Sa bẫy app “đen” vì lời “đường mật”
Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, rất nhiều ứng dụng (app) cho vay ra đời với lãi cắt cổ, tiền phạt cao nhưng không ít người dân vẫn sập bẫy. Theo đó, người vay chỉ cần vài thao tác đơn giản như tải app về điện thoại, không cần tài sản thế chấp, là đã có được khoản vay phí cao. Tuy nhiên, nếu chậm trả, lập tức người vay bị “khủng bố” bằng nhiều hình thức.
Anh Vũ Đình T. (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) là một nạn nhân của app “đen”. Anh T. vốn là công nhân may tư nhân gần nhà, nhưng 5 tháng nay cơ sở may đóng cửa, không có thu nhập, gia đình anh rơi vào bế tắc.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, do thiếu tiền để đóng học cho con, anh T. nghe bạn bè giới thiệu nên lên mạng tìm vay qua app của công ty cho vay tiêu dùng. Thấy nhiều app cho vay tiền nhanh với những lời quảng cáo “mật ngọt” như lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sane…, anh T. tải về dùng.
Liên hệ ngay với một app, anh T. được vay 5 triệu đồng với thời hạn cam kết trả trong 30 ngày. Tuy nhiên anh T. chỉ nhận được 3 triệu đồng, số còn lại bị tính là phí vay.
Chưa dừng lại ở đó, vào đầu tháng 11 vừa qua, do chậm trả hơn, anh T. bị phạt 3,5 triệu đồng, nâng tổng số nợ lên hơn 8,5 triệu đồng. Không chỉ đòi nợ gắt gao với những lời đe dọa, khủng bố, bôi xấu, nhân viên của app này còn “mời” anh T. gia hạn nợ với phí 1,76 triệu đồng.
Để nhanh chóng trả số tiền trên, anh T. lại giao dịch với một app khác và vay 8 triệu đồng với thời hạn 15 ngày, nhưng chỉ nhận được 5,8 triệu đồng, số còn lại bị tính phí. Đến hạn, anh T. đã trả 8 triệu đồng tiền gốc, nhưng vẫn liên tục bị đòi nợ hơn 11 triệu đồng tiền phí, lãi vay, tiền phạt.
Trao đổi với phóng viên, anh T. cho biết: “Thú thật tôi không nắm rõ quy tắc phạt, tính lãi như thế nào nhưng càng ngày lãi càng cao. Khất lần thì người thân, bạn bè tôi cũng bị gọi điện khủng bố. Tôi luôn sống trong lo âu, sợ hãi vì bị chủ nợ ‘khủng bố’ bằng điện thoại, tin nhắn… Hôm kia, tôi bàn với vợ bán xe máy đi để trả nợ cho xong. Giờ có thiếu tiền tôi cũng không dám vay qua app tín dụng đen nữa”.
Cũng theo anh T., trong lúc làm thủ tục vay, anh không phải kê khai số điện thoại, nhưng khi anh bị đòi nợ, những người trong danh bạ của anh đều bị gọi khủng bố. “Ba hôm nay tôi cũng đã khuyên bạn bè, hàng xóm tránh xa app tín dụng đen. Mọi người, không nên vay qua app vì không khéo tiền mất tật mang”, anh T. nói.
Người vay cần đứng ra tố cáo
Nói về trường hợp vay nợ của anh Vũ Đình T., Trung úy Vũ Minh Thực (Công an Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân của việc người vay bị phạt tiền, chịu lãi suất cắt cổ xuất phát từ việc người dân có nhu cầu vay tiền nhanh không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức.
Cũng theo Trung úy Vũ Minh Thực, những người vay thường biết trước mức lãi suất mà phía tín dụng đen đưa ra và chấp nhận, nhưng đến khi không đủ khả năng trả nợ thì sợ hãi, không dám tố cáo với cơ quan công an, nên việc xử lý các cá nhân, tổ chức này vô cùng khó khăn.
Để xử lý được app cho vay lãi cao theo kiểu tín dụng đen thì trước tiên người vay phải đứng ra tố cáo, kèm theo đó là các bằng chứng trong quá trình vay đã thỏa thuận, bị đe dọa khi không có đủ khả năng trả tiền để làm căn cứ để cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
“Biện pháp cấp bách để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hoạt động tín dụng đen qua app, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân là chính quyền cơ sở, cơ quan công an cấp phường - xã phải làm tốt công tác thông tin đến người dân. Đồng thời giúp người dân, nhất là lao động nghèo cảnh giác với những hình thức biến tướng của tín dụng đen”, Trung úy Vũ Minh Thực cho biết.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngam-dang-nuot-cay-vi-dinh-tin-dung-den-bien-tuong-a561793.html