Từ ngày 14/10, tại Hà Nội, các bảo tàng, công viên, khu di tích được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.
Đồng thời, khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành du lịch.
Để từng bước đưa Hà Nội phục hồi trong trạng thái mới, chính quyền Thành phố đã liên tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Mới đây đã cho phép nhiều hoạt động khác như hàng, quán được phục vụ khách tại chỗ và các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời hoạt động trở lại.
Đây là kết quả của sự nỗ lực của toàn bộ Thành phố và người dân trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin tại khu vực phố cổ Hà Nội, trái ngược với hình ảnh hoạt động kinh doanh buôn bán như nhà hàng, quán ăn tấp nập dần phục hồi trở lại thì hoạt động kinh doanh khách sạn tương đối ảm đạm.
Đặc biệt tại các tuyến phố Mã Mây, Hàng Bè, Nguyễn Siêu... nhiều khách sạn rơi vào tình trạng "cửa đóng, then cài" ngay cả khi Thành phố đã cho phép mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Một khách sạn lớn trên phố Nguyễn Siêu đã ngưng toàn bộ các hoạt động vận hành.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài - nguồn thu chủ yếu của các khách sạn, nhà hàng tại phố cổ Hà Nội giảm mạnh.
Tương tự, một khách sạn lớn trên phố Hàng Buồm cũng được khoá chặt bằng 2 lớp khoá.
Trong khi các hoạt động khác trong Thành phố có những bước chuyển biến tích cực thì đâu đó vẫn còn mảng kinh doanh từng “hốt bạc” một thời đến nay vẫn im lìm giữa Thủ đô trong trạng thái bình thường mới.
Hình ảnh những toà nhà lớn trước đó kinh doanh khách sạn đến nay treo biển rao bán hoặc tìm người thuê không khó để bắt gặp. Theo khảo sát của Người Đưa Tin, tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều từ giữa đợt Covid-19 thứ hai đến nay.
Mặc dù có mặt tiền tương đối đẹp ngay đầu phố Hàng Đào tiếp giáp với nhiều tuyến phố trung tâm phố cổ, nhưng khách sạn này vẫn trong tình trạng đóng cửa.
Ước tính mỗi căn khách sạn tại đây được rao bán thường có giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
Một khách sạn Hàng Bè, tổng diện tích sử dụng là 105m2, mặt tiền 5,5 m, 5 tầng, 16 phòng đang rao bán 87 tỷ đồng. Chủ sở hữu cho biết, đây đã là mức giá “hữu nghị” nhất trong khu vực này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều khách sạn dù đã rao bán gần nửa năm nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.
Ngoài hoạt động kinh doanh khách sạn thì còn các hoạt động liên quan đến hoạt động du lịch tại Thành phố trong trạng thái bình thường mới vẫn chưa thể “gượng dậy” sau đại dịch.
Những khu phố có khách sạn luôn đông nghịt người và hoạt động kinh doanh buôn bán, dịch vụ đi kèm nhộn nhịp cho đến 1 - 2h sáng. Nhưng giờ đây, những hình ảnh đó đã lùi vào quá khứ.