Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Ép người ngoại tình khỏa thân diễu phố có thể phạm nhiều tội

Dân làng ở quận Dumka, Jharkhand, Ấn Độ đã ép một cặp đôi ngoại tình phải khỏa thân, diễu phố. Hình ảnh của vụ làm nhục này đã gây náo loạn mạng xã hội.

Theo pháp luật Việt Nam, những hành vi phản cảm này sẽ bị xem xét xử lý như thế nào?

Án Nước ngoài: Ép cặp đôi ngoại tình khỏa thân diễu phố

Dân làng ở quận Dumka, Jharkhand, Ấn Độ đã ép một cặp nam nữ ngoại tình khỏa thân diễu phố. Cảnh làm nhục đã được ghi lại bằng điện thoại và phát tán trên mạng xã hội. Cảnh sát hiện đã bắt giữ ít nhất 50-60 người liên quan đến vụ việc.

Theo cảnh sát, 2 nạn nhân của vụ việc đều là những lao động tự do và đến từ một làng. Được biết, người phụ nữ đã kết hôn nhưng chồng chị hiện đang thụ án tù cách đây gần 1 năm. Chị làm lao động tự do nhưng không đủ để trang trải cuộc sống nên đã đến quận Dumka để tìm công việc phù hợp với mình.

Góc nhìn luật gia - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Ép người ngoại tình khỏa thân diễu phố có thể phạm nhiều tội

Khi người đàn ông đến làng tìm chị, dân làng đã túa ra bắt quả tang cặp đôi rồi lột trần, ép họ diễu phố để làm nhục. (Ảnh minh họa)


Tại đây, chị đã gặp gỡ và tư tình với một người đàn ông khác. Khi người đàn ông này đến làng tìm chị, dân làng đã túa ra bắt quả tang cặp đôi rồi lột trần, ép họ diễu phố để làm nhục. Cặp đôi bị diễu phố hơn 1km. Khi cảnh sát được thông báo về vụ việc, họ đã ngay lập tức vào cuộc và bắt giữ những đối tượng liên quan đến vụ việc.

Chuyện ép các cặp đôi ngoại tình khỏa thân diễu phố không còn xa lạ ở Ấn Độ. Đây là hành động làm nhục người khác đáng bị lên án. Trước đó, cảnh sát quận Dahod, thuộc bang Gujarat, Ấn Độ đã bắt giữ một người đàn ông vì tội lột đồ, ép vợ khỏa thân diễu phố. Lý do là trước đó, người vợ của anh này đã bỏ trốn cùng với người đàn ông khác. Cảnh sát cho biết, ít nhất 18 người khác cũng bị bắt vì hành vi tiếp tay cho người chồng.

Góc nhìn luật gia - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Ép người ngoại tình khỏa thân diễu phố có thể phạm nhiều tội (Hình 2).

Cảnh sát hiện đã bắt giữ ít nhất 50-60 người liên quan đến vụ việc. (Ảnh Indiatoday)

Theo nguồn tin từ hãng thông tấn PTI, vụ việc xảy ra ở làng Dhanpur taluka ở quận Dahod vào ngày 6/7. Nhiều người dân đã sử dụng điện thoại ghi lại vụ việc và đăng tải video trên mạng xã hội.

Trong đoạn video được lan truyền, có thể thấy chồng của người phụ nữ cùng nhiều người dân khác, hầu hết là họ hàng của anh ta đã liên tục đánh tập, lột quần áo của vợ mình giữa nơi đông người. Họ cho biết thêm, để chuộc tội, nạn nhân buộc phải cõng chồng đi về nhà.

Luật Việt Nam: Hình phạt cho những người tự cho mình là “quan toà”

Làm nhục người khác là một trong 34 tội danh được quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người ở vị trí thứ hai sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia bởi vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các chế định này.

Theo đó, người thực hiện hành vi làm nhục người khác sẽ bị xử lý về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, khung hình cao nhất là phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Trong vụ việc này, tuy hành vi ngoại tình của cặp nam nữ trên là không đúng nhưng những người khác cũng không có quyền buộc họ khỏa thân diễu phố rồi quay clip tung lên mạng xã hội được. Đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Do đó, các nạn nhân có quyền đề nghị cảnh sát vào cuộc điều tra và xử lý những người đã có hành vi làm nhục mình.

Nếu hành vi trên không đủ yếu tố cấu thành tội Làm nhục người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự thì những người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ngoài ra, việc tung hình ảnh cá nhân lên mạng gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì người thực hiện hành vi còn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do bị hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm gây ra. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, cảnh sát có thể xử lý hành vi của người phát tán clip đó theo Điều 326 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp hành vi phát tán hình ảnh trên mạng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Mức xử phạt cho hành vi này là phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng và bị tịch thu tang vậy, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính, buộc xóa bỏ các thông tin số đối với hành vi vi phạm.

Trong trường hợp, nếu người nào bắt các nạn nhân phải chuộc tội bằng tiền, tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Về hành vi ngoại tình, pháp luật Việt Nam cũng có chế tài xử lý cụ thể. Tùy theo mức độ vi phạm, người vợ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp hợp tác xã, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.....

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự, người vợ có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm theo khoản 1; hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo khoản 2.

Lưu ý là hành vi ngoại tình của người vợ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi đó khiến cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; hoặc người vợ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu việc ngoại tình làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì người vợ sẽ bị truy cứu theo khoản 2 Điều 182.

Ánh Dương (thực hiện) - Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-ep-nguoi-ngoai-tinh-khoa-than-dieu-pho-co-the-pham-nhieu-toi-a560321.html