Băn khoăn về xác định thiệt hại
Vào các ngày 29, 30/11 và 1/12/2021, vụ án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bước vào phần tranh luận. Trong phần tranh luận này, luật sư của các bị cáo đã nêu lên một số vấn đề còn nhiều điểm chưa rõ ràng của Kết luận giám định tư pháp và nhất là vấn đề xác định thiệt hại của vụ án.
Đáng chú ý, luật sư Lê Cao (công ty Luật hợp Danh FDVN), người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án khi trình bày luận cứ đã cho rằng, cần xem xét lại vấn đề xác định lại thiệt hại của vụ án xem có thật là 811 tỷ đồng hay 51 tỷ đồng để xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo đúng pháp luật.
Tại phiên tòa, trong nhiều lần được thẩm vấn thì vị đại diện VEC là nguyên đơn dân sự không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại, tuy nhiên vấn đề xác định trách nhiệm đối với thiệt hại với các bị cáo không phải chỉ là trách nhiệm dân sự, mà trong trường hợp này cần làm rõ, xác định rõ thiệt hại mà các bị cáo chịu trách nhiệm để làm rõ trách nhiệm pháp lý của các bị cáo trong quá trình xét xử vụ án hình sự này.
Kết luận điều tra và cáo trạng quy trách nhiệm cho các bị cáo đã gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 811 tỷ đồng (con số được làm tròn), đây là số tiền đã thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu có sai phạm, thế nhưng đó có phải là con số thiệt hại hay không là điều cần được làm rõ.
Theo quy kết của Kết luận điều tra, cáo trạng thì bị cáo gây thiệt hại ở đây là thiệt hại về tài sản với số tiền cụ thể là 811 tỷ đồng đồng (là tiền thanh toán theo các hợp đồng cho nhà thầu thi công), trong khi đó, theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Vì hành vi của bị cáo liên quan đến việc “Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của luật Xây dựng” theo điểm b, khoản 1, Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và bị truy tố theo khoản 3, do đó cần phải làm rõ bị cáo làm thiệt hại gì, tài sản đó là tài sản gì. Không thể dùng số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu đối với các gói thầu có vi phạm để cho rằng đó là thiệt hại của vụ án, bởi đoạn đường cao tốc này chỉ hư hỏng một số điểm cục bộ, không hư hỏng hết. Đường đưa vào sử dụng đến nay đã thu lợi về cho VEC trên 1.400 tỷ đồng, giải tỏa được ách tác giao thông đoạn qua địa bàn Đà Nẵng - Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế.
Nếu xác định đúng thiệt hại thì phải xác định phần đường nào bị hư hỏng để tính thiệt hại, mà theo văn bản số 1697/CV-VEC ngày 31/8/2021 của tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC) mà các bị cáo cung cấp tại phiên tòa thì tổng giá trị hư hỏng khoảng 51 tỷ đồng theo đơn giá hợp đồng (còn quy về mặt bằng giá tại thời điểm hiện nay thì khoảng 72 tỷ đồng). Như vậy, con số thiệt hại thực tế thấp hơn nhiều so với con số thiệt hại được tính là số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu. Bởi lẽ, hoàn toàn không có chuyện đường bị hư hỏng toàn bộ hết tất cả giá trị thanh toán như vậy.
Theo Luật sư Lê Cao, cần phải xác định lại thiệt hại theo hướng xác định giá trị công trình bị hư hỏng tại các gói thầu của Dự án hoặc giá trị chi phí hợp lý để khắc phục cho thiệt hại đó. Trong con số giá trị khắc phục, sửa chữa được xác định là thiệt hại thì trách nhiệm của các bị cáo, của các nhà thầu như thế nào cũng phải làm rõ, bởi lẽ, như chính Kết luận giám định tư pháp đã nêu rõ, trách nhiệm dẫn đến hư hỏng công trình đến tư rất nhiều bên.
Còn nếu với cách xác định trách nhiệm với các con số tiền phải chịu của từng bị cáo như Kết luận điều tra và Cáo trạng như hiện nay, số tiền chịu trách nhiệm bị chồng lấn giữa bị cáo này với bị cáo khác, sự trộn lẫn trách nhiệm pháp lý nhưng lại không được làm rõ, lại chia nhỏ nhưng vẫn giữ giá trị thiệt hại bị chồng lấn, đồng thời sử dụng số tiền thanh toán cho các Nhà thầu làm số liệu xác định thiệt hại, dẫn đến không có khả năng xác định, phân loại trách nhiệm cụ thể cho các bị cáo.
