Bị sát hại khi đi đòi nợ
Mới đây, TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án Giết người, nguyên nhân xuất phát từ việc cho vay mượn tiền.
Theo cáo trạng, trong những ngày bốc dỡ thuê tấm lợp tôn cho nhà bà V.T.D (SN 1966), Phạm Văn Sinh (SN 1980, cùng trú tại xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có vay của bà D. 26,7 triệu đồng. Sinh làm cho bà D. đến đầu tháng 5/2019 thì xin nghỉ việc và chưa trả được nợ.
Bị cáo Sinh tại phiên tòa sơ thẩm.
Bà D. đã nhiều lần gọi điện nhưng Sinh khất lần. Chiều ngày 22/5/2019, Sinh chủ động gọi cho bà D. nói: “Tầm một tiếng nữa cô đến nhà cháu để cháu gửi tiền, cháu lo đủ tiền rồi”.
Đúng hẹn, bà D. có mặt. Sau khi thống nhất tiền gốc và lãi thì Sinh phải trả cho bà D. 27,7 triệu đồng. Không giống lời nói trong điện thoại, Sinh chỉ trả được trước cho bà D. 1 triệu đồng tiền lãi rồi hẹn hôm sau sẽ trả nốt số tiền còn lại.
Lúc này, bà D. bảo Sinh: “Đang có chuyến hàng, mày ra bốc cho cô một xe” nhưng Sinh không đi. Bực vì không nhờ được Sinh, bà D. càu nhàu: “Mày làm cho tao, lấy tiền của tao tiêu vào việc riêng, giờ tao nhờ mày không làm à”. Sinh cáu bẳn: “Cháu không làm, cô đừng nói nhiều”.
Từ đôi co này, trong lúc tức tối, Sinh cầm gạch đánh bà D. nhiều nhát. Sau đó, xác định bà D. đã chết, Sinh giấu xác, giấu tiền của nạn nhân rồi đến nhà người quen là anh Nguyễn Văn Điền (SN 1975, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội). Hồ sơ vụ án còn nêu rõ, Sinh ở nhà anh Điền, ăn cơm tối xong còn nhờ anh Điền đưa về nhà.
Ngày 25/5/2019, quần chúng nhân dân phát hiện thi thể bà D. ở bãi rác nên đã báo Công an huyện Ứng Hòa. Sau khi sàng lọc đối tượng liên quan, Sinh bị đưa vào diện tình nghi và được đưa về trụ sở công an để làm việc.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Văn Sinh đã khai nhận toàn bộ hành vi Giết người và Cướp tài sản của bà V.T.D. như đã nêu trên. Lời khai nhận của Sinh phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác do cơ quan điều tra thu thập được như: Lời khai của người làm chứng, lời khai của người liên quan, biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường,…
Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm, Phạm Văn Sinh có đơn và lời khai tố cáo anh Nguyễn Văn Điền mới là thủ phạm làm chết bà D. Do vụ án còn một số nội dung chưa được làm sáng tỏ và bị cáo không nhận tội nên HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Làm gì để bảo vệ quyền lợi người cho vay?
Luật sư Đỗ Ngọc Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đỗ Ngọc Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: Dù kết luận vụ án ra sao thì thiệt hại về người đã xảy ra, bà D. chết một cách tức tưởi, oan uổng. Chắc chắn, hung thủ gây ra cái chết cho nạn nhân sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Luật sư Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh, mấu chốt đau lòng của vụ án là xuất phát từ việc vay mượn tiền của Sinh, đến hạn Sinh không trả, thậm chí còn có lời nói khiếm nhã với người lớn tuổi hơn mình. Trong lúc thiếu kiềm chế bản thân, việc xảy ra xô xát là điều khó tránh khỏi.
Theo luật sư Đỗ Ngọc Anh, thường thì mâu thuẫn nợ nần xảy ra khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Quan hệ vay mượn tài sản là một quan hệ pháp luật dân sự, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Hai bên thuận tình, bên cho vay hoặc giao tài sản cho bên vay; bên vay đồng ý với các điều khoản của bên cho vay và đặc biệt cần tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ. Tuy vậy, thường khi đến hạn, bên vay không thực hiện được, thậm chí còn có thái độ trốn tránh, khất lần, trây ỳ…
Để bảo vệ quyền lợi của người cho vay, Luật sư Đỗ Ngọc Anh cho biết: Trong Bộ luật Dân sự có nhiều quy định áp dụng các biện pháp bảo đảm khi thực hiện giao dịch cho vay tiền như: Thế chấp, cầm cố, ký cược… Người cho vay cần áp dụng những biện pháp này để hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tài chính.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-con-no-sat-hai-khi-den-doi-tien-a561593.html