Hãy xóa bỏ ngay ý nghĩ “thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện”!

Quan niệm sai lầm “thuốc lá điện tử an toàn và ít độc hại hơn, thậm chí hỗ trợ cai nghiện” đã và đang biến ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh.

So sánh loại thuốc lá nào ít độc hại hơn là vô nghĩa

Mới đây, một trường hợp nam sinh 15 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc khi sử dụng thuốc lá điện tử, khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng cho con em mình trước “cám dỗ” của tệ nạn này. Thậm chí, trước đây, từng xuất hiện một quan niệm cho rằng, dùng thuốc lá điện tử sẽ an toàn và ít độc hại hơn thuốc lá “truyền thống”.

bv-xanh-pon-1633689432-4587-1633689449-1634007705.jpg
Vừa qua, đã xảy ra một vụ nam sinh ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo TS.BS Trần Tuấn (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng), không có khái niệm “an toàn” khi nói về thuốc lá, bất kể đó là loại thuốc lá gì, điện tử, nung nóng, xì-gà, thuốc lá cuốn công nghiệp hay thủ công. Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, việc so sánh giữa các loại thuốc lá “cái nào ít độc hơn cái nào” là một việc làm vô nghĩa, bởi tất cả các loại thuốc lá đều chứa chung một chất gây nghiện nicotine khiến người sử dụng chúng đều đến chung một đích đến: Nghiện nicotine, với hậu quả nhiều mặt cả về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Nhắc đến hệ quả của sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, TS.BS Trần Tuấn phân tích: “Hệ quả rất rõ ràng, gồm hai phần: Phần tác hại chung đã được biết như mọi loại sản phẩm có chứa nicotine, và phần riêng, do hai loại thuốc lá này thường chứa thêm nhiều loại hóa chất khác để tạo thói quen mùi, vị, riêng ở người sử dụng.

Những loại hóa chất này vốn đã đa dạng đưa vào ngay trong quá trình sản xuất công nghiệp, để liên tục tạo ra sản phẩm kich thích sử dụng ở giới trẻ, mà còn do chính sự đòi hỏi của người nghiện đưa vào thêm trong quá trình sử dụng, hậu quả tác động của truyền thông nhắm vào giới trẻ khẳng định “cái tôi”, “cái độc”, cái “ngầu”, hay “stylist”, làm giới trẻ quên đi bản chất nghiện, độc hại của sản phẩm tiêu dùng”. 

Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng cũng nhấn mạnh: “Lo ngại tác động xấu của truyền thông ngành công nghiệp thuốc lá xây dựng hình ảnh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gắn với các từ “an toàn”, “mới”, “giúp cai nghiện”, từ năm 2019, tổ chức Y tế Thế giới đã ra chương trình kêu gọi các nước phải truyền thông rõ thông điệp tới dân chúng: “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”.

tran-tuan-1634007802.JPG
TS.BS Trần Tuấn (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng) phân tích những hệ lụy khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Hậu quả sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đa dạng hơn so với các loại thuốc khác, gồm 4 nhóm: Gây nghiện, ảnh hưởng trực tiếp tiến trình hoạt động và cản trở phát triển của não bộ; Yếu tố trực tiếp đẩy mạnh thanh thiếu niên bắt đầu đi vào con đường hút thuốc lá, tăng nguy cơ sử dụng các loại thuốc lá khác và là nguyên nhân trực tiếp làm thất bại mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên và toàn dân nói chung; Gây bệnh cấp và mạn tính, nguy hiểm nhất gồm loạt bệnh trong hội chứng tổn thương hô hấp cấp và các bệnh hệ thống tim mạch, nội tiết, ung thư biểu hiện rất đa dạng là hậu quả của tiếp xúc thường xuyên với các chất độc có trong sản phẩm; Gây chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ (pin).

Xin nêu thêm, bộ Y tế đã có công văn đề nghị bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tại Phụ lục của Luật Đầu tư vì lý do các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Vì thế, hãy xóa bỏ ngay ý nghĩ “thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện” và luôn nhớ thông điệp khẳng định của tổ chức Y tế Thế giới: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.

“Cháu hút vì bạn cháu đứa nào cũng hút...”

Liên quan đến vấn đề thanh thiếu niên hút thuốc lá (hay thuốc lá điện tử) hiện nay, chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang (trung tâm tư vấn tâm lý 247) chia sẻ: “Hiện nay, vấn nạn này đang dần trở thành trào lưu “thời thượng” của giới trẻ, đang tiềm ẩn rất nhiều những hệ luỵ và hiểm hoạ cho sức khoẻ giới trẻ. Điển hình như vụ nam sinh bị ngộ độc do thuốc lá điện tử vừa qua”.

Vị chuyên gia cho biết thêm: “Trong quá trình làm việc, tôi cũng từng tiếp xúc và tham vấn cho một vài trường hợp các em thanh thiếu niên lạm dụng thuốc lá điện tử, chất kích thích và có biểu hiện các vấn đề sức khoẻ tâm thần. Tôi đã hỏi chuyện, lắng nghe những tâm tư, chia sẻ trực tiếp từ các em ấy và sau đó được làm việc trực tiếp cùng những thành viên trong gia đình.

