Phụ nữ ngày nay cũng có biết chăm sóc bản thân và tận hưởng cuộc sống hơn trước đây. Nhưng những áp lực khác vẫn đè nặng lên vai người phụ nữ hiện đại, đặc biệt là đối với những nữ nhân viên ngân hàng, khi thời gian dành cho công việc ngày càng nhiều hơn thời gian dành cho gia đình và bản thân.
Áp lực về công việc:
Cách đây hơn 10 năm, có lẽ ngân hàng là một trong những ngành “hot” nhất và thu hút nhiều lao động nữ lựa chọn nhất khi có nguồn thu nhập khá cao và môi trường làm việc hiện đại, cũng như áp lực công việc ít hơn các ngành nghề khác. Nhưng khi môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng cùng với áp lực của chỉ tiêu, tăng trưởng, nhân viên ngân hàng không còn “chỉ ngồi mát ăn bát vàng” như mọi người vẫn thường nghĩ. Với các giao dịch viên, sau thời gian giao dịch với khách hàng, họ phải ở lại làm nốt thủ tục, hồ sơ, cân tiền, đóng quỹ. 16h30 đóng cửa tiếp khách nhưng có khi nhân viên được về sớm nhất cũng đã là 18h. Với những nhân viên làm công tác tín dụng, tuy thời gian trong giờ được linh hoạt nhưng không hôm nào có thể về trước 19h, nhiều đợt cuối tháng, cuối quý, 10 giờ đêm mới ra khỏi cơ quan là việc “thường ngày ở huyện”. Không nói đến chuyện thăng tiến, chỉ tính riêng chuyện làm tốt công việc hàng ngày cũng đã đủ mệt mỏi đối với các cán bộ nữ. Rồi thứ bảy, chủ nhật là những chương trình đào tạo, thi nghiệp vụ, chương trình phối hợp bán hàng, sales… Liệu còn bao nhiêu thời gian là dành cho bản thân, cho bạn bè và gia đình?
Bên cạnh đó, môi trường làm việc đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu khí trời, hạn chế vận động…. dễ tạo ra “hội chứng văn phòng”. Nữ nhân viên ngân hàng hay gặp các vấn đề liên quan đến mắt, đau lưng, cột sống…
“Những đôi giày cao gót chắc còn làm đau em?
Và tiền bao nhiêu cho đủ, ai biết ngày sau em
Mắt em còn mỏi không? Tám tiếng nhìn màn hình
Những tối đi về đơn độc, em thấy lòng mình lặng thinh”
Phải chăng là những câu hát kể về “gái ngân hàng”?
Áp lực từ cuộc sống gia đình:
Với những người phụ nữ đã có gia đình, ngoài giờ làm việc, họ còn có gia đình phải chăm sóc: vừa phải đảm đang công việc nội trợ, cơm nước bếp núc cho cả gia đình, vừa phải chăm lo việc học tập con cái, vừa phải đối nhân xử thế 2 bên nội ngoại, là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, giữ gìn nề nếp gia phong…. Một núi các công việc không tên luôn luôn chờ người phụ nữ thực hiện.
Thu nhập tuy cao và không phải lo toan quá nhiều về kinh tế, vật chất nhưng người phụ nữ lại đối mặt với nhiều lo âu khác khi không có thời gian để nuôi dạy con – bên con trong những lúc thay đổi tâm sinh lý, quan tâm để con không vướng mắc vào các tệ nạn đang có xu thế tăng lên trong thời buổi kinh tế thị trường, lo học tập, lo giữ gìn hạnh phúc gia đình,.v.v...).
Đối với những người phụ nữ chưa có gia đình, thời gian dồn hết cho công việc, những hoạt động của cơ quan khiến cho họ thậm chí không còn thời gian để quan tâm đến bản thân hay thời gian để hẹn hò. Họ cũng phải đối mặt với áp lực của gia đình, họ hàng về việc lập gia đình, kết hôn trong khi công việc cùng với “tấm gương của những người đi trước” đã khiến cho nhiều người ngại yêu, ngại những mối quan hệ ràng buộc, ngại những áp lực giữa công việc và gia đình.
Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình cho nữ nhân viên ngân hàng? Làm thế nào để những cán bộ nữ ngân hàng tìm được hạnh phúc cho bản thân, giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe là những câu hỏi luôn được đặt ra đối với Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội.
Nhận thức được những áp lực của cán bộ, nhân viên nữ trong công việc, Ban Chấp hành Công đoàn Chi nhánh cùng Ban lãnh đạo Chi nhánh đã từng bước thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, nhân viên nữ Chi nhánh. Từ phong trào đi bộ 5.000 bước mỗi ngày để cán bộ tự có ý thức vận động, giảm tác động của “hội chứng văn phòng” đến việc bật 20 phút nhạc sôi động giữa giờ mỗi buổi trong ngày để cán bộ tập các động tác thể dục cơ bản, đến việc bố trí các phòng tập gym, nơi cán bộ có thể dành chút thời gian của mình để luyện tập, tăng cường sức khỏe.
Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám đốc cũng đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình hoạt động tập thể để vừa tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các cán bộ, vừa nâng cao sức khỏe cho các bộ thông qua các hoạt động thể thao, thoát ly khỏi các công việc và cuộc sống thường nhật. Các chương trình và giải thể thao có thể kể đến “Giải chạy Vietcombank Hanoi’s Running”, bơi, bóng chuyền bãi biển… Các chương trình được tổ chức định kỳ hàng năm và trở thành hoạt động được mong chờ của các cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ.
Ban Chấp hành Công đoàn Chi nhánh cũng xây dựng nhiều phong trào để cán bộ thêm yêu mến công sở, nơi làm việc với những chương trình thi ảnh “Nụ cười Vietcombank”, “Vietcombank Hanoi’s Green Conner”, “Tuần lễ áo dài”… Các cán bộ nữ cũng được trang bị đồ mỹ phẩm để làm đẹp cho bản thân, được tặng các voucher làm đẹp, mua sắm trong các dịp 8/3 hoặc 20/10.
Trong công việc, Chi nhánh cũng luôn cố gắng bố trí việc học tập, thi nghiệp vụ trong giờ, trong ngày làm việc, hạn chế đi làm vào các ngày cuối tuần trừ khi có công việc thực sự quan trọng. Các Tổ trưởng Tổ công đoàn, đồng thời là các lãnh đạo phòng luôn quan tâm, động viên đến cán bộ nữ để chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, chia sẻ kinh nghiệm dậy con… và động viên, tư vấn khi có những áp lực từ công việc hay gia đình mà không giải quyết được. Vietcombank Hà Nội cũng là nơi gắn kết, giao lưu và kết nối được nhiều các bạn trẻ “về chung một nhà”. Đã có nhiều cặp đôi bén duyên khi làm việc chung và cũng có nhiều cặp đôi khách hàng-cán bộ ngân hàng.
Có thể nói, mặc dù trong công việc vẫn còn nhiều áp lực đối với cán bộ nữ ngân hàng nhưng với sự hỗ trợ từ Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn Chi nhánh, các cán bộ nữ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội đã tìm lại được sự cân bằng hơn giữa công việc và gia đình, sự nghiệp và bản thân. Và chính sự cân bằng, niềm hạnh phúc của cán bộ nữ cũng góp phần tạo động lực cho Ngân hàng ngày càng phát triển và thịnh vượng.
Phòng HCNS - VCBHN
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/giai-quyet-can-bang-giua-cong-viec-va-gia-dinh-cho-nu-nhan-vien-ngan-hang-a560415.html