còn có cả tiếng trẻ con khóc. Chắc chắn, đối với một đứa trẻ còn quá non nớt, chứng kiến này sẽ khiến đứa bé sốc tâm lý, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý lâu dài về sau”, Luật sư Huy nhận định.
Qua vụ việc này, Luật sư Trần Văn Huy cho rằng việc phòng chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của toàn dân, mỗi người cần nâng cao ý thức, tinh thần tự giác chống dịch và tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả, đúng quy định pháp luật, hợp lòng dân đối với những trường hợp tương tự như trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phối hợp trong công tác phòng chống dịch. Có thể thay thế việc “cưỡng chế” bằng biện pháp “thuyết phục” thông qua việc chỉ cho họ thấy những ưu điểm của việc test nhanh Covid, bất lợi mà họ có thể gặp khi không chấp hành yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm và quan trọng nhất là giúp người dân gỡ bỏ tâm lý lo sợ sẽ bị lây nhiễm chéo khi tập trung đông người tại khu vực lấy mẫu.
“Bên cạnh đó, các cán bộ y tế cũng có thể cung cấp, hướng dẫn người dân tự test Covid khi cần thiết và cung cấp lại kết quả để cán bộ kiểm tra, xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra”, Luật sư Huy phát biểu.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khong-che-nguoi-dan-tiem-vac-xin-nen-thay-bang-thuyet-phuc-a559619.html