The Guardian cho biết, hãng tuần, một nhóm các nhà dịch tễ học tại Mỹ đều thảo luận trực tuyến qua Zoom và đưa ra những dự đoán về các biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện trên toàn thế giới.
Trong đó, ông William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng TH Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết: "Việc này đều đặn như các báo cáo về thời tiết. Trước đây, chúng tôi từng thảo luận một chút về biến thể Gamma, sau đó là biến thể Alpha và hiện tại, tất cả đều tập trung vào biến thể Delta".
Biến thể Delta lần đầu được ghi nhận tại Ấn Độ vào tháng 12/2020 và nhanh chóng lây lan ra khắp thế giới, gây ra những đợt bùng phát dịch vô cùng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 99,5% tất cả các trình tự gen COVID-19 được báo cáo lên cơ sở dữ liệu công khai hiện nay là của biến thể Delta.
Trong khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn được ghi nhận, chẳng hạn như biến thể AY.4.2 gần đây hoặc biến thể Delta Plus ở Anh, các biến thể này gần như giống hệt với biến thể Delta và chỉ có một vài đột biến nhỏ, không đáng kể. Ông Hanage đã gọi các biến thể này là "con cháu" của Delta.
Tuy nhiên, lý do ông Hanage và các đồng nghiệp vẫn đều đặn quét các cơ sở dữ liệu mỗi tuần và tiến hành các cuộc trao đổi qua Zoom thường xuyên là để nghiên cứu và dự đoán những điều có thể xảy ra tiếp theo. Liệu Delta có phải biến thể "siêu lây nhiễm" cuối cùng của Covid-19? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời chắc chắn.
Một khả năng được đưa ra là sau những đột biến ban đầu tạo ra các biến thể nguy hiểm như Alpha và sau đó là Delta, SARS-CoV-2 giờ đây có thể sẽ biến đổi từ từ và ổn định hơn. Các nhà khoa học dự đoán các biến thể của SARS-CoV-2 cuối cùng có thể khiến vaccine mất tác dụng nhưng đó là câu chuyện trong nhiều năm nữa.
Trong khi các nhà khoa học nhấn mạnh hầu hết các giả thuyết chỉ là suy đoán, một số người cho rằng đây là kết quả có khả năng xảy ra nhất trong tương lai của đại dịch Covid-19.
Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL, nhận xét: "Tôi dự đoán rằng kiểu tiến hóa mà chúng ta sẽ thấy giống với cái mà chúng ta gọi là sự trôi dạt kháng nguyên, nơi virus dần dần tiến hóa để thoát khỏi hệ thống miễn dịch. Đối với bệnh cúm và các loại coronavirus khác mà chúng tôi đã biết, phải mất khoảng 10 năm virus mới tích lũy đủ những thay đổi khiến các kháng thể trong máu không nhận ra được".
Dù vậy, không phải không có khả năng cho sự xuất hiện của một biến thể hoàn toàn mới, làm thay đổi và đảo ngược các thành tựu phòng dịch trên thế giới. Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, gọi những biến thể này là "siêu biến thể" có khả năng "siêu lây nhiễm". Ông Gupta cho biết khả năng xuất hiện các biến thể này là 80%. Câu hỏi được đặt ra là khi nào chúng xuất hiện?
Ông Gupta phân tích: "Chúng ta đã có biến thể Delta tại thời điểm hiện tại. Biến thể Delta Plus mới tương đối phức tạp so với loại mà tôi đang nói đến. Nó có hai đột biến từ biến thể Delta, tôi không nghĩ chúng đáng lo ngại và biến thể Delta Plus chưa phát triển mạnh ở các quốc gia khác. Nhưng không thể tránh khỏi khả năng sẽ có một biến thể nghiêm trọng khác trong 2 năm tới cạnh tranh với Delta và thậm chí còn vượt xa biến thể này về độ nguy hiểm".
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/delta-co-phai-bien-the-sieu-lay-nhiem-cuoi-cung-cua-dai-dich-covid-19-a561774.html