Dạo gần đây, những câu chuyện về vay nợ và quỵt nợ luôn là chủ đề nhức nhối, gây tranh cãi trên mạng xã hội. Hàng loạt tình cảnh “dở khóc dở cười” khi cho bạn bè mượn tiền, khi đi mượn bạn quỵ lụy năn nỉ, khi đi đòi thì mình phải quỳ gối van xin là có thật. Có nhiều trường hợp, con nợ còn hành hung, chửi bới chủ nợ, thậm chí là giết người khi bị đòi lại tiền.
Trước đó, đầu tháng 7/2021, báo chí đã từng đưa tin về vụ việc một chủ nợ bị con nợ giết rồi phi tang xác ở Hải Dương. Thủ phạm là Cao Tài Năng (sinh năm 1981, trú tại phường Bình Hàn, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Trước đó Năng đã nợ ông C. khoảng 1,8 tỉ đồng. Ngày 28/11/2020, ông C. đến gặp Năng ở TP.Hải Dương và bị người này giết hại.
Sau khi giết chủ nợ tên C., Năng đã đưa xác đi chôn ở khu đô thị Đỉnh Long (TP. Hải Dương). Chưa dừng lại ở đó, khoảng 1 tháng sau, Năng đào xác ông C. lên, đổ xăng đốt. Điều này khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra vụ án.
Người thân của Cao Tài Năng cho biết, nghi phạm giết chủ nợ rồi đốt xác phi tang này từng vay mượn nhiều và bị nhiều người đến đòi nợ chứ không chỉ riêng ông C. Sau khi vụ án mạng xảy ra, người dân sống quanh nhà đối tượng Cao Tài Năng đều vô cùng bàng hoàng, bất ngờ.
Trong cuộc sống hằng ngày, việc cho mượn qua lại là việc đơn giản dễ dàng, đặc biệt là các mối quan hệ bạn bè và cũng đã có nhiều trường hợp vì đồng tiền mà bạn bè thân trở mặt, chặt chém nhau.
Vì đồng tiền mà có những tình huống cười ra nước mắt. Tình trạng đòi nợ bạn bè hiện nay là vấn đề nan giải, tâm lý người Việt chúng ta sống tình cảm, ngại “mất lòng” người khác hay ngại đi đòi nợ. Trên mạng xã hội, chúng ta dễ bắt gặp những bức ảnh hay video chế, diễn tả lại cách đi đòi nợ, ai nhìn vào cũng thấy có bản thân của mình ở đó.
Vừa mới đây, cư dân mạng được dịp chuyền tay nhau bài viết mang tính chất cảnh báo hành vi đe dọa, chửi bới của một ông chủ đối với nhân viên của mình. Cụ thể, bạn L.N.H. cho hay: “Năm 2018 – 2019 mình làm cho anh H.C. với tư cách là nhân viên, không qua bên thứ 3 nào cả. Đến tháng 9 năm 2019 mình nghỉ làm và còn dư lương 22.000.000 VNĐ.
Mình chờ đợi và có nhắc nhở anh H.C. chuyển trả tiền lương từ lúc đó cho đến tết 2021. Ngày 22/1 (tức 28 Tết âm lịch năm 2020) anh H.C. mới thanh toán được 5 triệu cho mình, tổng còn nợ 17 triệu đồng.
Hơn 1 năm nay, tháng nào mình cũng đòi, nhưng anh H.C cứ đem bên thứ 3 ra để chày cối không trả. Mình đã liên hệ bên thứ 3 thì bên kia báo họ không làm việc với mình nên không phải nhắn tin với họ.
Mình gọi điện cho anh H.C. thì anh ta đã block số mình từ lâu và còn nhắn tin chửi bới dọa dẫm sẽ gọi người đến đánh mình. Facebook của H.C. thì up ảnh ăn chơi mua sắm lái xe các kiểu mà nợ tiền thì không chịu trả”.
Ngay sau khi được chia sẻ cách đây chưa lâu, bài đăng này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Thái độ ngang ngược cùng hành động cãi cùn một cách bất chấp của con nợ khi bị thúc giục và đòi nợ khiến nhiều người không khỏi cảm thấy bức xúc.
Rất nhiều những bình luận bày tỏ sự tức giận cũng như chê trách đã được để lại: "Ghét nhất cái thể loại lúc mượn tiền thì ngọt nhạt, lúc đòi tiền thì trơ tráo giở thói giang hồ". " Đã là con nợ mà lại còn nói chuyện ngang ngược thế có tức không chứ, chủ doanh nghiệp mà còn quỵt tiền như vậy thì ai mà dám hợp tác cùng chứ ". Hiện tại, chưa rõ con nợ đã chịu trả tiền hay chưa nhưng trường hợp này cũng khiến nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm khi hiện nay có nhiều thanh niên một bên thì quỵt nợ, một bên thì sống ảo, đánh bóng tên tuổi bằng các bài đăng khoe mẽ cuộc sống sang chảnh trên mạng xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch công ty Luật SBLAW) cho biết: “Những người lợi dụng lòng tin của người quen, vay nợ không có thế chấp, không giấy vay nợ rồi cố tình không trả, sẽ bị xử lý hình sự về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định.
Theo đó, khung hình phạt thấp nhất đối với tội này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.” |
Lâm Phạm - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngan-ngam-voi-nhung-con-no-da-quyt-tien-con-ngang-nguoc-voi-chu-no-a560684.html