‘Đứng cho vay, quỳ đòi nợ’: (Bài 2) khi vay lời lẽ ngọt ngào, khi đòi trở mặt, “mày - tao” cạn tình

Tiếp nối câu chuyện “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” mà Truyền hình Người đưa tin đã đề cập ở bài trước, sẽ là những trường hợp vay nợ oái oăm, người vay không trả còn quay ngược đe dọa người cho vay.

Dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn, đặc biệt là về kinh tế. Nhiều người đã chọn cách vay mượn tiền bạn bè để sống qua mùa dịch, đến lúc người cho vay cần thì thì người vay không trả, đòi gắt thì trả dần được 1 ít. Điều này khiến người cho vay cảm thấy vô cùng khó chịu.

No description available.

Bạn Lê Thị Thu H, sống tại Hà Nội, chia sẻ: “Cuộc sống em thì đang khó khăn, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, bạn bè cũng hay nhắn tin mượn tiền, thì trong lúc bạn bè khó khăn khăn, có cùng hoàn cảnh, em có ít cũng cho bạn mượn coi như để chia sẻ, giúp nhau qua mùa dịch. Nhưng đến lúc em cần thì bạn không trả, cứ hẹn lần này đến lần khác, lúc nào đòi gắt thì bạn trả cho được một ít. Nhiều lúc không đòi được tiền em buộc phải vay mượn khắp nơi và xin tiền thêm của bố mẹ. Em cảm thấy rất là khó chịu. Giờ đây thì coi như em mất tình bạn mà tiền cũng không lấy lại được nữa”.

Thậm chí, có trường hợp người cho vay bị người vay đe dọa khi bị đòi tiền. Vấn đề này thường xuất hiện trong việc cho vay những khoản tiền lớn mà không có giấy tờ, để làm ăn kinh doanh.

Chị Trần Lan Hương, hiện đang kinh doanh điện thoại là một ví dụ điển hình.

No description available.

“Tôi cho vay 20 triệu, số tiền này trong kinh doanh thì không nhiều đâu, đòi thì họ cứ chuyển lắt nhắt mới được 5 triệu thôi còn 15 triệu nữa. Khi vay thì họ nói cần để lấy hàng, nhưng thực chất để đưa bạn gái đi chơi. Đến nay thì họ bảo không có tiền. Tôi đòi gắt quá thì họ chặn liên lạc. Đến cùng đường buộc tôi đăng lên facebook thì họ quay sang dọa nạt và đòi kiện tôi”, chị Hương kể.

Có thể thấy chuyện bạn bè, người thân gặp khó khăn rồi vay mượn nhau là không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi cho vay tiền, điều quan trọng là xác định được rõ mối quan hệ giữa mình và người vay. Nếu là bạn thân đã hiểu rõ tính nhau, đủ tin tưởng thì có thể thoải mái cho nhau vay mượn.

Tuy nhiên, dù có thân đến đâu, khi vay các khoản tiền lớn thì vẫn nên viết giấy xác nhận. Còn với những người bạn chỉ quen biết bình thường, ít tiếp xúc, khi được hỏi vay tiền thì nên tìm ra các lý do phù hợp để khéo léo từ chối, tránh tình cảnh “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”.

Phong Hào - Đỗ Anh/ Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dung-cho-vay-quy-doi-no-bai-2-khi-vay-loi-le-ngot-ngao-khi-doi-tro-mat-may-tao-can-tinh-a561352.html