Từ thực tiễn chuyên gia y tế chỉ ra 5 phương pháp điều trị F0 hiệu quả

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ đã chỉ ra 5 phương pháp chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch theo ông là hiệu quả nhất.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, bắt đầu từ tháng 7, dịch bệnh Covid-19 ở Bình Dương trở nên phức tạp, địa phương này đã được Trung ương phân bổ nhân lực chi viện, trong đó có GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam. Ông Sỹ được giao nhiệm vụ cố vấn chuyên môn, chủ trì hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại khoa Hồi sức tích cực, trực tiếp chỉ định điều trị cho bệnh nhân, đào tạo cho các bác sĩ và điều dưỡng làm việc tại khoa Hồi sức tích cực Covid-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Trong thời gian chăm sóc, điều trị và chủ trì hội chẩn chuyên môn, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ chỉ ra 5 phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 đạt hiệu quả.

Sức khỏe - Từ thực tiễn chuyên gia y tế chỉ ra 5 phương pháp điều trị F0 hiệu quả

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Tiền Phong.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng

Người bệnh Covid-19 rất dễ mệt mỏi, chán ăn, thậm chí rất khó ăn khi bị sốt, nhiễm trùng, suy hô hấp... Bởi vậy chế độ cho bệnh nhân Covid-19 rất quan trọng cần được chú ý đến.

Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể.

Nếu trường hợp nguy kịch cần thiết phải có một nhân viên y tế chuyên ngành về dinh dưỡng để hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc thực hiện chế độ dinh dưỡng chung cho từng nhóm bệnh nhân theo tình trạng bệnh và theo bệnh nền sẵn có (suy tim, tiểu đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, bệnh phổi mãn tính).

Tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân Covid-19

Theo GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, tại các nơi điều trị cần có nhân viên y tế chuyên ngành về tâm lý trị liệu để hỗ trợ người bệnh trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm giúp người bệnh giảm lo âu, giảm stress và có niềm tin vào việc điều trị khỏi bệnh; đây cũng là cơ hội để người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể nắm bắt thông tin về quá trình điều trị, diễn tiến bệnh và gửi gắm niềm tin vào đội ngũ cán bộ y tế thông qua vai trò của các nhân viên tâm lý liệu pháp.

Giấc ngủ rất quan trọng

Cũng theo GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, giấc ngủ rất quan trọng đối với bệnh nhân. Khi điều trị bệnh, các nhân viên y tế cần hướng dẫn chăm sóc hỗ trợ giấc ngủ thông qua các biện pháp giảm stress, trấn an tâm lý, tránh những yếu tố làm nặng thêm tình trạng rối loạn giấc ngủ của người bệnh; hỗ trợ điều hòa giấc ngủ bằng các liệu pháp y học cổ truyền dân tộc, thư giãn liệu pháp và tập thở.

Bệnh nhân cần vận động nhẹ

Tại nơi điều trị cần có một cán bộ y tế chuyên ngành về vật lý trị liệu – phục hồi chức năng để tập phục hồi cho những bệnh nhân chuẩn bị cai máy thở, bệnh nhân đã được cai máy thở, bệnh nhân nằm điều trị lâu ngày nhằm tránh nguy cơ yếu cơ, cứng khớp và thuyên tắc mạch máu do nằm lâu.

Vệ sinh cá nhân thường xuyên

Yếu tố thứ 5 trong liệu pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch là chăm sóc vệ sinh thân thể và cá nhân.

Sức khỏe - Từ thực tiễn chuyên gia y tế chỉ ra 5 phương pháp điều trị F0 hiệu quả (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu có tái dương tính thì cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế.

Sau khi tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, vui lòng làm những việc sau:

Gọi điện đến cơ sở y tế gần nhất hoặc đường dây nóng về Covid-19 để biết địa điểm và thời gian làm xét nghiệm.

Hợp tác thực hiện các quy trình truy vết tiếp xúc để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.

Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác, kể cả với người nhà.

Đeo khẩu trang y tế để bảo vệ người khác, kể cả khi/trong trường hợp bạn cần liên hệ với nhân viên y tế để được trợ giúp.

Rửa tay thường xuyên.

Ở trong một phòng tách biệt với những thành viên khác trong gia đình.

Giữ phòng thông thoáng.

Tự theo dõi trong 14 ngày xem bạn có triệu chứng nào không.

Gọi điện cho nhà cung cấp dịch vụ y tế của bạn ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào sau đây: Khó thở, mất khả năng nói hoặc cử động, lú lẫn hoặc đau ngực.

Duy trì tinh thần lạc quan bằng cách tập thể dục tại nhà và giữ liên lạc với người thân qua điện thoại hoặc trên mạng.

Trúc Chi (tổng hợp) - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-thuc-tien-chuyen-gia-y-te-chi-ra-5-phuong-phap-dieu-tri-f0-hieu-qua-a560019.html