Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Google chiều 18/10, nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng kinh tế số Việt Nam hiện nay khả năng phát triển trong tương lai.
Xu hướng phát triển tất yếu
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, xu hướng “số hóa” hay “chuyển đổi số” ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
“Với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế số, chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế, xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến vấn đề này.
Khái quát nền kinh tế số Việt Nam, ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao, Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số.
Cụ thể, nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.
Những điểm sáng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 được ông Jacques Morisset phân tích có thể kể đến như: 60% các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến đã làm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam.
Nông nghiệp và kinh tế số tại Việt Nam
Tại hội thảo này, ông Fraser Thompson – Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Alpha Beta đã chỉ ra những tiềm năng kinh tế số của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam có lợi thế trong khai thác những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số có thể mang đến khi có nguồn dân số trẻ, được đào tạo và có hiểu biết về công nghệ, trong đó 70% công dân dưới 35 tuổi. Yếu tố thứ hai là Việt Nam có nền kinh tế Internet phát triển nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa được dự báo sẽ tăng ở mức 29% hằng năm cho đến năm 2025.
Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu Alpha Beta chỉ ra 43 ứng dụng công nghệ kỹ thuật số được xác định trong 10 lĩnh vực để giúp nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế do quá trình chuyển đổi số mang đến tại Việt Nam.
Đi đầu trong nhóm lĩnh vực này là nông nghiệp và thực phẩm, khi chiếm 17% cơ hội phát triển; tiếp đến là giáo dục và đào tạo; tiêu dùng bán lẻ, khách sạn nhà hàng và du lịch; sản xuất; chăm sóc sức khoẻ; dịch vụ tài chính; Chính phủ; cơ sở hạ tầng; dịch vụ vận tải; tài nguyên.
“Ước tính cho thấy, đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ đô la Mỹ), đóng góp 27% trong tổng GDP”, ông Fraser Thompson nói và chỉ ra 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam.
Cụ thể, là Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot tiên tiến và chế tạo đắp lớp (Additive Manufacturing).
Các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí năng suất cho doanh nghiệp. Các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Bà Tenzin Dolma Norbhu – Giám đốc quan hệ Chính phủ và Chính sách công Đông Nam Á, Google châu Á – Thái Bình Dương cũng đánh giá, lợi thế của Việt Nam là không phải sử dụng các hệ thống lịch sử để lại mà có thể bắt đầu luôn và áp dụng luôn các công nghệ mới.
“Tôi nói đến các quốc gia mà không có nhiều điện thoại cố định, khi điện thoại di động chạy thẳng sang 4G và 5G, điều này sẽ không có vấn đề gì quá lớn và chúng ta có thể ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo AI rất dễ dàng”, bà Tenzin nói.
Theo đại diện của Google, điểm tiếp theo là công nghệ số còn có thể giúp cho Việt Nam tăng sức cạnh tranh quốc gia cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bà cũng đồng tình việc tiếp thu công nghệ có thể tạo ra những giá trị tỷ đô cho các quốc gia và nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
“Chúng ta có thể là người chiến thắng trong nền kinh tế số và cuộc đua về phát triển kinh tế số này. Những phân tích số liệu qua các báo cáo có thể giúp cho Chính phủ Việt Nam đưa ra hành động nhanh, cũng như giúp cho các doanh nghiệp tư nhân có thể nắm bắt được cơ hội khi nền kinh tế số đang mở ra cho Việt Nam”, bà Tenzin nhấn mạnh.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-nghe-so-se-dem-lai-74-ty-usd-cho-viet-nam-vao-nam-2030-a560351.html