Ngồi một chỗ quá lâu, lười vận động
Thói quen ngồi một chỗ trong nhiều giờ liên tục để làm việc, xem TV có thể gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nguyên nhân là vì khi bạn ngồi một chỗ, lượng mỡ và đường trong máu sẽ tăng cao.
Lười ăn trái cây và rau củ
Chế độ ăn thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe tim mạch suy giảm. Việc lười ăn trái cây, rau củ sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt nhiều dưỡng chất quan trọng và ảnh hưởng đến cơ quan tim mạch.
Chế độ ăn lành mạnh cho trái tim nhất là ăn nhiều rau quả, thực vật. Các nhà khoa học khuyến khích 50% khẩu phần ăn hàng ngày của bạn nên bao gồm rau củ quả.
Ăn mặn
Tiêu thụ nhiều muối đồng nghĩa với việc huyết áp của bạn tăng cao. Trong khi đó, huyết áp cao lại là nguyên nhân chính gây đột quỵ, suy thận và bệnh tim. Chúng ta nên tiêu thụ lượng natri dưới 2.300 mg một ngày. Nếu bạn bị huyết áp cao thì nên cắt giảm xuống 1.500 mg.
Không vệ sinh kỹ răng miệng
Trên thực tế, bệnh nướu và bệnh tim có mối liên hệ với nhau. Nếu bạn không giữ vệ sinh răng miệng tốt, các mảng bám, vụn thức ăn trong kẽ răng sẽ sinh sôi vi khuẩn, dẫn tới bệnh nướu. Các vi khuẩn này kích hoạt tình trạng viêm trong cơ thể. Trong khi đó, chứng viêm lại thúc đẩy chứng xơ vữa động mạch
Phớt lờ tiếng ngáy
Tiếng ngáy có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Chứng rối loạn này khiến hơi thở gián đoạn trong lúc ngủ và làm huyết áp tăng vọt, dẫn tới các bệnh lý tim mạch. Những người thừa cân béo phì thường gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn thường xuyên ngáy khi ngủ và mệt mỏi khi thức dậy, hãy tìm gặp bác sĩ để nhờ kiểm tra càng sớm càng tốt.
Thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá
Uống nhiều rượu bia có thể gây tăng huyết áp, dẫn tới xơ vữa thành mạch, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì,... từ đó tác động đến sức khỏe tim mạch.
Trong khi đó, việc hút thuốc lá trực tiếp hay hút thuốc lá thụ động đều có nguy cơ gây bệnh tim mạch. Chất nicotine trong thuốc lá có thể gây hại cho phổi và tim mạch của người hút.
Khói thuốc lá chứa tới 7.000 hóa chất độc hại, có thể đi vào buồng phổi, mạch máu, tạo nên những tổn thương ở thành mạch, mỡ dễ bám vào và gây xơ vữa thành mạch hoặc tạo huyết khối, gây tắc mạch,... nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim sẽ rất cao.
Không tiết chế được cảm xúc, rất dễ tức giận
Việc không biết tiết chế cảm xúc có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khi bạn cảm thấy tiêu cực, thường xuyên tức giận, cơ thể sẽ trở nên căng thẳng. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ rất có hại cho tim vì nó trực tiếp tăng áp lực lên tim. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp không biết tiết chế cơn giận dẫn đến đột quỵ hoặc mắc bệnh về tim.
Ăn nhiều thịt đỏ
Bạn không nên ăn quá nhiều thịt đỏ vì chúng chứa chất béo bão hòa. Thịt chế biến sẵn như thịt xông khói và xúc xích làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư đại tràng, trực tràng. Chế độ ăn lý tưởng nhất là 10% thịt đỏ.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế các loại hải sản như tôm, sò, cua. Hãy thay thế các thực phẩm này bằng những loại thịt trắng như thịt gà. Thịt trắng chứa chất béo omega-3 và giàu protein giúp bảo vệ tim.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/8-thoi-quen-am-tham-giet-chet-trai-tim-nhung-nhieu-nguoi-khong-biet-a561450.html