Được tiếp thêm sức mạnh từ chính bệnh nhân
Xung phong chống dịch từ đầu tháng 7, bác sĩ trẻ Phan Việt Ngân Hà (SN 1994, bệnh viện đa khoa Bưu điện) đã có những ngày đêm “kề vai sát cánh” cùng đồng nghiệp áo trắng tại bệnh viện dã chiến số 3, đặt tại khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh (TP.Thủ Đức).
Giống như hàng trăm nhân viên y tế khác khi trở thành người “khai hoang” ở bệnh viện dã chiến, bác sĩ Ngân Hà cũng từng có cảm giác “choáng ngợp” trước những “khó khăn trăm bề”.
“Trước đó, tôi chưa từng có kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân Covid-19, mới chỉ từng tham gia tiêm vắc-xin, nên khi nhận nhiệm vụ, đã không khỏi bỡ ngỡ. Việc tiếp xúc với F0 cũng khác nhiều so với các bệnh nhân khác, từ trang bị đến kỹ năng đều trở thành trải nghiệm mới. Mà điều kiện lúc ấy còn thiếu thốn nhiều thứ, nhân viên y tế phải tự tay dọn dẹp vệ sinh và chăm sóc người bệnh...
Khi chứng kiến bệnh nhân trở nặng, rồi có người không vượt qua được ranh giới sinh tử, tôi từng bị ám ảnh đến mức đêm về trằn trọc, mất ngủ khôn nguôi. Chúng tôi dã nỗ lực hết sức, tinh thuần luôn sẵn sàng “trực chiến”, vậy mà có khi vẫn để vuột mất bệnh nhân. Tôi cảm thấy sự sống mong manh và thương những người bệnh đang phải níu giữ từng hơi thở quá!
Chính vào những ngày đầu tiên ấy, đã có lúc tôi cảm thấy thực sự cường độ làm việc rất “căng” và áp lực, thậm chí, từng có những khoảnh khắc “muốn đi về nhà” cám dỗ. Rất may, tôi đã nhanh chóng “vào guồng” và dần quen với điều đó”, nữ bác sĩ mở đầu cuộc trò chuyện.
Chỉ sau vài ngày, bác sĩ Ngân Hà đã bắt đầu tìm thấy niềm vui thực sự, khi dần lưu lại những kỷ niệm cùng người bệnh mà mình chăm sóc.
Chuyện mà nữ bác sĩ cảm thấy ấn tượng nhất, chính là về một bệnh nhi: “Có một F0 chỉ mới 15 tuổi, nhưng chỉ có một mình trong bệnh viện. Em ấy lại không thể nói chuyện được, nên tôi đã chủ động kết bạn Zalo để tiện hỏi han, chăm sóc. Đồng thời, tôi cũng nhờ các bệnh nhân khác nằm cùng phòng để ý, quan tâm đến em ấy nhiều hơn, và dặn “Nếu em cần giúp đỡ gì thì có thể nhắn tin cho chị nhé!”.
Dù gặp khó khăn trong giao tiếp nhưng cô bé ấy rất lạc quan và tự chăm sóc bản thân mình rất tốt. Em ấy nhanh chóng được xuất viện, nhưng tôi vẫn thường xuyên hỏi thăm sức khỏe cô bé và dõi theo những khoảnh khắc em cập nhật trên mạng xã hội, để an tâm hơn phần nào.
Khi còn ở viện, ngày nào em cũng dành rất nhiều thời gian vẽ tranh. Cô bé tận dụng những miếng bìa các-tông rồi sáng tạo nên những bức tranh đầy năng lượng, gửi tặng các y bác sĩ chống dịch. Đó là món quà của bệnh nhân đầu tiên tại bệnh viện dã chiến đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho tôi”.
