Những trường hợp thí sinh trượt đại học gây tiếc nuối nhất

Mùa tuyển sinh năm nay điểm xét tuyển tăng vọt khiến không ít các thí sinh mặc dù có điểm thi cao nhưng vẫn trượt đại học.

61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên vẫn trượt đại học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có tổng số hơn 1 triệu thí sinh tham gia dự thi. Số thí sinh có tổng điểm thi ở mọi tổ hợp đạt từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%.

Tối 19/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước có 61 thí sinh đạt tổng 29,5 điểm xét tuyển trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào.

Các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc phân tích dữ liệu và việc đỗ hay trượt ở đây không có nhiều ý nghĩa.

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 61 em không trúng tuyển nguyện vọng nào có 60 em chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng, chỉ có một em đặt hai nguyện vọng. 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có lẽ thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).

Năm nay, Học viện Chính trị Công an nhân dân có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu chỉ có 50. Đây chính là lý do điểm chuẩn của học viện này cao.

Đủ điểm nhưng trượt Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh

Thí sinh L.H.T. (phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) vừa có đơn xin cứu xét gửi đến Trường Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh vì không trúng tuyển đại học do bị mắc Covid-19 nên quên bổ sung hồ sơ, theo Tuổi Trẻ.

Theo đơn xin cứu xét, L.H.T. là thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 và có nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành Dược học (phương thức có kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế), Trường Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh.

Cụ thể, điểm thi THPT năm 2021 của L.H.T. các môn trong tổ hợp xét tuyển: Toán 9 điểm, hóa 8 điểm, sinh 8 điểm. Tổng điểm khối B: 25 điểm.

Thí sinh L.H.T. cho biết từ ngày 21/7, Trường ĐH Y dược Tp.Hồ Chí Minh có thông báo phải nộp bản sao chứng thực chứng chỉ tiếng Anh IELTS đạt từ 6.0 trở lên để đạt đủ điều kiện xét tuyển. Nhưng do từ ngày 9/7, khu vực thí sinh này sinh sống bị phong tỏa toàn bộ vì là vùng đỏ có nhiều ca nhiễm Covid-19.

Đến ngày 20/7, gia đình L.H.T. bắt đầu có người bị nhiễm Covid-19 và những ngày sau đó, toàn bộ cả gia đình đều dương tính và phải tự cách ly ở nhà.

"Gia đình có 5 người và em là thành viên cuối cùng trong gia đình bị nhiễm Covid-19. Cho đến sau ngày 23/8 mới khỏi bệnh nhưng vẫn phải cách ly tiếp 14 ngày nữa vì vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Cả gia đình đều bị ảnh hưởng về tâm lý lẫn sức khỏe do đại dịch, vì thế mà em đã chậm trễ không thể nộp được chứng chỉ tiếng Anh về cho nhà trường qua đường bưu điện", thí sinh L.H.T. cho hay.

Khi Trường Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển thì thí sinh L.H.T. đủ điểm đậu nhưng lại không được có tên trong danh sách vì thiếu chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển kết hợp, theo quy định của nhà trường.

Ngay sau đó, L.H.T. đã liên hệ phòng đào tạo và làm đơn khẩn thiết xin nhà trường xem xét, nhưng do việc tuyển sinh đã kết thúc, trường hợp này đã không được giải quyết. Thí sinh này đã trượt đại học trong sự tiếc nuối.

Nhầm lẫn điều kiện xét tuyển, nữ sinh từ đỗ thành trượt đại học

Giáo dục - Những trường hợp thí sinh trượt đại học gây tiếc nuối nhất

Năm nay điểm xét tuyển đại học "phi mã". Ảnh minh họa.

Chỉ vài ngày sau khi được cấp mã số sinh viên, nữ sinh 18 tuổi bất ngờ bị đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh huỷ kết quả vì không đủ điều kiện trúng tuyển vào trường.

Thông tin trên VnExpress, thí sinh trên là Huỳnh Thu Phương (18 tuổi), cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Em đã đăng ký 5 nguyện vọng vào đại học theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp; nguyện vọng 1 vào ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Tài chính - Marketing; 4 nguyện vọng còn lại thuộc nhóm ngành Kinh doanh Đại học Mở, Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh. Nữ sinh đạt 26,4 điểm ở tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh).

Trong thời gian chờ các trường đại học công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp đồng loạt vào 15 và 16/9, Phương tìm hiểu thêm các phương thức khác của nhiều trường đại học.

Biết được Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung dành cho các thí sinh thuộc diện đặc cách, thí sinh này nộp hồ sơ. Tuy nhiên, khi nhà trường yêu cầu gửi thêm ảnh chụp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT diện đặc cách, em đã ngừng tại đây vì không đủ điều kiện.

Sau đó, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh lại gửi thông báo nữ sinh này đã trúng tuyển. Cùng lúc, em cũng biết tin mình trúng tuyển ngành Kinh doanh Quốc tế theo nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Tài chính - Marketing theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Sau nhiều ngày phân vân giữa hai trường, nữ sinh đã xác nhận nhập học tại trường Ngân hàng vì thấy trường phù hợp, học phí thấp hơn.

Nhà trường cũng cung cấp giấy xác nhận sinh viên năm nhất, thông tin lớp học và mã số sinh viên. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, trường thông báo huỷ kết quả bởi nữ sinh không thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT theo thông báo tuyển sinh bổ sung.

