Hành trình từ bản khó đến nghị trường Quốc hội
Từ một cô gái nông thôn trở thành nữ ĐBQH, đối với chị Quàng Thị Nguyệt (SN 1997), chính là một hành trình vượt nhiều thử thách với một trái tim luôn kiên định theo đuổi mục tiêu và hướng về người yếu thế.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 anh chị em ở bản Búng Giắt 1 (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, Điện Biên), chị Nguyệt cũng như phần nhiều dân bản, đã trải qua một tuổi thơ đầy gian khó. Thấu hiểu được nỗi vất vả, lam lũ, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của bố mẹ, nên ngay từ nhỏ, cô gái dân tộc Khơ Mú đã học tập chăm chỉ để nuôi những ước mơ tươi sáng.
Không giống với các chị em trong bản, cô gái trẻ quyết tâm theo đuổi giấc mơ học đại học, dù lúc mới tốt nghiệp cấp 3, cô đã được người thân khuyên sớm lấy chồng để “yên bề gia thất”. Những tháng ngày rèn giũa nơi giảng đường đại học, cũng mở ra cho cô sinh viên từ Điện Biên những cơ hội đi và trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, trở thành những động lực mới khiến cô sinh viên khi ấy ấp ủ thêm “ước mơ lớn”. Đó là giúp người!
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội (học viện Phụ nữ Việt Nam), “bông hoa” của bản Búng Giắt 1 trở về quê hương Mường Chà, làm hồ sơ thi công chức nhưng chưa có kết quả. Cô gái trẻ trở thành hội viên hội Phụ nữ bản Búng Giắt và tích cực tham gia các hoạt động, thường xuyên theo đoàn công tác hội đến tuyên truyền vận động các hội viên thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm 2020, cô gái trẻ Quàng Thị Nguyệt lập gia đình và bắt đầu một cuộc sống riêng với ruộng vườn. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Điện Biên, phát huy vai trò tổ tự quản ở các thôn bản, chị cũng tham gia cùng tuyên truyền dân bản phòng, chống dịch và tự khai báo y tế, thực hiện quy tắc 5K...
Rồi từ đó, cơ duyên để cô gái 24 tuổi trở thành nữ ĐBQH cũng bắt đầu. Nhắc đến giai đoạn đó, chị cho biết, hồi đầu cũng khá ngại vì còn đang vướng bận con nhỏ, song, được hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên của xã tin tưởng giới thiệu ứng cử, cuối cùng, chị cũng vượt qua những sợ sệt, lo lắng để làm hồ sơ và đi tiếp xúc cử tri thật nghiêm túc.
Vì đang có con nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi, nên mỗi khi tham gia tiếp xúc cử tri, chị đều phải nhờ mẹ đi theo để trông con. Dân bản Búng Giắt vốn không lạ lẫm với hình ảnh của người phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết, vừa thân thiện, có sức trẻ lại có học thức, nên trong các buổi tiếp xúc cử tri, ai cũng tranh thủ lo xong việc đồng áng để đến chia sẻ và gửi gắm rất nhiều tâm tư.
Khi cái tên Quàng Thị Nguyệt vang lên giữa hội trường với kết quả phiếu đạt tỉ lệ 77,26% số phiếu hợp lệ (xếp thứ 3 trong danh sách đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Điện Biên), rất nhiều người đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Những ánh mắt gửi gắm niềm tin của bà con dân bản đều kỳ vọng, với sức trẻ của mình, nữ ĐBQH Quàng Thị Nguyệt sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trò chuyện với PV, ánh mắt kiên định như hiện rõ trên gương mặt ĐBQH Quàng Thị Nguyệt: “Tôi cho rằng, phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là nhân tố quan trọng, có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới, phát triển bền vững. Trên thực tế, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ngày càng được khẳng định, minh chứng qua tỉ lệ ĐBQH là nữ vẫn tăng dần qua các nhiệm kỳ.
Là ĐBQH nữ trẻ nhất cả nước, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh nghiệm, kiến thức còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi cũng gặp những may mắn lớn, được người dân tin tưởng, yêu quý và động viên rất nhiều. Vì lẽ đó, tôi có động lực nhiều hơn để cố gắng học tập, phấn đấu và cống hiến”.
