“Huy động vốn” thời Covid
Tin Luyến - cô nhân viên văn phòng khéo ăn khéo nói bất ngờ xin nghỉ việc khiến nhiều đồng nghiệp trong cơ quan vô cùng lo lắng, bởi không ít người trong số họ đã cho cô vay tiền với lãi suất cao hơn ngân hàng.
Một đồng nghiệp cho Luyến vay tiền ngậm ngùi: “Ban đầu, tôi cho Luyến vay 400 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng để tránh rủi ro. Mỗi tháng tôi nhận được số tiền lãi khoảng 24 triệu đồng”. Nhưng vì Luyến luôn trả gốc và lãi đúng hẹn nên anh đồng nghiệp này đã “mờ mắt”, tiếp tục cho cô vay dài hạn mà không biết rằng, việc chi tiêu tài chính của Luyến có nhiều dấu hiệu bất minh.
Bằng “mồi câu” trả đúng hẹn, lãi suất cao, Luyến đưa ra nhiều lý do để vay tiền đồng nghiệp. Với người này, Luyến nói: “Vay tiền mua ô tô cho chồng kinh doanh du lịch”; người kia là: “Vay tiền mua nhà đất”; “Vay để trả đảo sổ đỏ trong ngân hàng…!”.
Luyến nói với đồng nghiệp vay tiền để mua ô tô kinh doanh du lịch (ảnh minh họa)
Điều đáng nói, cô nhân viên văn phòng trẻ đẹp này luôn biết che đậy thông tin. Ai cho vay thì chỉ người đó biết. Luyến gieo vào đầu các chủ nợ suy nghĩ, họ xứng đáng được nhận phần lãi suất cao từ khoản lợi nhuận kinh doanh của vợ chồng cô.
Tạo được lòng tin, thời gian trước và sau dịch Covid-19, Luyến đã vay của nhiều đồng nghiệp trong cơ quan số tiền lên đến cả tỷ đồng. Người cho vay tiền chỉ nghĩ đến lãi suất nhận hàng tháng mà không tìm hiểu xem vợ chồng Luyến đang kinh doanh gì.
Các chủ nợ cũng không thể ngờ rằng, Luyến dùng thủ đoạn vay tiền của người nọ, rồi dùng tiền đó trả lãi cho người kia. Trong số các chủ nợ của Luyến, có cả sếp của cô ta. Đến khi mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, Luyến viết đơn xin nghỉ việc.
Làm gì khi đồng nghiệp “bùng nợ”?
Tin Luyến vỡ nợ lan nhanh khắp cơ quan. Thế nhưng, rất ít đồng nghiệp cho cô ta vay tiền dám lên tiếng vì sợ mang tiếng tham lãi suất cao. Họ chỉ biết gọi điện thoại đòi nợ trong vô vọng. Trong khi đó, một số người đã tìm đến các chuyên gia pháp lý và luật sư để tham vấn ý kiến, tìm cách đòi nợ.
Các chuyên gia pháp lý đều có chung quan điểm, nếu chứng minh được Luyến vay tiền của đồng nghiệp và đã sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp (dùng tiền đi vay để đi buôn lậu, đánh bạc…) dẫn đến không có khả năng trả lại tiền vay; hoặc đến thời hạn trả nợ, Luyến cố tình trì hoãn, đưa ra những lý do không chính đáng để không trả lại tài sản cho chủ nợ, mặc dù có đủ điều kiện, khả năng để trả tiền (có số dư tài khoản trong ngân hàng, có tài sản có thể bán lấy tiền trả nợ…) và đã có yêu cầu đòi tài sản của chủ nợ… thì các chủ nợ có thể làm đơn tố giác Luyến ra cơ quan công an về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo luật gia Phạm Quang Hòa, trong trường hợp Luyến vay tiền, rồi sử dụng vào mục đích kinh doanh hợp pháp nhưng thua lỗ, dẫn đến không có khả năng trả nợ, thì hành vi đó không cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Chuyện vay tiền rồi “bùng nợ” diễn ra khá phổ biến và là tiền lệ xấu trong xã hội. Có nhiều phương thức để chủ nợ áp dụng đòi nợ (khởi kiện ra tòa hoặc tố cáo ra cơ quan công an). Tuy nhiên, ranh giới giữa dân sự và hình sự khá mong manh, phần lớn tùy thuộc vào cách đánh giá của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy thận trọng khi cho người khác vay tiền, kẻo lòng tốt đặt nhầm chỗ, tiền mất tật mang như những chủ nợ trong câu chuyện này.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/niem-tin-dat-nham-thang-tram-chu-no-a561719.html