Cụ thể, với dụng cụ ăn uống, bố trí bộ đồ ăn riêng cho người mắc Covid-19, nên chọn dụng cụ dùng một lần. Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng.
Bát đĩa cần được rửa bằng nước nóng và xà phòng. Tốt nhất là F0 tự rửa bát đĩa trong phòng riêng. Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ, người chăm sóc mang găng tay khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa. Sau khi rửa, bát đĩa và đồ dùng ăn uống của người nhiễm để ở vị trí riêng, tốt nhất là để trong phòng người nhiễm.
Với đồ vải, nếu có thể, F0 nên tự giặt quần áo của mình. Nếu không thể, người chăm sóc phải đeo găng tay khi xử lý đồ vải của F0.
Lưu ý:
- Giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ.
- Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể.
- Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn.
- Tháo găng, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của người nhiễm.
- Nên giặt riêng đồ của người nhiễm với đồ của người khác.
- Không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán virus qua không khí.
Đối với rác thải, cần đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi ni-lông bên trong ở phòng của người nhiễm. Rác thải cần được thu gom, xử lý hàng ngày hoặc khi thùng rác đầy.
Người nhà cần đeo găng (loại sử dụng một lần) khi xử lý rác thải, bỏ găng tay ngay sau khi xử lý xong. Đặc biệt, cần rửa tay sau khi xử lý chất thải.
Cũng theo Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành, ngoài việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, F0 điều trị tại nhà cần phải tập luyện các bài tập tăng cường chức năng hô hấp và cần vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.
Bộ Y tế nêu rõ việc vận động trong thời gian F0 cách ly tại nhà giúp giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Trong đó, các bài tập gồm tập thở, vận động tại giường, giãn cơ, thể lực tăng sức bền. Đặc biệt, trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy mệt, khó thở hay đau ngực, F0 cần dừng tập ngay và theo dõi cơ thể.
Nếu các tình trạng này vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi đã nghỉ ngơi, bệnh nhân phải báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
Ngoài ra, Hướng dẫn cũng yêu cầu F0 cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà phải đảm bảo dinh dưỡng như:
- Ăn đủ 3 bữa chính và tăng thêm các bữa phụ; đảm bảo đa dạng các nhóm thực phẩm như tinh bột, sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt…
- Không ăn quá nhiều đồ ngọt; không ăn kiêng thực phẩm nếu không bị dị ứng hoặc chỉ ăn theo lời khuyên của bác sĩ; không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng…
Bên cạnh đó F0 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan sang động vật. Người cùng nhà với F0 cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi; không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.
Bộ Y tế lưu ý đối với người nhiễm Covid-19 quản lý, điều trị tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình hoặc trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động… để được xử trí và chuyển viện kịp thời.
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở tăng: + Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút; + Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút, + Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).
- SpO2 (độ bão hòa ô xy trong máu) ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, ngón tay chân sưng phù, nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
- Bất kỳ tình trạng nào mà người bệnh cảm thấy không ổn, lo lắng.
Minh Hoa (t/h) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xu-ly-do-dung-rac-thai-cua-f0-nhu-the-nao-de-tranh-nguy-co-lay-nhiem-a559673.html