Cần xem xét lại
Ngoài ra, công trình hư hỏng thì vẫn luôn có điều khoản bảo hành công trình theo hợp đồng ký với các hhà thầu và điều khoản bảo hành các hợp đồng hiện nay vẫn còn hiệu lực. Hiện nay, VEC đang giữ số tiền bảo hành công trình của các nhà thầu, do đó, cần khấu trừ số tiền này trong phần bồi thường thiệt hại.Theo thống kê của VEC thì còn một lượng lớn giá trị sản lượng đã thi công hoàn thành thực tế tại hiện
trường nhưng đến nay chưa được Chủ đầu tư thanh toán. Do đó, cần xác định lại vấn đề thiệt hại một cách rõ ràng mới có thể xác định trách nhiệm pháp lý đúng cho các bị cáo.
Luật sư Lê Cao cũng cho rằng, nếu lấy số tiền đã thanh toán cho các nhà thầu làm con số thiệt hại của vụ án, thì giả sử có một số gói thầu khác ở giai đoạn khác của dự án, cũng có những hư hỏng, sai phạm nhưng chưa có việc thanh toán cho các nhà thầu, thì có xác định được thiệt hại không, khi đó giá trị thiệt hại phải dựa vào đâu, hay chắc chắn là phải định giá thiệt hại theo giá trị hư hỏng hoặc giá trị để khắc phục hư hỏng.
Nếu vụ án này dùng giá trị đã thanh toán cho các nhà thầu tại các gói thầu sai phạm có thể tạo ra một tiền lệ xác định giá trị thiệt hại không đúng quy định pháp luật và có thể gây ra những hệ lụy pháp lý không lường được nếu áp dụng các quy định đó vào thực tế giải quyết các vụ án.
Luật sư Lý Vinh Hoàng (bào chữa cho bị cáo Cao Hừng Đông, nguyên Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 1, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi) nêu ý kiến theo cáo trạng của viện kiểm sát, hậu quả thiệt hại của cả giai đoạn 1 vụ án là hơn 811 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Cao Hừng Đông phải chịu trách nhiệm cho số tiền hơn 45 tỷ đồng. Đây là số tiền mà chủ đầu tư đã thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng do tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thi công tại gói thầu số 1 theo các hồ sơ thanh toán (IPC) từ số 21 đến 34 và số 36.
Luật sư Hoàng cho rằng đây không phải là giá trị thiệt hại mà là giá trị do cơ quan tố tụng sử dụng số liệu thanh toán cho các hạng mục theo kết quả giám định của phân viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải phía Nam báo cáo là không đạt chất lượng.
Theo luật sư Hoàng, để cẩn trọng hơn, cơ quan tố tụng nên trưng cầu hội đồng định giá phần giá trị thiệt hại theo Điều 101-Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Việc xác định chất lượng thi công cho công trình giao thông mà chỉ cần một lỗ khoan, nếu có lớp vật liệu nào đó không đạt chất lượng mà xác định cả lớp không đạt thì không hợp lý.
Mặt khác, luật sư Hoàng cũng cho rằng việc xác định giá trị thiệt hại vì nghiệm thu đưa vào khai thác công trình chưa đạt chất lượng, chưa hoàn thành 100% tuy có gây thiệt hại nhưng đã tạo được khoản thu phí hơn 1.400 tỷ đồng… thì có thể xem xét để khấu trừ thiệt hại.
Đồng quan điểm, luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh gói thầu số 1, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cho rằng trong vụ án này, chủ đầu tư không mất toàn bộ lợi ích từ công trình, ngược lại đã thu phí được 1.400 tỷ đồng.
Do đó, chủ đầu tư không thể buộc nhà thầu bồi thường số tiền 811 tỷ đồng. Toàn bộ các chi phí, sửa chữa các bộ phận hư hỏng của công trình theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật và hồ sơ thiết kết… đều thuộc giai đoạn bảo hành của dự án.
Thuận Nguyễn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-cao-toc-da-nang-quang-ngai-thiet-hai-811-ty-hay-51-ty-dong-a562091.html