“Sau đó, tôi càng giúp được nhiều F0 khỏe lại, càng cảm thấy đầy năng lượng. Càng vui hơn, khi có những bệnh nhân sau khi được xuất viện đã quay lại hỗ trợ y bác sĩ hoặc tiếp tục chăm sóc F0 tại nơi sinh sống. Những câu chuyện góp phần vào công tác chống dịch ấy như tiếp thêm động lực cho nhân viên y tế như chúng tôi”, nữ bác sĩ trẻ mỉm cười.
Lời nhắn từ “tâm dịch”
Từ mảnh đất Quảng Bình lặn lội vào “thành phố mang tên Bác” làm việc, rồi lại xung phong vào bệnh viện dã chiến, gần một năm nay, bác sĩ Phan Việt Ngân Hà chưa được về nhà thăm gia đình.
“Ở trong đây, các y bác sĩ từ bệnh viện khác nhau đều xem nhau như gia đình thứ hai. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chúng tôi cùng đi dạo, hoặc cùng ngồi ăn uống nhẹ, và tâm sự, chia sẻ với nhau những khó khăn, bỡ ngỡ của bản thân. Mỗi khi đến dịp gì, lãnh đạo bệnh viện cũng rất quan tâm, như hôm Trung thu, chúng tôi còn được tặng quà, rồi cùng rủ nhau đi “rước đèn” ở khuôn viên như các bé thiếu nhi…
Những điều ấm áp ấy khiến chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sau này, chắc chắn những khoảnh khắc rất đỗi đời thường ấy sẽ khiến tôi ấn tượng và nhớ nhiều nhất”, ánh mắt của nữ bác sĩ 27 tuổi như không giấu nổi niềm vui.
“Tuy nhiên, vẫn có những phút, tôi bất chợt “thèm cơm mẹ nấu”. Nhất là những ngày đầu, khi tan ca muộn, cầm suất cơm lên lại có cảm giác không muốn nuốt… sau này, mặc dù đã thích nghi nhưng dù sao với tôi, cơm nhà vẫn là ngon nhất”, bác sĩ Hà không ngần ngại giãi bày.
Mỗi khi nhìn thấy các bệnh nhân lớn tuổi, không có gia đình chăm sóc, trong lòng nữ bác sĩ lại như có một “cơn sóng” đầy cảm xúc: “Thấy những cụ già nằm trong đây, không có người thân bên cạnh, tôi xót xa, thương nhiều lắm! Rồi lại nghĩ đến gia đình mình, chỉ thầm mong sao cho ba mẹ ở nhà khỏe mạnh. Lúc mới biết tôi tham gia chống dịch, lại đọc tin tức về Sài Gòn, ba mẹ cũng lo lắng, sốt ruột lắm. Ngày nào ba mẹ cũng gọi điện hỏi thăm và dặn dò tôi đủ thứ, nên tôi phải tư vấn tâm lý nhiều lắm, để họ an tâm”, chị tâm sự.
“Xa nhà khá lâu rồi, nên tôi chỉ mong chúng ta sớm đuổi được Covid-19, ai cũng được về nhà và quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Khi ấy, tôi sẽ về nhà thăm ba mẹ đầu tiên. Tôi sẽ dành thời gian để được ba mẹ nuông chiều, đến bữa là đã sẵn cơm mẹ nấu. Trước nay, vẫn luôn như vậy. Từ hồi tôi còn đi học, chỉ cần trở về nhà, là ba mẹ luôn dành một tình yêu thương như thế.
Nhắc đến ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi chỉ muốn nói: “Con cảm ơn mẹ! Mong mẹ có thật nhiều sức khỏe!”. Đó là điều mà tôi rất mong được trực tiếp nói với mẹ, tuy giờ này, tôi chưa thể làm được điều đó, nhưng biết đâu, đó sẽ là lời mà sau này tôi sẽ ôm mẹ và thủ thỉ…”, đó là lời nhắn mà có lẽ không phải của riêng bác sĩ Ngân Hà, mà là nỗi niềm chung của tất cả lực lượng tuyến đầu muốn gửi đi từ “tâm dịch”.
(Ảnh: NVCC).
Tuệ Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cam-on-me-a560198.html