Hai năm sau lần đầu được xác định tại Vũ Hán (Trung Quốc), virus SARS-CoV-2 vẫn khiến cả thế giới không khỏi bất ngờ khi liên tục biến đổi và tạo ra các biến thể mới đáng lo ngại. Mới đây nhất, sự xuất hiện của biến thể Omicron, được phát hiện tại Nam Phi, đã một lần nữa khiến các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới bận tâm.
Một trong những điều đáng lo ngại ở biến thể Omicron là nó có thể lây nhiễm nhanh hơn so với biến thể Delta, biến thể đang "thống trị" toàn cầu, và có khả năng "né" vaccine ngừa Covid-19. Nhiều chuyên gia cảnh báo sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể sẽ đảo ngược hoàn toàn những thành tựu chống dịch mà thế giới đã đạt được trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, khả năng "né" vaccine của biến thể Omicron hiện vẫn chưa được khẳng định chắc chắn. Các nhà khoa học và nhiều hãng dược trên thế giới hiện đang nghiên cứu về công dụng của vaccine ngừa Covid-19 với biến thể này trong khoảng 2 tuần tới. Nếu Omicron không kháng vaccine, điều này có thể khiến thế giới "thở phào" nhẹ nhõm.
Dù vậy, sự xuất hiện của Omicron vẫn được coi là một lời cảnh báo với tất cả những người chưa tiêm vaccine, rằng một biên thể virus mới với những đột biến nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Phản ứng nhanh nhẹn của các nhà khoa học trong việc nâng cao mức độ cảnh báo động và chính phủ các nước, bao gồm cả Vương quốc Anh, trong việc áp đặt các biện pháp cách ly và chặn các chuyến bay từ một số quốc gia Nam Phi, ít nhất đã có thể kéo dài thêm thời gian để thế giới nghiên cứu thêm về biến thể Omicron.
Tuy nhiên, các quốc gia cần nhận thấy các hạn chế đối với việc di chuyển bằng máy bay sẽ gây khó khăn đặc biệt cho các nền kinh tế đang phát triển và họ cần sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ, tăng tốc nguồn cung vaccine cho toàn thế giới, để giải quyết tình hình này. Nếu những tác động mà biến thể Omicron gây ra không quá nghiêm trọng, các biện pháp kiểm soát cần được dỡ bỏ.
Việc xác định mối nguy hiểm của biến thể Omicron đòi hỏi các phòng thí nghiệm nhanh chóng nghiên cứu và phân tích dịch tễ học thêm. Hiện tại, những dữ liệu đầu tiên cho thấy đây là một biến thể tương đối phức tạp. Trong đó, Omicron có tới 50 đột biến mới, 32 đột biến trong protein quan trọng, có liên quan đến khả năng "né tránh" hệ thống miễn dịch và làm gia tăng tốc độ lây lan.
Điều này đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine hiện có với biến thể Omicron. Tuy nhiên, ngay cả khi vaccine vẫn có khả năng ngăn chặn biến thể mới, tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể Delta có thể giúp Omicron dễ lan truyền trong nhóm người chưa tiêm chủng. Với việc nhiều người mắc bệnh, tỷ lệ triệu chứng nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên.
Các phản ứng hiện nay của các quốc gia không thể giúp ngăn chặn triệt để biến thể mới. Chỉ trong vài ngày, nhiều trường hợp mắc biến thể Omicron đã được phát hiện tại Vương quốc Anh, Hồng Kông (Trung Quốc), Israel và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các hạn chế hiện tại đã được các nước áp dụng sẽ chỉ có tác dụng giúp kéo dài thời gian để họ chuẩn bị cho các phản ứng sau đó, bao gồm tăng tỷ lệ tiêm chủng và xem xét điều chỉnh vaccine hiện có, trong việc ngăn chặn một đợt bùng phát dịch do biến thể mới. Tuy nhiên, các quy định hạn chế cũng cần được áp dụng một cách phù hợp.
Bất kỳ làn sóng nguy hiểm nào cũng có thẻ đến vào thời điểm nhạy cảm nhất. Khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đặc biệt là ở các nước phát triển, sau 2 năm thiệt hại do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc các chuỗi cung ứng bị kéo dài và tình trạng thiếu lao động, có thể trở nên tồi tệ hơn do các đợt đóng cửa mới, đang thúc đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Các ngân hàng trung ương sẽ phải đưa những rủi ro này vào các quyết định đã được cân bằng kỹ lưỡng để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng đã đặt ra 2 bài học lớn cho thế giới. Thứ nhất là giá trị của việc giám sát bộ gen trong việc cung cấp các cảnh báo trước và sự cần thiết phải phổ biến phương pháp này. Trong khi Nam Phi đã một lần nữa chứng tỏ chuyên môn của mình trong việc phát hiện các biến thể, hơn 80% bộ gen của SARS-CoV-2 đã được tải lên kho lưu trữ toàn cầu đến từ Bắc Mỹ và châu Âu.
Bài học thứ hai cần được rút ra chính là tầm quan trọng của việc tiêm chủng và cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo. Biến thể Omicron có thể bắt nguồn từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, từ lâu, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc bất bình đẳng vaccine. Trong đó, bên cạnh các vấn đề về đạo đức, chậm trễ trong việc tiêm chủng trong thế giới đang phát triển sẽ góp phần gây ra một ổ dịch mới, trong đó tiềm ẩn nguy cơ về một biến thể kháng vaccine và biến thể này có thể lây lan ra toàn cầu. Đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận vaccine đang là điều quan trọng để giúp thế giới chiến thắng cuộc chiến "dài hơi" chống lại đại dịch này.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hai-bai-hoc-lon-dat-ra-cho-the-gioi-sau-su-xuat-hien-cua-bien-the-omicron-a562018.html