Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2021), Phụ nữ và Pháp luật xin đăng tải bài viết với những ý kiến tâm huyết của các luật sư trên chặng đường bảo vệ công lý.
Phóng viên: Theo ông, hiện nay những nhân tố nào cản trở sự phát triển của nghề luật sư, cần làm gì để phá bỏ những rào cản này?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội:
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của luật sư và nghề luật sư từ việc hoàn thiện thể chế về luật sư và nghề luật sư, đến những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn hành nghề. Mỗi luật sư đều phải vượt qua muôn vàn khó khăn về nhận thức, cơ chế, về ý thức pháp luật của người dân, của khách hàng.
Ngoài ra, trong suốt quá trình đó, luật sư luôn phải làm trọn bổn phận là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng, vừa phải thể hiện tinh thần tượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp chế và công lý.
Không phải lúc nào những giá trị và mục tiêu trong hoạt động nghề nghiệp luật sư cũng được sự ủng hộ tuyệt đối từ xã hội và các cơ quan công quyền. Nếu xử lý không khéo sẽ rất dễ xảy ra xung đột trong quan hệ pháp lý giữa các chủ thể có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Vì vậy, đội ngũ luật sư phải không ngừng hoàn thiện mình, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần thượng tôn pháp luật và tuân thủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, trung thành với lợi ích hợp pháp của khách hàng, dũng cảm, dám dấn thân để bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng.
Mặt khác, Nhà nước cũng cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, giải quyết được những vướng mắc, bất cập đang cản trở bất hợp lý hoạt động tác nghiệp của các luật sư, để nâng cao hơn nữa vị trí và vai trò tích cực của luật sư trong đời sống xã hội.
Phóng viên: Hành trình đấu tranh tâm lý của luật sư giữa sự thật khách quan, lời tuyên thệ trước khi hành nghề với trách nhiệm đối với thân chủ thông qua những vụ việc cụ thể diễn biến như thế nào? Làm thế nào để giải “bài toán” giữa một bên là yêu cầu của khách hàng và một bên là sự thật khách quan của vụ án, sự tuân thủ pháp luật?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội:
Hiện nay, hoạt động của luật sư dần mang tính chuyên nghiệp, lấy lẽ phải, công bằng, công lý làm mục tiêu hoạt động, làm pháp luật, làm quy tắc đạo đức, làm thước đo cho hành vi và hoạt động nghề nghiệp.
Trong quá trình hành nghề luật sư của mình, tôi có cơ hội được tiếp xúc, trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, phần nhiều là nỗi buồn khi khách hàng của mình phải đối diện với tù tội, vướng mắc về pháp lý, hay đứng trước sự đổ vỡ cuộc sống gia đình, những rủi ro, thiệt hại trong thương trường…
Tôi luôn phải đối diện giữa tâm thế của một người hành nghề luật cần đòi hỏi sự tỉnh táo, bản lĩnh trước những áp lực để cố gắng trợ giúp cho khách hàng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, với cảm xúc của một con người khi chứng kiến những nỗi đau, sự tan vỡ từ bên trong.
Mỗi khi tiếp xúc với một khách hàng, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là tâm trạng của họ, bởi chính cảm nhận được tâm trạng của khách hàng sẽ là yếu tố quyết định đến sự dấn thân của luật sư trong hành trình tìm kiếm sự thật khách quan.
Cái khó nhất khi tham gia những vụ án “khó”, gây bức xúc dư luận đó là áp lực quá lớn đến từ dư luận. Họ bảo tôi tại sao lại đi bênh vực cho kẻ tội phạm này? Bản thân tôi cũng tự đặt câu hỏi: “Mình phải bào chữa cho bị cáo thế nào đây? Còn gì có thể bào chữa?”.
Tôi cũng đắn đo vì sợ bị trả thù, sợ phản ứng của gia đình bị hại. Nhưng đó là trách nhiệm nghề nghiệp của mình, là quyền của bị cáo. Nhiệm vụ của các luật sư khi tham gia các vụ trọng án không chỉ dừng lại ở việc bào chữa mà còn phải giải thích thế nào để bị cáo thanh thản chấp nhận.
Niềm vui của tôi khi tham gia các vụ này là mình đã “cảm hóa” được một tên giết người man rợ, giúp người phạm tội hiểu và biết chấp nhận sự trừng phạt theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hà Huy Sơn – công ty Luật TNHH TGS, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Nghề luật sư không đơn thuần chỉ là thể hiện tinh thần phục vụ khách hàng mà còn thể hiện mối quan hệ phối hợp giữa luật sư và cơ quan Nhà nước trong bảo về công lý, bảo về luật pháp.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những giá trị và mục tiêu trong hoạt động nghề nghiệp luật sư cũng được sự ủng hộ tuyệt đối từ cộng đồng xã hội và các cơ quan công quyền. Nếu xử lý không khéo sẽ rất dễ xảy ra xung đột trong quan hệ pháp lý giữa các chủ thể có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Trong hành trình đi tìm công lý, để có thể tiếp cận được hiện trường, nhân chứng hay thu thập chứng cứ hoàn thiện hồ sơ, người luật sư phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí, họ còn có thể vấp phải sự cản trở của các cơ quan, đơn vị chức năng khiến cho việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn và rắc rối hơn.
Luật sư tham gia bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự cần phải khai thác được những yếu tố có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo phải đánh giá, thu thập chứng cứ và rà soát lại toàn bộ thủ tục, trình tự tiến hành của cơ quan điều tra xem có phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng không.
