Con làm chủ nợ, cả họ mất tiền

Gom hết vốn liếng trong gia đình chưa đủ, chị Lan còn huy động thêm từ bạn bè, đồng nghiệp để cho vay tín dụng đen. Bất ngờ bị bùng nợ, chị biến thành con nợ rồi khốn khổ đi trốn. 

Đánh bóng bản thân để thành chủ nợ uy tín

Chị N.N.Lan (SN 1982, trú tại Hải Phòng) làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở cảng Đình Vũ. Ngoài lương, chị kiếm thêm một khoản nhỏ từ việc cho vay tiền lấy lãi. 

5 nguyên tắc cần nhớ khi cho người nhà vay tiền - Tài chính - Chứng khoán

Tín dụng đen gây ra nhiều hệ lụy, kể cả với người vay và cho vay (Ảnh minh họa).

Thời gian đầu, chị cho đồng nghiệp vay nhanh. Mỗi đầu triệu chị lấy lãi 2.000 – 3.000 đồng/ngày. Rồi dần dần, chị Lan nâng lãi suất lên, tùy vào mức độ cần kíp của người đi vay. Thấy kiếm tiền từ việc cho vay dễ dàng, anh Tiến, chồng chị, vay mượn người thân, cấp thêm “vốn” cho vợ "đầu tư". 

Dần dần, chị Lan đánh tiếng mở rộng cho cả những người ngoài công ty vay. Người nọ giới thiệu người kia, chỉ sau khoảng 1 năm, chị Lan đã "có số má" cho vay nhanh ở khu vực cảng Đình Vũ. Để tránh bị bùng nợ với những khoản nợ xấu khó đòi, chị Lan tính toán giới hạn khoản vay từ 50 – 70 triệu đồng đổ lại. 

Kiếm tiền dễ dàng, chị huy động tiền tiết kiệm của ông bà hai bên nội ngoại, hỏi han các anh chị em trong gia đình, với đề nghị vay làm ăn, trả lãi hậu hĩnh. Bi kịch xảy ra khi chị bị các con nợ bùng nợ. 

Đi trốn nợ

Không lấy được tiền từ con nợ, chị không có tiền trả cho bố mẹ, họ hàng. “Mọi người đến nhà tôi suốt ngày, chửi bới, trách móc. Trong nhà có đồ gì giá trị là họ mang hết đi. Cái quạt treo tường họ cũng tháo đi”, chị Lan kể. 

Vợ chồng chị bán nhà nhưng vẫn không trả hết nợ. Sợ hãi, chị gửi con về nhà ông bà ngoại rồi cùng chồng đi trốn. Không tìm được vợ chồng chị Lan, những người cho vợ chồng chị này vay tiền tìm đến bố mẹ hai bên, gây rối, đe dọa. Ông bà còn bị họ hàng trách móc, chửi bới. “Họ nói tôi vào hùa với các con, lừa đảo họ hàng. Già rồi mà bị con cháu chửi xơi xơi vào mặt, mệt mỏi, đau lòng vô cùng”, mẹ anh Tiến nói. 

Đường cùng, ông bà nội đành bán nhà, một phần trả nợ, một phần dùng để mua một căn nhà nhỏ hơn để có chỗ chui ra chui vào. “Tôi trả nợ cho họ hàng còn người ngoài thì bất lực vì không đủ tiền. Hàng ngày nghe họ đến chửi bới, ném chất bẩn rồi khóc lóc thôi chứ không biết phải làm thế nào”, bố anh Tiến nói. 

Thương con gái, bố mẹ chị Lan cũng bán nhà, dồn trả nợ giúp con. Hai bên ông bà đã có tuổi nhưng vẫn đi làm thuê để có tiền giúp hai con trang trải nợ nần. Mẹ chị Lan bảo, ông bà có lương hưu, nếu chị Lan không vướng phải chuyện cho vay tiền rồi bị bùng nợ kia thì ông bà sống thoải mái, không phải đi làm thêm gì cả nhưng “con dại cái mang, đành cố gắng giúp để vợ chồng nó còn về nuôi con”. 

Sau hơn 3 năm đi trốn, đầu năm nay, vợ chồng chị Lan dắt díu nhau về. Số nợ đã được thanh toán hết, anh chị bảo ban nhau làm ăn. Hiện cả hai xin vào làm cho một đơn vị giao hàng nhanh, chắt bóp cũng đủ tiền ăn tiêu. “Tôi rất hối hận vì ham làm giàu nhanh mà khiến bố mẹ hai bên bị liên lụy, phải bán nhà trả nợ. Không bao giờ tôi dám quay lại con đường đó nữa, một đòn đau nhớ đời”, chị Lan tâm sự. 

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/con-lam-chu-no-ca-ho-mat-tien-a561563.html