Cùng lúc đó, Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng đã đóng cổng xác nhận nhập học. Từ người đỗ đại học, nữ sinh trở thành trượt đại học trong ngỡ ngàng. Nữ sinh thừa nhận sơ suất của mình khi không đọc kỹ thông báo tuyển bổ sung của Trường Đại học Ngân hàng. Tuy nhiên, việc bộ phận tuyển sinh thông báo chấp nhận hồ sơ, xác nhận trúng tuyển cũng đã khiến em hiểu nhầm mình vẫn đủ điều kiện.

Liên quan đến sự việc, chiều 1/10, Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu (Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh) xác nhận trường hợp trên có xảy ra ở trường.

Theo đó, thông báo xét bổ sung bằng điểm học bạ ngày 13/8 chỉ dành cho thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp THPT năm nay nên nữ sinh trên không đúng "đối tượng tuyển sinh".

"Thông báo tuyển sinh rất rõ ràng về điều kiện, chúng tôi nói rõ thí sinh phải được đặc cách phải theo danh sách chính thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố", ông Vũ cho biết.

Theo ông Vũ, khi trường thông báo tuyển bổ sung, nhiều thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp chưa có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Vì vậy, trường chỉ yêu cầu các em nộp giấy chứng minh nhân dân và học bạ THPT, chưa cần giấy chứng nhận được đặc cách xét tốt nghiệp.

"Nhà trường xét tuyển trên cơ sở thông tin thí sinh đã cung cấp, thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ. Có những trường hợp nhập học rồi nhưng các điều kiện không đúng theo hồ sơ trước đó do thí sinh cung cấp, kết quả tuyển sinh vẫn không được công nhận", ông Vũ cho biết.

Về hướng xử lý, ông Vũ thông tin, Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh đang làm thủ tục hoàn học phí cho nữ sinh, đồng thời làm việc với đại học Tài chính - Marketing hỗ trợ em.

Phương án được đưa ra là đại học Tài chính - Marketing sẽ gia hạn thời gian xác nhận nhập học cho nữ sinh theo diện nguyện vọng 1.

“Trường đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh đã làm việc với Đại học Tài chính Marketing để hỗ trợ thí sinh một cách tốt nhất”, ông Vũ cho biết.

Nhiều thí sinh đủ điểm chuẩn vẫn trượt đại học vì tiêu chí phụ

Đạt điểm chuẩn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không đáp ứng điều kiện xét tuyển, 67 thí sinh không được công nhận trúng tuyển. Đây không phải câu chuyện mới nhưng vẫn nhiều thí sinh vấp phải để trượt nguyện vọng đáng tiếc.

Trong quá trình xét tuyển, lọc ảo những thí sinh này đủ điểm để trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng khi rà soát, hậu kiểm thì mới biết không đủ điều kiện trúng tuyển.

Trao đổi với báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết: Đây là lỗi chủ quan của thí sinh. Nhiều thí sinh sơ suất không chú ý đến điều kiện và một số tiêu chí phụ của trường. Trong đề án tuyển sinh và quá trình tư vấn tuyển sinh, nhà trường đã lưu ý thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh và không được bỏ qua các tiêu chí phụ. Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường yêu cầu điểm trung bình học bạ THPT 6 học kỳ của mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,0 điểm trở lên.

"67 thí sinh này ban đầu đăng ký xét tuyển tổ hợp A00, nhưng khi biết điểm thi môn Tiếng Anh cao hơn môn Hóa học nên đã điều chỉnh sang tổ hợp A01 mà không nhớ còn yêu cầu tiêu chí phụ về học bạ", ông Điền cho hay.

Cũng theo ông Điền, đây là sự việc đáng tiếc, năm nào nhà trường cũng gặp phải tình huống này nên đã có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, năm nay, số lượng thí sinh gặp tình huống này tăng cao hơn do điểm thi môn Tiếng Anh tăng cao.

Một trường hợp khác, dù đủ điểm vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng thí sinh này vẫn bị đánh trượt vì không đăng ký nguyện vọng trực tuyến theo quy định.

Thí sinh này cho biết, trước ngày thi tốt nghiệp THPT, nơi em ở nằm trong khu vực bị phong tỏa nên không thể tham dự kỳ thi. Sau đó, Hà Nội lại không tổ chức thi do dịch diễn biến phức tạp. Em đành chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trông đợi vào hy vọng cuối cùng là Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau nhiên lần trì hoãn, đến ngày 26/9 vừa qua, thí sinh này mới được tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội và đạt 102 điểm - đủ điểm trúng tuyển vào nguyện vọng 1 là khoa Marketing của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ đến Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nam sinh nhận được mail từ trường với nội dung không đủ điều kiện đỗ. Nguyên nhân là em đã không đăng ký nguyện vọng trực tuyến trong thời gian quy định từ 9 - 31/8.

Do không nắm rõ thông tin cần đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân mà nghĩ chỉ cần đăng ký nguyện vọng qua đơn đăng ký của trường phụ trách tổ chức thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội) là được. Vì thế, giờ đây, mặc dù đủ điểm nhưng em lại không được xét tuyển vào trường.

Phía nhà trường cho biết, đây là trường hợp đáng tiếc, nhưng nhà trường vẫn phải làm theo quy định và không có trường hợp ngoại lệ.

Trúc Chi (T/h) - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-truong-hop-thi-sinh-truot-dai-hoc-gay-tiec-nuoi-nhat-a559750.html