Khi lắng nghe những tâm sự đó, tôi nhận được một vài chia sẻ như sau: “Cháu hút thuốc lá điện tử vì đơn giản cháu thấy thích thú!”, “cháu hút đơn giản vì các bạn đứa nào cũng hút”, “những lúc cháu buồn về chuyện gia đình, học tập, hay chuyện tình cảm - thuốc lá điện tử giúp cháu cảm thấy cân bằng và thoải mái hơn”, “bố cháu cũng là người nghiện thuốc lá nên cháu hút thuốc lá điện tử cũng là điều bình thường”, “cảm giác khi hút thuốc lá điện tử giúp cháu thấy tự tin, tự chủ hơn khi giao tiếp với các bạn”…

2703tldt4-1634007700.jpg
Chính việc mua thuốc lá điện tử dễ dàng ở bất cứ chỗ nào, cũng đang khiến ngày càng nhiều học sinh bị lôi kéo.

Khi tôi làm việc với những thành viên trong gia đình, cụ thể là bố mẹ các em, tôi đặt câu hỏi về giải pháp, và đa phần đều nhận được những câu trả lời như sau: “Bố mẹ rất quyết liệt nghiêm cấm con dùng thuốc lá điện tử, thậm chí có đánh mắng và phạt nặng, hay cấm chơi với những bạn hút thuốc lá điện tử, có những cặp phụ huynh còn thường xuyên kiểm tra phòng, cặp sách của con để tìm và tịch thu thuốc lá điện tử… và rất nhiều những bài giảng về tác hại và hệ luỵ của thuốc lá điện tử nhằm để con từ bỏ và tránh xa, điều đáng suy ngẫm ở đây là bài giảng về tác hại đó lại được chính người cha cũng là người đang nghiện thuốc lá chia sẻ lại với con trai của mình...”.

Rất nhiều những giải pháp đưa ra, nhưng thực tế, chúng ta đang thấy, tình trạng này vẫn ngày càng gia tăng và để lại nhiều hệ quả trong sự phát triển tâm sinh lý và về sức khoẻ tinh thần của các em!”.

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang cũng chỉ ra: “Dưới góc nhìn tâm lý học, tôi cho rằng có hai yếu tố cốt lõi dẫn đến tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học sinh ngày này đó là do bản thân các em và do môi trường.

Trước hết, nguyên nhân đến từ bản thân các em: Theo sự phát triển của tâm lý học giai đoạn 12-18 tuổi, hoóc-môn thay đổi, tâm trạng của các em cũng hay thay đổi (nhạy cảm hơn, dễ nổi giận, dễ nhiệt tình và cũng dễ chán nản...) những thất thường trong cảm xúc này cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến những hành vi hút thuốc lá điện tử hay lam dụng chất kích thích, chất cấm, nhằm cân bằng cảm xúc hay giải toả.

Về sự phát triển đạo đức và xã hội, trong giai đoạn này, bạn bè cùng trang lứa rất quan trọng, các em nhiều khi còn chịu ảnh hưởng của bạn bè hơn cả cha mẹ và thầy cô - chính vì thế, khi thấy các bạn hút thuốc lá điện tử, tâm lý đám đông cũng khiến các em dễ đưa ra quyết định dùng thử giống như các bạn nhằm tạo sự kết nối.

thuoxc-la-bai-4-1634007936.jpg
Giới trẻ chịu nhiều “cám dỗ” trước vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử.

Cảm giác xáo trộn, nhầm lẫn về vai trò vì không biết bản thân sẽ đóng vai trò gì khi thành người lớn. Các em có thể nổi loạn, chống đối, thể hiện các tính, thể hiện bản thân. Nhu cầu thể hiện sự độc lập, tự lập, đôi lúc có phần thách thức, tâm lý tò mò - và lựa chọn hút thuốc lá điện tử nhằm thể hiện những nhu cầu này.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến nguyên nhân do yếu tố môi trường: Có 3 môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và trưởng thành của các em cũng như là ảnh hưởng đến việc các em lạm dụng thuốc lá điện tử đó là gia đình, trường lớp và xã hội.

Khi được làm việc và lắng nghe những học sinh lạm dụng thuốc lá điện tử chất kích thích, tôi thấy điểm chung là các em đều có những áp lực vốn có từ phía gia đình, gia đình bố mẹ không hạnh phúc, thường xuyên mâu thuẫn, bố mẹ kỳ vọng và đặt nhiều áp lực, chán nản khi bố mẹ không thông cảm và hiểu bản thân mình.

Trên trường lớp, các em hút thuốc lá điện tử vì nhóm bạn chơi thân đều hút, hút vì bạn bè rủ, lôi kéo, chứng tỏ mình là người biết “chơi”, tâm lý ban đầu hút vài điếu sẽ không vấn đề gì, hút thuốc lá điện tử giúp các em tự tin hơn trước mặt bạn bè.