“Từ lúc ứng cử và trúng cử đến nay, mặc dù thời gian ngắn nhưng tôi cũng học được rất nhiều, tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết cho bản thân. Quý nhất là tôi có thể mở rộng mối quan hệ, có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều vị trí quan ng từ Trung ương đến địa phương, nhờ đó, tôi có thể học hỏi thêm được rất nhiều.
Tôi cũng hy vọng, câu chuyện của bản thân mình sẽ lan tỏa được một cảm hứng tích cực, cho chị em phụ nữ dam nghĩ, dám làm, quyết tâm theo đuổi một điều gì, thì cánh cửa cũng sẽ mở ra...”, nữ đại biểu nhắn nhủ.
Quyết tâm xóa bỏ bất bình đẳng giới
ĐBQH Quàng Thị Nguyệt cho hay, việc trúng cử ĐBQH khóa XV, không chỉ là niềm vinh dự tự hào của bản thân mà còn là niềm vui chung cả gia đình và thôn bản.
Đồng thời, đây cũng chính là điểm xuất phát cho chặng đường nữ ĐBQH thực hiện “lời hứa” của mình khi nói về chương trình hành động trong các buổi tiếp xúc cử tri.
Về điều này, nữ ĐBQH đã có những chia sẻ đầy tâm huyết: “Việc xóa bỏ bất bình đẳng giới là một vấn đề cấp thiết và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù bất bình đẳng giới đã giảm những vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà chịu ảnh hưởng lớn nhất là người phụ nữ bị hạn chế, không được tham gia các hoạt động xã hội, hạn chế quyền trong tham gia chính trị xã hội, không phát huy được hết vai trò của mình. Vì vậy, việc xóa bỏ bất bình đẳng giới rất quan trọng và đặt lên hàng đầu”.
“Không nói đâu xa, ngay như ở nơi tôi sinh sống, Mường Mươn là xã miền núi khó khăn, là nơi cư trú của 4 dân tộc (Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh). Và trong cộng đồng hiện vẫn tồn tại nhiều định kiến, nhất là định kiến trọng nam khinh nữ.
Bản thân tôi từ nhỏ cũng từng mang những mặc cảm tự ti. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, từng bước loại bỏ được những định kiến “trọng nam khinh nữ”, và một tín hiệu đáng mừng là các vụ bạo hành gia đình có xu hướng giảm theo từng năm.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, như phong tục tập quán và trình độ nhận thức nên vấn đề “trọng nam khinh nữ”, bạo lực gia đình vẫn diễn ra và còn “ăn sâu” vào tiềm thức của một bộ phận nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề mà nhiều cử tri rất quan tâm, nhất là những cử tri thuộc thành phần yếu thế trong xã hội. Và đó cũng chính là vấn đề mà tôi vẫn đang trăn trở từng ngày”, vị đại biểu bày tỏ.
Trở thành ĐBQH, người phụ nữ trẻ càng có thêm động lực để thực hiện khát vọng xóa bỏ bất bình đẳng giới của bản thân. “Trước hết, tôi sẽ cùng các ĐBQH kiến nghị những giải pháp mang tính chiến lược, đề xuất với Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới việc thực hiện bình đẳng giới cả phương diện pháp luật và thực tiễn. Qua đó, góp phần giúp người dân bản Búng Giắt (xã Mường Mươn), cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên, hay vươn xa hơn là tạo “làn sóng” lan tỏa đến bộ phận này trên cả nước, để có cuộc sống tươi đẹp, ấm no hơn...”.
“Nhân dịp 20/10 - ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, tôi mong muốn những người phụ nữ của “dải đất hình chữ S” này hãy luôn là chính mình, không ngừng học tập và phát triển bản thân mình”, nữ đại biểu gửi gắm.
(Ảnh: NVCC).
Tuệ Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khat-vong-xoa-bat-binh-dang-gioi-cua-nu-dbqh-tre-nhat-khoa-xv-a560416.html