Bùng nổ vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Cục trưởng Cục ATTP đề nghị xử lý mạnh

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa tổ chức “Hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tại hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo các phòng/đơn vị thuộc Cục An toàn thực phẩm đã phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và có hiệu lực như: Thông tư số 29/2020/TT-BYT, Thông tư số 12/2021/TT-BYT, Thông tư số 10/2021/TT-BYT, Báo cáo công tác thanh tra, hậu kiểm năm 2021, Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2021.

 Đẩy mạnh xử lý vi phạm quảng cáo, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia có tham luận hướng dẫn về công tác bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19. Tham luận về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Lắk. Các đại biểu cùng tham gia thảo luận về các biện pháp và định hướng bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022.

Phát biểu kết luận hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu rõ, trong quá trình triển khai các hoạt động nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các Ban quản lý, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh/thành phố cần có văn bản gửi Cục để kịp thời giải quyết, xử lý, nếu văn bản, đề xuất của địa phương vượt quá quyền hạn xử lý Cục sẽ có văn bản gửi cấp có thẩm quyền để trả lời, hướng dẫn.

Thực hiện triệt để tinh thần cơ quan quản lý phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tránh thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Về hoạt động hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị hàng năm trên cơ sở kế hoạch của Trung ương các địa phương cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của địa phương ban hành kế hoạch hậu kiểm của địa phương. Quá trình hậu kiểm cần đảm bảo đúng quy trình, quy định về công tác lấy mẫu, xử phạt vi phạm hành chính,… Đề nghị các Ban quản lý An toàn thực phẩm, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/thành phố cập nhật, bám sát vào các văn bản mới ban hành để thực hiện chức năng quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Ngoài công tác bảm đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang rất nóng hiện nay, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong cũng đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung: Việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh/thành phố; phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; 

Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh COVID-19, để các hoạt động triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Đề nghị các địa phương căn cứ nội dung hướng dẫn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng Quốc gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất, góp phần vào việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh thực trạng các sản phẩm TPBVSK/TPCN có dấu hiệu vi phạm quảng cáo, đồng hành cùng các ngành chức năng trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đặc biệt là sản phẩm TPCN.

Cụ thể, bộ sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Samya gồm: Dung dịch vệ sinh phụ nữ Samya, dung dịch xịt vùng kín Samya và sản phẩm bảo vệ sức khỏe Samya Eva Gold do Công ty Phúc Minh phân phối độc quyền. Nội dung vi phạm thể hiện, sản phẩm mang thương hiệu Samya “nổ” công dụng như là thuốc điều trị các bệnh phụ khoa, khẳng định chỉ sau 2 tuần sử dụng sẽ “xóa tan viêm nhiễm; hết nấm ngứa; đẩy lùi viêm lộ tuyến”. Trong các quảng cáo, sản phẩm Samya còn sử hình ảnh y bác sỹ, chuyên gia để tạo niềm tin, lừa dối người dùng.

 Bộ sản phẩm Samya quảng cáo sai công dụng trên nhiều trang mạng xã hội.

Tiếp theo là sản phẩm Toha Fast do Công ty TNHH TOHANO Việt Nam (Công ty TOHANO địa chỉ số 35, đường Lê Văn Lương, Hà Nội) phân phối. Trong hành trình tìm hiểu bản chất mô hình kinh doanh online của Công ty TOHANO, PV phát hiện sản phẩm TPBVSK khớp GENKI có dấu hiệu kinh doanh gian dối.

Tại website http://www.tintuc-suckhoe.online/genki và các trang thương mại điện tử, sản phẩm GENKI được quảng cáo công khai như thuốc chữa bệnh điều trị khỏi đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa, gai đốt sống, viêm khớp dạng thấp... và khẳng định hiệu quả của sản phẩm, người tiêu dùng không lo tái phát.

Nội dung vi phạm quảng cáo còn thể hiện như công khai sử dụng hình ảnh Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm -  Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, giới thiệu người tiêu dùng chỉ cần để lại số điện thoại là được “Trung tâm Genki” của Bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm hoặc Bác sỹ Siêm gọi lại tư vấn.

Thậm chí, có sản phẩm cònquảng cáo nổi lên như hiện tượng “lạ”, phủ sóng quảng cáo rầm rộ như TPBVSK Viên khớp CHAKO cho rằng sản phẩm này là giải pháp đột phá, đẩy lùi bệnh xương khớp như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp, gout, đau dây thần kinh tọa, gai đốt sống cổ, tê bì chân tay... Đỉnh điểm, quảng cáo khẳng định CHAKO giúp hơn 686.000 giải quyết tình trạng bệnh xương khớp hiệu quả.

Có kết quả như vậy, sản phẩm này nêu ra cơ chế có khả năng “tấn công” và hỗ trợ điều trị dứt điểm bệnh như loại thuốc điều trị thứ thiệt. Thậm chí, công dụng sản phẩm còn được “thần thánh” hóa, với khả năng 60 ngày điều trị theo lộ trình như sau: “Sau 15 ngày sử dụng giúp tăng tiết dịch khớp và bổ sung chất dịch nhầy khớp.

Nuôi dưỡng mô sụn, tránh trường hợp khô khớp, giúp khớp hoạt động trơn tru. 30 ngày tiếp theo sẽ bảo vệ và tái tạo màng sụn khớp, giúp vận động linh hoạt. Giảm ma sát ở các đầu xương gây ra tình trạng đau nhức. Sau 46 đến 60 tăng cường sức bền của mô sụn, ngăn ngừa bệnh tái phát”.

Viên khớp CHAKO loạn quảng cáo, người tiêu dùng cẩn trọng "sập bẫy"?  

Để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng viên khớp CHAKO, trên website quảng cáo còn “dìm” thuốc Tây, với nhiều nội dung sai lệch chưa được kiểm chứng như: “Uống thuốc Tây lâu dài hay phẫu thuật có thể gây rất nhiều tác dụng phụ, tạo áp lực cho gan, thận, gây sỏi thận, nóng gan và khi ngưng thuốc sẽ bị đau trở lại. Đó là chưa kể việc điều trị xương khớp theo cách này hiệu quả ngắn, chi phí cao khiến người bệnh dễ bị bỏ dở liệu trình trị bệnh”.

Không chỉ “nổ” trên các website, viên khớp CHAKO còn có dấu hiệu lừa dối khách hàng khi tạo rất nhiều tài khoản trên facebook với nội dung xóa, đẩy lùi, điều trị tận gốc bệnh xương khớp. Đây cũng là hiện tượng quảng cáo quá đà khiến không ít khách hàng mắc “bẫy” sử dụng.

Theo Chất lượng Việt Nam

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bung-no-vi-pham-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-cuc-truong-cuc-attp-de-nghi-xu-ly-manh-a561986.html