Sau khi nhận được đơn tố cáo liên quan một số cá nhân gây quỹ quyên góp từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt năm 2020, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp với UBND và MTTQ tại 7 tỉnh miền Trung để xác minh, rà soát số tiền, hàng cứu trợ.
Đặt ra 3 tình huống pháp lý có thể xảy ra, gồm con số trong sao kê trùng khớp, thấp hơn hoặc cao hơn so với số liệu địa phương cung cấp, các luật sư cho rằng kết quả rà soát sẽ là căn cứ chứng minh có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện.
Nhiều địa phương phản hồi đề nghị của Bộ Công an
Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream kể chuyện hậu trường showbiz và từ thiện của các nghệ sĩ, những lùm xùm về việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng tiền từ thiện để hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ bắt đầu được dư luận quan tâm. Trong video livestream, bà Hằng nói rằng đã mơ thấy cặp vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh ăn chặn tiền từ thiện hàng trăm tỷ đồng.
Ngày 17/9, vợ chồng ca sĩ này đã livestream công khai 18.000 trang sao kê từ tài khoản. Ở trang cuối cùng tại thời điểm kết thúc đợt từ thiện ngày 23/11, số tiền sao kê là hơn 177 tỷ.
Công Vinh và Thủy Tiên tại buổi sao kê tài khoản ngân hàng hôm 17/9. Ảnh: Hải An.
Sau khi Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin, nhiều địa phương đã có phản hồi về khoản tiền từ thiện liên quan đoàn của ca sĩ Thủy Tiên.
Đại diện 2 huyện ở Nghệ An báo cáo tổng số tiền Thủy Tiên và các nhà hảo tâm ủng hộ chính quyền, người dân là hơn 9 tỷ tiền mặt và vật dụng thiết yếu. Lãnh đạo MTTQ nơi đây đánh giá hoạt động từ thiện diễn ra công khai, có sự chứng kiến của cơ quan chức năng và người dân.
Trong khi đó tại Quảng Bình, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết đoàn từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên về địa phương hỗ trợ khoảng 15.000 hộ dân. Tuy nhiên, đoàn tự liên hệ trực tiếp từng địa phương để phát quà, không thông qua tỉnh nên chưa thể thống kê con số cụ thể mà vợ chồng nữ ca sĩ đã thay mặt hỗ trợ.
Tỉnh Hà Tĩnh xác nhận số tiền ca sĩ Thủy Tiên thay mặt các nhà hảo tâm ủng hộ địa phương là hơn 40 tỷ đồng. Mới đây nhất, tỉnh Quảng Ngãi thống kê người dân nơi đây nhận được 14 tỷ đồng từ đoàn từ thiện. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, việc trao tiền có đầy đủ giấy tờ đối chứng cũng như xác minh từng hộ dân cụ thể.
Không phải căn cứ duy nhất để xác minh nghi vấn
Đặt ra 3 tình huống pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật Anvi), cho rằng trong các chuyến từ thiện, việc phải lập sổ sách, giấy tờ là không bắt buộc. Do đó, trong bối cảnh hàng vạn người nhận tiền từ thiện, con số có sự chênh lệch là chuyện bình thường, hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguyên nhân sai lệch có thể do việc tính toán hoặc do có những người đã nhận tiền nhưng không nhớ hoặc không cung cấp con số cho chính quyền thống kê.
Thủy Tiên trong một lần đi phát quà từ thiện ở miền Trung. Ảnh: FBNV.
Theo luật sư, số liệu các tỉnh cung cấp có thể giúp củng cố chứng cứ, làm rõ hành vi ăn chặn tiền nhưng chưa phải yếu tố duy nhất để xác định có vi phạm hay không. Có 3 trường hợp có thể xảy ra, gồm: Con số trong sao kê trùng khớp, chênh lệch thấp hơn hoặc cao hơn so với con số được các địa phương cung cấp.
Thứ nhất, nếu số liệu trùng khớp thì đó là căn cứ để chứng minh ca sĩ Thủy Tiên trong sạch. Cùng với việc Thủy Tiên được chứng minh không ăn chặn tiền từ thiện, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xem xét xử lý người tố cáo về các hành vi vu khống hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trường hợp thứ 2, tổng số tiền sao kê cao hơn con số các địa phương cung cấp. Khi đó, cơ quan chức năng cần giải đáp hàng loạt nghi vấn như có hay không hành vi cắt xén, ăn chặn tiền từ thiện? Sai lệch con số do lỗi chủ quan, cố tình hay do khách quan? Có sự móc nối, câu kết, thông đồng để cùng nhau ăn chặn tiền hay không? Quá trình thu thập bằng chứng bắt đầu từ đâu, thu thập như thế nào...?
Cuối cùng, nếu con số sao kê thấp hơn dữ liệu của địa phương thống kê thì nhiều khả năng đó là do sự nhầm lẫn. Bởi lẽ, ngân hàng đã xác nhận việc cung cấp số tiền nhưng địa phương lại cung cấp con số cao hơn. Do đó, cần rà soát, kiểm tra lại việc kiểm đếm của địa phương.
Khoảng trống pháp lý liên quan từ thiện
Chia sẻ góc nhìn, thạc sĩ Trần Thanh Thảo (giảng viên Luật Hình sự, Đại học Luật TP.HCM) cho rằng đối với hoạt động từ thiện, nếu cá nhân sử dụng tiền của chính họ để làm thiện nguyện, ủng hộ đồng bào gặp khó khăn thì khó có thể xảy ra tranh chấp.
Việc kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp tiền bằng hình thức chuyển khoản để đi trao tiền, quà từ thiện là hành động tự phát nên dễ phát sinh lùm xùm về tính công khai, minh bạch.
“Theo quy định, chỉ những cơ quan, tổ chức được Nhà nước cho phép mới có quyền đứng ra vận động, quyên góp từ thiện”, thạc sĩ Trần Thanh Thảo nhấn mạnh. Còn cá nhân đi kêu gọi từ thiện, giống như một số nghệ sĩ trong thời gian qua chưa được pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể.
Nhiều tỉnh đánh giá hoạt động từ thiện của vợ chồng Thủy Tiên diễn ra công khai, có sự chứng kiến của cơ quan chức năng và người dân. Ảnh: N.T.
Thạc sĩ Trần Thanh Thảo nhìn nhận khoảng trống pháp lý của pháp luật Việt Nam trong việc cá nhân đứng ra kêu gọi, nhận tiền từ thiện là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghệ sĩ vướng lùm xùm thời gian qua.
Theo chuyên gia này, các nhà hảo tâm luôn mong muốn tấm lòng của mình được trao tận tay cho đồng bào gặp khó khăn. Thông qua lời nói hoặc giao kèo khác, họ ủy quyền việc trao tiền và quà cho các nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng.
Tuy nhiên, thạc sĩ Thảo khuyến cáo 2 tiêu chí quan trọng nhất trong hoạt động thiện nguyện là công khai và minh bạch. Những người được ủy quyền cần chủ động cam kết về thời gian, địa điểm, báo cáo rõ ràng số tiền ủng hộ và thời hạn thực hiện việc ủy quyền.
Nếu đảm bảo thực hiện được các tiêu chí trên, nghệ sĩ đi làm từ thiện sẽ tránh được những vướng mắc về pháp lý trong hoạt động từ thiện.
Hoàng Lam - Hoàng Linh/ Zing
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ba-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-sao-ke-tien-tu-thien-cua-thuy-tien-a560047.html