Trong môi trường xã hội, các em có những mối quan hệ xã hội bên ngoài như các đội nhóm, các anh chị đi trước… lôi kéo, mời gọi.

Hay việc mua thuốc lá điện tử cũng rất dễ dàng ở bất cứ chỗ nào. Chúng ta cũng dễ thấy ở các quán cà phê, trà đá ven các cổng trường THCS hay THPT, hình ảnh những nam sinh, thậm chí là nữ sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá đầu lọc hay có cả những hình ảnh nữ sinh với ống thuốc lào”.

Bình tĩnh, ôn hòa thay vì cấm đoán, kiểm soát

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang nhận định: “Để giải quyết bất cứ một vấn đề gì, chúng ta cần thật khách quan nhìn nhận, suy xét và phải hiểu rõ nguyên nhân trước khi đưa ra hành động, “điều này được lý giải trong lý thuyết tâm lý học là liệu pháp nhận thức - hành vi”, thay đổi nhận thức phù hợp nhằm tạo ra hành vi phù hợp, và phòng vẫn hơn là chữa.

Trước tiên, cốt lõi đó là tập trung vào nguyên nhân ở bản thân các em vì chính các em giai đoạn này đang “tập làm người lớn”, hút thuốc lá điện tử là hành vi của cá nhân từng em, có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến tâm lý phát triển dẫn đến hành vi này và điều đó đôi khi là đúng dưới góc nhìn bản thân các em, nhận thức chưa đầy đủ của các em để rồi lúc sinh ra những hệ luỵ không mong muốn mới hối hận. Chính vì thế, việc nhận thức và hiểu được những vấn đề bất ổn tâm lý của mình giai đoạn này là điều rất quan trọng, giúp các em tự phòng và tránh được những hành vi nguy cơ.

Sau đó, là tập trung vào nguyên nhân liên quan đến môi trường, gia đình, trực tiếp là cha mẹ cũng cần hiểu được diễn biến tâm lý của con giai đoạn này, cha mẹ cần thấu hiểu con, chia sẻ để con có được sự độc lập, nhận thức và cái nhìn đúng đắn về những hành vi dễ gây nguy hại không chỉ là mỗi lạm dụng thuốc lá điện tử, nghĩ lại những trải nghiệm của bạn khi ở tuổi đó: liệu bạn có gặp khó khăn tương tự với người lớn?

image-1634007700.jpg
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang, cha mẹ giữ thái độ như một người bạn sẽ giúp các con giải quyết được vấn đề này thay vì lo lắng, tức giận, đi kèm sự cấm đoán, kiểm soát.

Giữ sự kết nối gắn bó theo triết lý “Chia sẻ - Lắng nghe - Tôn trọng - Thấu hiểu” là điều giúp các em chưa lạm dụng thuốc lá điện tử sẽ biết cân nhắc để tránh; còn đối với những em đã lỡ lạm dụng thì chính thái độ bình tĩnh, ôn hoà, chia sẻ, giúp đỡ như một người bạn đang phạm sai lầm từ cha mẹ là điều sẽ giúp các em chắc chắn giải quyết được vấn đề này thay vì là thái độ lo lắng, tức giận, đi kèm sự cấm đoán, kiểm soát.

Phía trường lớp và xã hội, cần có trách nhiệm định hướng, hưỡng dẫn các em những kiến thức tâm lý để các em hiểu rõ về bản thân mình, tạo ra những sân chơi, những hoạt động lành mạnh nhằm tăng cường sự phát triển thể chất và tinh thần (như các cuộc thi, các chương trình, các CLB, các tổ chức...).

Đặc biệt, đối với xã hội thì cần có những chế tài, quy định phòng chống những chất kích thích, gây nghiện để có thể giảm thiểu tình trạng tiềm ẩn nhiều hệ luỵ này”.

“Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt lo ngại là tăng nhanh ở trẻ em, thanh thiếu niên, và phụ nữ. Tại Việt Nam, theo thống kê của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (bộ Y tế), năm 2019, tỉ lệ hút các sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng là 2,6% ở thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 17 trên cả nước, và với  riêng học sinh thành thị tỉ lệ lên tới 3,4%, tức gấp hơn 3 lần, hay hơn 300%.

Càng nhiều thanh thiếu niên “bập vào” thuốc lá, càng dày thêm lên con số người nghiện tích lũy theo năm tháng, gánh nặng bệnh không lây nhiễm do thuốc lá gây ra càng trở nên khủng khiếp hơn trong tương lai. Viễn cảnh tụt hậu chất lượng nhân lực trong cuộc đua toàn cầu là rõ ràng, và nghèo đói còn “đeo bám”, khi thất bại trong việc ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng và thuốc lá các loại nói chung”, TS.BS Trần Tuấn thông tin thêm.

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hay-xoa-bo-ngay-y-nghi-thuoc-la-dien-tu-giup-ho-tro-cai-nghien-a560108.html