Dù thành phố và các tỉnh lân cận còn dè dặt “mở cửa” và nhiều cảnh báo tình hình kinh tế sẽ khó hồi phục nhanh nhưng thị trường bất động sản tại khu vực Đông Nam Bộ lại có những tín hiệu lạc quan. Khu vực vùng ven chứng kiến nhiều dự án bắt đầu được nhân viên chào bán và giới thiệu.
Tại cửa ngõ phía Đông thành phố, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh thành là Đồng Nai, Bình Dương và Tp.HCM, các dự án vốn trước đó rất sôi động sau thời gian im ắng do dịch nay đã bắt đầu khởi động lại các hoạt động kinh doanh.
Trong đó, phải kể đến các dự án như LDG Sky tại khu Làng Đại học, Opal Boulevard tại đại lộ Phạm Văn Đồng, Bcons tại Xa lộ Hà Nội… Khu vực này vốn dĩ thu hút khách hang thì nay đang dần lấy lại “phong độ”.
Anh Vũ Thái Toàn (nhân viên kinh doanh dự án LDG Sky thuộc sàn Đất Xanh Miền Nam) chia sẻ: “Ngay khi thành phố vừa mở cửa, nhiều khách hàng đã liên hệ để hỏi thăm về dự án. Đa phần khách hàng giai đoạn này có nhu cầu mua nhà để ở. Khách hàng mua để đầu tư thì chỉ mới liên hệ trong những ngày gần cuối tháng 10. Lúc này giá vốn đầu tư bất động sản khá thấp và nếu ai có vốn sẵn để mua vào thì chắc chắn thời gian ngắn tới sẽ có lợi nhuận nhiều do mua được giá vốn rẻ”.
Rảo quanh các dự án ở đây, nhà mẫu đa phần vẫn chưa mở lại vì hạn chế người tập trung nhưng văn phòng đón khách và tại công trường dự án thì khách hàng đã có thể đến tham quan và tìm hiểu. Đặc biệt, những ngày gần cuối tháng, khi tỉnh Bình Dương mở cửa theo Nghị quyết 128 thì lượng khách tham quan tăng lên rõ rệt.
Lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản nhộn nhịp sớm, ông Huỳnh Anh Phương, chuyên gia phân tích đầu tư cho biết: “Bất động sản có tính ổn định. Ở nhiều quốc gia, bất động sản chiếm tới 20% GDP nhưng Việt Nam chỉ mới có 6% nên dư địa còn rất lớn. Thêm vào đó, khu vực tam giác Đồng Nai – Bình Dương – Tp.HCM luôn dẫn đầu thị trường nên việc khởi động các dự án nơi đây đã kéo theo sự sôi động trở lại của khu vực lân cận”.
Ở khía cạnh một chủ đầu tư, ông Nguyễn Minh Khang, CEO công ty LDG Investment chia sẻ: “Trong bối cảnh đại dịch, nhiều kênh đầu tư bị giới hạn. Bất động sản có tính ổn định cao lại có tỷ lệ cầu vượt cung nên về trung và dài hạn, bất động sản là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất. Thêm vào đó, thời điểm cuối năm là cao điểm đầu tư của người dân. Do đó, việc nhanh chóng khởi động lại thị trường sẽ giúp đón một nguồn vốn lớn sau thời gian dài nằm yên vì đại dịch. Các chủ đầu tư cũng vì vậy mà phải nhanh chóng tái hoạt động nhằm hấp thụ thị phần”.
Ông Dương Minh Trung, luật sư chuyên nghiên cứu về ngành bất động sản cho rằng: “Từ đây đến cuối năm, bất động sản sẽ là một trong số ít các kênh đầu tư an toàn khi cả nước chủ trương sống cùng đại dịch. Việc người dân dùng vốn để lưu trữ tại bất động sản là quyết định có tính an toàn nhất trong lúc tình hình phục hồi kinh tế còn khó lường và hoàn toàn phụ thuộc diễn biến của đại dịch. Nhà đầu tư chọn bất động sản trong lúc này là sáng suốt để không chỉ bảo toàn dòng vốn mà còn là dự trữ sinh lời một khi đại dịch hoàn toàn được kiểm soát, kinh tế phục hồi”.
Nhiều chuyên gia dự báo, với tình hình kiểm soát tốt dịch của thành phố như hiện nay nhờ chính sách mở cửa thận trọng và phủ rộng vắc-xin, chỉ thời gian ngắn tới, kinh tế TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ sớm phục hồi. Điều này tạo cơ hội cho thị trường bất động sản lấy lại sự sôi động vốn có trước đại dịch.
Nhật Minh - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thi-truong-bat-dong-san-ruc-rich-tai-khoi-dong-sau-dich-a560785.html