Cần có chiến lược vắc-xin chủ động
Sáng 21/10, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi về công tác phòng, chống dịch tại buổi thảo luận tổ, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ví đại dịch Covid đến với Hà Nội "như một cơn lốc, nhanh, mạnh, khủng khiếp". Ảnh hưởng của dịch sâu sắc đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, gây tổn thất to lớn mà việc khắc phục không thể một sớm một chiều.
“Trong đại dịch cũng bộc lộ một số khó khăn, điểm yếu của y tế Thủ đô. Nhưng cũng qua đây chúng ta thấy nhiều giá trị cốt lõi, nhân văn của con người đó là sự đùm bọc, che chở lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Trong đại dịch có tấm gương hy sinh lớn của lực lượng tuyến đầu, người dân”, đại biểu Hà cho biết.
Về bức tranh toàn cảnh công tác phòng, chống dịch, Đại biểu Nhị Hà cho biết, đây là dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ, trong quá trình triển khai thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời, phải hết sức thận trọng vì nếu sai lầm có thể trả giá bằng sức khỏe tính mạng người dân nên phải tính toán tỉ mỉ, cẩn trọng, biết lắng nghe khoa học kết hợp yếu tố chuyên môn…
“Với bức tranh công tác phòng dịch của Thủ đô, chưa thể nói là thành công nhưng Hà Nội đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, việc công bố ca mắc theo đúng quy định pháp luật, Hà Nội không giấu dịch, phải làm khoa học, nghiêm túc", đại biểu Nhị Hà nói.
Đại biểu Nhị Hà cũng đánh giá chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng là điểm nhấn của Hà Nội trong công tác phòng dịch.
“Trong 5 ngày Bộ Y tế cấp cho Hà Nội 3,2 triệu liều vắc-xin, đây là áp lực vô cùng lớn. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, ngành y tế đã vượt qua khó khăn. Chiến dịch tiêm chủng có nhiều ấn tượng, đặc biệt là tạo sự tin tưởng, đồng thuận tham gia của người dân”, bà Nhị Hà cho hay.
Theo ĐBQH, hiện nay, thực hiện chủ trương sống thích ứng an toàn, từng bước mở cửa nên kinh tế, người dân ở các tỉnh đã về Hà Nội rất nhiều. Qua tầm soát xét nghiệm, đã phát hiện F0. Đây là áp lực rất lớn với ngành y tế Thủ đô, nhưng chúng ta chấp nhận mở cửa và sống chung an toàn với Covid-19.
“Để làm được điều này, cần có chiến lược vắc-xin một cách chủ động cho năm 2022, đặc biệt là vấn đề vắc-xin cho trẻ em, để chuẩn bị kịch bản khi có một lượng học sinh, sinh viên tới trường trong thời gian tới”, vị đại biểu này đưa ra kiến nghị.
Hà Nội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Về vấn đề phụ huynh, học sinh Thủ đô rất quan tâm đó là khi nào có thể quay trở lại trường, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết quyết định phụ thuộc vào đánh giá cấp độ dịch, và sẽ có những biện pháp nới lỏng các dịch vụ, hoạt động văn hoá, kinh tế-xã hội.
“Quan trọng nhất đảm bảo sức khoẻ cho người dân, an toàn trong phòng chống dịch vẫn đặt lên trên hết”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Với phương án đón học sinh trở lại trường, đại biểu Nhị Hà thông tin: “Hà Nội sẽ sớm có phương án. Hiện, Sở GDĐT Hà Nội đã có phương án rất cụ thể để đảm bảo có việc đưa học sinh tới trường. Tuy nhiên, trong vấn đề đưa học sinh tới trường cũng có phần tổ chức thực hiện để an toàn nhất cho các em học sinh khi trở lại trường học”.
Phương án này sẽ cân nhắc cả kế hoạch vắc-xin cho trẻ em Hà Nội. “Hà Nội đã có kế hoạch tiêm nhưng cũng phải căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Y tế về lứa tuổi, số lượng vắc-xin nhập về để có biện pháp triển khai. Chúng tôi hy vọng Bộ Y tế sớm có kế hoạch thông báo, chỉ định lứa tuổi tiêm chủng để thực hiện. Có thể đặt lứa tuổi ưu tiên từ 12-18 tuổi, nhưng trong trường hợp vắc-xin chưa đủ thì có thể tiêm trước cho lứa tuổi 16-18 tuổi. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của Bộ Y tế để triển khai”, bà Nhị Hà thông tin.
Nêu quan điểm về vấn đề mở cửa trường học, ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, Hà Nội là nơi có thể đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19, lượng người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài rất lớn, rồi người từ các nơi đổ về Hà Nội ngày một đông khi thành phố mở cửa một số hoạt động.
Ngoài ra, hiện nay đã gần hết tháng 10 nhưng học sinh vẫn chưa được tiêm vắc-xin. Gần 3 triệu trẻ nhỏ ở Hà Nội chưa được tiếp cận với vắc-xin, tỉ lệ giáo viên được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng rất thấp. Vì thế, đây là lý do thành phố thận trọng, cân nhắc có nên cho học sinh trở lại trường vào thời điểm này hay không.
Đại biểu Duyệt cũng đề nghị cần có chiến lược, kế hoạch tổng thể, căn cơ để trên cơ sở thích ứng an toàn, mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn phải đặt mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-ha-noi-than-trong-mo-cua-truong-don-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-a560450.html