Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: "Dựa trên tình hình thực tế của dịch Covid-19, Tp.Việt Trì, huyện Phù Ninh, sẽ đón học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 15/11. Trước đó, một số cơ sở giáo dục tại huyện Lâm Thao học sinh cũng đã trở lại trường".
Được biết ngày 11/11, Sở GD&ĐT tỉnh đã ban hành văn bản về việc tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Sở GD&ĐT giao phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị căn cứ tình hình, diễn biến dịch tại từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tham mưu cho UBND cấp huyện quyết định cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tổ chức dạy học trực tiếp.
Cho phép các đơn vị trực thuộc Sở trên địa bàn Thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Trường THPT Phong Châu gồm các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, GDNN-GDTX tổ chức dạy học trực tiếp trở lại từ ngày 15/11/2021.
Để đảm bảo phòng chống dịch khi dạy học trực tiếp, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, đồ dùng dạy học, đồ chơi… chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp trước khi đón học sinh trở lại trường.
Xây dựng phương án tổ chức dạy học 2 ca, bố trí thời điểm ra, vào lớp, thời điểm bắt đầu và kết thúc buổi học, thời gian nghỉ giữa các tiết học và quản lý học sinh bảo đảm phù hợp. Ngoài ra, việc đưa đón học sinh cũng cần đảm bảo an toàn.
Tất cả các môn học trực tuyến, kiểm tra, rà soát các nội dung kiến thức đã dạy, có kế hoạch hỗ trợ học sinh bảo đảm học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản để tiếp tục học các nội dung kiến thức tiếp theo.
Đối với cấp học mầm non, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh học sinh để thống nhất phương án chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường trên tinh thần tự nguyện; tùy theo tình hình cụ thể nghiên cứu xem xét việc tổ chức bán trú, bảo đảm an toàn cho trẻ.
Đối với giáo dục tiểu học, tạm thời các trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, không tổ chức dạy buổi 2 và các hoạt động sau giờ chính thức trong ngày cho đến khi có thông báo mới.
Mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng quyết định chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Vinh, bắt đầu từ thứ Hai, ngày 15/11/2021 đối với học sinh khối lớp 12 thuộc địa bàn được xác định cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình).
Riêng những học sinh đang thuộc diện cách ly y tế tập trung hoặc đang sinh sống và cư trú trong vùng có dịch Covid-19 thì tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, tuyệt đối không để một học sinh nào phải dừng việc học.
Sau khi ổn định hoạt động dạy và học trực tiếp cho học sinh lớp 12, các trường tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 để chuẩn bị cho học sinh lớp 10 và lớp 11 trở lại trường học tập.
Tại Lâm Đồng, UBND TP.Bảo Lộc cũng thống nhất chủ trương cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các trung tâm GDTX, cơ sở GDNN trên địa bàn tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 15/11. Điều này nhằm đảm bảo tiến độ chương trình, tuy nhiên vẫn cần thực hiện tốt các giải pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi tổ chức dạy học.
Tại Đồng Nai từ ngày 22/11 đến 1/12/2021, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn sẽ chọn từ 1-4 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại và đảm bảo quy định về phòng, chống dịch.
Sau ngày 1/12, các địa phương rà soát, đánh giá quá trình tổ chức cho học sinh đi học tại các cơ sở giáo dục và tình hình thực tiễn dịch bệnh tại địa phương để có những quyết định tiếp theo về việc tổ chức cho sinh viên và học sinh các cấp trở lại trường học.
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động nhận bàn giao cơ sở vật chất từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục lập kế hoạch, khẩn trương dọn vệ sinh, khử khuẩn phòng học, phòng chức năng và toàn bộ khuôn viên nhà trường ít nhất 1 tuần trước khi cho học sinh đi học trở lại... Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Cùng với đó, các trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón học sinh.
Đối với các địa phương được xác định ở độ dịch cấp độ 1 và 2 sẽ tổ chức cho trẻ mẫu giáo đi học trước. Thời gian đầu, không tổ chức ăn sáng, bố trí thời gian đưa, đón trẻ lệch giờ. Sau mỗi tuần, Phòng GD&ĐT đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND huyện/thành phố điều chỉnh phương án theo hướng mở dần đối với trẻ lứa tuổi nhà trẻ (có thể tổ chức cho trẻ ăn sáng theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh).
Với GDPT và GDTX, thời gian đầu ưu tiên cho học sinh lớp 1, 2 (tiểu học), lớp 9, 12 (Trung học), học viên GDTX khối 12 đi học trước. Các lớp 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 sẽ đi học sau. Sau mỗi tuần, các cơ sở giáo dục đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tăng dần số lượng học sinh.
Minh Hoa (t/h) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-dia-phuong-cho-hoc-sinh-di-hoc-truc-tiep-tu-1511-a561355.html