Án Tây:
Bé gái bị cha mẹ đẻ bạo hành chấn động nước Mỹ
Năm 1970, cô bé Genie (13 tuổi), sống ở bang California, Mỹ được cảnh sát giải cứu thành công sau thời gian dài bị chính cha mẹ đẻ bạo hành. Đây được coi là một trong những vụ ngược đãi trẻ em kinh hoàng nhất thế giới vào thời điểm đó.
Tháng 10/1970, Genie cùng mẹ là bà Dorothy bước vào một văn phòng phúc lợi ở Los Angeles. Theo các nhân viên phúc lợi vào thời điểm đó, trông Genie nhỏ bé như chỉ 7 tuổi, bước đi tập tễnh trong tình trạng xanh xao. Cô bé hầu như không thể nói chuyện, chỉ nhắc lại 2 câu duy nhất là “xin hãy dừng lại” và “đừng như thế nữa”.
Sau khi xác minh, cảnh sát phát hiện Genie là nạn nhân của sự bỏ rơi, lạm dụng và bạo hành vô cùng nghiêm trọng.
Cha mẹ cô bé, ông Clark và bà Dorothy bị bắt giữ để thẩm vấn. Clark khai nhận nhiều lần hành hạ Genie ngay từ khi em còn rất nhỏ. Khi Genie 20 tháng tuổi, ông ta nhốt cô bé trong phòng ngủ vì nghi ngờ con gái thiểu năng trí tuệ. Genie bị buộc vào ghế, trói trong nhà vệ sinh hoặc nhốt trong cũi bất kể ngày hay đêm.
Ông Clark buộc con gái phải sống cô lập với xã hội, không cho phép bất kỳ ai trong nhà nói chuyện với Genie. Cô bé cũng bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng khi phải tiếp nhận chế độ ăn lỏng hoàn toàn. Điều này khiến Genie dù đã 13 tuổi nhưng không thể nói hay đi lại như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác.
Cảnh sát tiết lộ, người đàn ông này có tính thích kiểm soát và không muốn có con. Đứa con đầu tiên của vợ chồng ông ta đã chết sau khi bị bỏ rơi trong nhà để xe, đứa con thứ hai không qua khỏi vì biến chứng khi sinh. Đứa con thứ ba là John may mắn sống sót và 5 năm sau Genie ra đời.
Vụ án khi ấy gây phẫn nộ toàn nước Mỹ. Tuy nhiên Clark đã tự sát trước khi bị tòa tuyên án về tội Lạm dụng và Bạo hành trẻ em.
Sau thời gian dài nằm viện, Genie được một gia đình tốt bụng nhận nuôi, được điều trị bởi bác sĩ tâm lý.
Luật Ta:
Ngược đãi hoặc hành hạ con là tội ác
Con cái luôn được xem là “của để dành”, là món quà vô giá mà tạo hóa ban cho những người làm cha, làm mẹ. Con cái được kết tinh từ máu thịt của cha mẹ, được người mẹ mang nặng đẻ đau, được người cha chăm sóc, vỗ về, dạy dỗ, do đó, cha mẹ có quyền và cũng có nghĩa vụ thương yêu con. Những điều này được ghi rõ trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 của Việt Nam.
Nói cách khác thì vợ, chồng có quyền ly hôn bằng một bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án nhưng không có quyền chối bỏ trách nhiệm đối với con của mình, ngay cả khi hôn nhân không còn tồn tại.
Điều 69, 71, 72 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cha mẹ có quyền và nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức và trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích của xã hội.
Nghĩa vụ thương yêu con là bởi sự gắn bó máu thịt, sự công nhận của xã hội với mối quan hệ cha mẹ – con cái đòi hỏi cha mẹ phải bày tỏ tình yêu thương qua những hành động cụ thể, bằng sự chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tài chính, thời gian, suy nghĩ cho con mình để cho trẻ em – từ tình yêu thương ấy trưởng thành và là một người con ngoan, một công dân tốt.
Cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ và chăm sóc con cái khi con chưa thành niên, chưa có khả năng lao động và ngay cả khi đã thành niên nhưng bị tàn tật…Xét về khía cạnh đạo đức, lương tâm của những người làm cha, làm mẹ cũng không cho phép họ không thực hiện nghĩa vụ đó. Khi con còn nhỏ, mọi nhu cầu sống cơ bản như ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe… đều phụ thuộc vào cha mẹ. Ngay cả khi con đã thành niên nhưng bị khuyết tật, tai nạn mà không có khả năng lao động hoặc không thể tự nuôi mình thì cha mẹ là đối tượng thực hiện việc trông nom, nuôi dưỡng, giám hộ.
Có thể nói yêu thương, chăm sóc con cái là điều kiện tiên quyết để hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ. Điều đó sẽ giúp trẻ em được lớn lên và phát triển một cách toàn diện.
Yêu thương, chăm sóc con cái không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ nên những hành vi ngược đãi hoặc hành hạ con đều bị coi là phạm pháp, bị xử lý theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Chỉ vì không muốn có con và thích kiểm soát mà Clark nhiều lần hành hạ Genie ngay từ khi em còn rất nhỏ. Ông này đã có những hành vi đối xử tàn nhẫn với Genie khi mới 20 tháng tuổi như nhốt cô bé trong phòng ngủ; buộc vào ghế, trói trong nhà vệ sinh hoặc nhốt trong cũi.
Ông Clark còn buộc con gái phải sống cô lập với xã hội. Do bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng nên dù đã 13 tuổi nhưng cô bé không thể nói hay đi lại như những đứa trẻ bình thường khác.
Nếu không tự sát, chiếu theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, Clark sẽ bị xử lý về tội Ngược đãi hoặc hành hạ con. Hành vi của Clark không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần…của Genie mà còn gây dư luận xấu trong xã hội. Điều gây phẫn nộ hơn nữa là Genie bị hành hạ, ngược đãi ngay từ khi còn rất nhỏ, do vậy, chiếu theo điểm a khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự, ông Clark có thể bị phạt tù từ 02 đến 05 năm.
Trong vụ việc này, cảnh sát phải làm rõ trách nhiệm của mẹ bé Genie, bà Dorothy. Nếu sống chung nhà, bà này không thể không biết chồng mình đã hành hạ, ngược đãi con trong suốt một thời gian dài như vậy. Kể cả không sống chung thì trong suốt 13 năm, chẳng lẽ bà này chưa từng nhìn thấy con gái, dù chỉ một lần? Nếu biết rõ Clark có hành vi ngược đãi, hành hạ con nhưng không tố giác thì bà Doroty có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm.
Ánh Dương (thực hiện) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-tay-luat-ta-hinh-phat-nao-cho-ke-hanh-ha-con-de-a560049.html