Nếu phát hiện sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng thì với trách nhiệm và bổn phận nghề nghiệp, luật sư phải có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền. Trong những trường hợp như vậy, luật sư có thể bị cho là làm cản trở hoạt động điều tra và nếu luật sư không vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ rất khó có thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
Nhưng dù ở trong bối cảnh nào, luật sư cũng phải luôn luôn cẩn trọng và bình tĩnh để giải quyết vấn đề, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự nghề nghiệp.
Bởi vì, uy tín của mỗi một luật sư được gắn với nghề luật sư và giới luật sư, đó trách nhiệm của mỗi một luật sư và cả đội ngũ luật sư với cộng đồng xã hội là phải nhất quán trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng cho xã hội. Đạo đức nghề nghiệp luật sư luôn là cái gốc để tạo lập sự phát triển vững bền cho mỗi luật sư và nghề luật sư.
Luật sư, tiến sỹ Lê Ngọc Khánh - chuyên viên cấp cao của công ty Luật TNHH TGS, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Nghề luật sư luôn tiềm ẩn những cám dỗ, luôn đối diện với những mặt trái của xã hội. Vì vậy, để bảo vệ cái tốt, bảo vệ lẽ phải, công lý, chống lại cái xấu, làm rõ sự thật khách quan và bảo vệ khách hàng về mặt pháp lý,thì mỗi luật sư cần phải có năng lực, trình độ.
Họ không những phải hiểu rõ các quy định của pháp luật mà còn phải có kiến thức xã hội toàn diện, có kỹ năng nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, quan điểm, lập trường, tư tưởng vững vàng, nắm bắt được thị trường khách hàng, môi trường làm việc và thế mạnh của mình trong lĩnh vực hành nghề.
Bời vì, thực tế hiện nay, có một số bộ phận cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của nghề luật sư; về những đóng góp âm thầm, tích cực của luật sư trong các hoạt động tố tụng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng làm rõ được sự thật khách quan và tư vấn pháp lý cho người dân để bảo vệ công lý và công bằng xã hội.
Do đó, cần phải nhìn nhận sự việc một cách khách quan, toàn diện từ một số vụ việc oan sai trong các vụ án hình sự và một số sai sót trong công tác của cơ quan tiến hành tố tụng.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước cùng các phương tiện thông tin đại chúng cần thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ sự đóng góp quan trọng của đội ngũ luật sư trong quá trình tố tụng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân không bị oan sai, nhưng không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý và sự thật khách quan.
Hoạt động của họ đã góp phần hoàn thiện hệ thống tư pháp của Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy xã hội phát triển, luôn thượng tôn pháp luật, văn minh, dân chủ, công bằng, tự do.
Ngoài ra, những yếu tố tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường luôn len lỏi tấn công vào trong hoạt động của từng cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, hoạt động của các cơ quan này cần được giám sát chặt chẽ, là liều thuốc kháng sinh mạnh giúp cho cho một bộ phận cán bộ, công chức không bị tha hóa trước những tiêu cực của đời sống xã hội, v.v…
Để giải quyết những vấn đề này, thì một trong những giải pháp tối ưu là nâng cao vai trò và sự phối hợp của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, vì mục đích chung là bảo vệ công lý, lẽ phải.
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - công ty Luật TNHH TGS, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Luật sư là một nghề cao quý nhưng để giữ gìn được hình ảnh, uy tín và sự tôn trọng của xã hội là điều không dễ dàng.
Nghề nào cũng có những mặt trái, không phải luật sư nào khi bắt đầu hành nghề và trong suốt cuộc đời nghề nghiệp cũng có thể giữ gìn được những giá trị chuẩn mực của nghề nghiệp, sẽ có những luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, vượt lên những mặt trái của nghề nghiệp, đa phần các luật sư đã giữ vững được những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của nghề nghiệp, góp phần to lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, bảo vệ pháp chế và công lý, thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Để giữ gìn và phát huy được những kết quả tích cực, hạn chế và xoá bỏ những mặt tiêu cực thì đội ngũ luật sư phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, luôn độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Luật sư phải hành nghề bằng sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, coi việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng như bảo vệ quyền lợi cho chính mình, không chùn bước trước những khó khăn, có lòng trắc ẩn, sự dũng cảm, tinh thần nghĩa hiệp trong quá trình đi tìm và bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng cho khách hàng.
PV: Theo ông, ở giai đoạn hiện nay, luật sư hành nghề đối diện với những vụ án nhạy cảm, làm sao giữ được tâm thế hay sự an toàn khi dấm thân?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc công ty Luật TNHH TGS, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Luật sư phải nắm vững chắc các quy định của pháp luật và các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết trong từng lĩnh vực, tùy theo tính chất vụ việc mà luật sư cần phải có cách ứng xử kịp thời để giải quyết vấn đề.
Giữa muôn vàn áp lực của nghề nghiệp, người luật sư luôn phải giữ cho mình một cái tâm trong sáng, để soi sáng trên đường hành nghề khi gặp khó khăn.
Đối diện với những thử thách khó khăn trong hành trình đi tìm công lý để bảo vệ cho thân chủ, mỗi luật sư cần phải nhận thức mục tiêu và sứ mệnh nghề nghiệp của mình, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật cho phép, không làm những gì pháp luật cấm.
Khi tiếp nhận các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, luật sư cần phải giữ được niềm tin vào công lý, tôn trọng pháp luật và sự thật khách quan, xem xét tính chất công việc cần thực hiện có trái với quy định của pháp luật hay không và trong quá trình thực hiện sẽ gặp những khó khăn, trở ngại nào.
Đây là một trong những nghề nhiều rủi ro nhất trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, trong quá trình hành nghề, luật sư cần phải có những phương án, các kỹ năng để tự vệ, bảo vệ bản thân khi phải đối diện với những vụ án nhạy cảm, để giữ được tâm thế hay sự an toàn khi dấn thân vào nghề.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Lam