"Các lệnh cấm đi lại không những không ngăn chặn (Omicron) lây lan mà còn tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế. Bên cạnh đó, chúng có thể tác động tiêu cực đến các nỗ lực y tế toàn cầu trong thời kỳ đại dịch do (biện pháp này) không khuyến khích các quốc gia báo cáo và chia sẻ dữ liệu dịch tễ học", WHO cho biết ngày 30/11.
Omicron, biến chủng mới được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và thuộc danh sách biến chủng đáng lo ngại của WHO, đã khiến nhiều quốc gia quyết định siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh các ca nhiễm liên tục được ghi nhận ở nhiều nước.
Kể từ khi các nhà khoa học Nam Phi cảnh báo về biến chủng mới và WHO tuyên bố Omicron là biến chủng đáng lo ngại, hàng chục quốc gia đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với Nam Phi và các nước láng giềng.
Việc nhiều nước đột ngột ngừng các chuyến bay đã khiến ngành du lịch của Nam Phi rơi vào hỗn loạn. Trước tình hình đó, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các quốc gia đảo ngược các hạn chế đi lại do đây là biện pháp “phi lý về mặt khoa học”.
Theo ông Ramaphosa, "công cụ mạnh mẽ nhất" để hạn chế sự lây lan của biến chủng mới là vaccine, đồng thời, ông cũng kêu gọi người dân Nam Phi tiêm phòng.
Trong thông điệp gửi tới các nước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên (WHO) áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ".
Ông Ghebreyesus bày tỏ thấu hiểu khi các nước muốn bảo vệ công dân của mình "trước một biến thể mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ về nó", song cho biết WHO lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng và cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu.
Hiện mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số chuyên gia cho rằng, khả năng lây truyền của biến thể Omicron thậm chí có thể cao hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền cao của biến thể này.
Để đối phó với các biến thể đáng lo ngại, WHO kêu gọi tất cả các nước tăng cường giám sát và giải trình tự gen, báo cáo các ca nhiễm mới và tiến hành các cuộc điều tra để biết thêm về khả năng lây truyền của biến thể.
Trong khi các nghiên cứu sâu rộng hơn được thực hiện, có thể kiểm soát biến thể Omicron bằng cách xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly, áp dụng các biện pháp phòng dịch và liên tục giám sát biến thể.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/who-cam-di-lai-khong-the-ngan-bien-the-omicron-lay-lan-a562081.html