Có hay không hành vi “cưỡng chiếm” tại Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang?

Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Công an huyện Việt Yên xác nhận, rạng sáng ngày 20/11/2021, có đoàn người vào Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang và chưa nhận được thông tin phối hợp thi hành án dân sự liên quan đến Nhà máy này.

Đêm tối, doanh nghiệp cầu cứu công an bất thành

Trao đổi thông tin với PV Tạp chí ĐS&PL, thượng úy Vũ Văn Duy nhấn mạnh: Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an huyện Việt Yên đã nhận được đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. 

Theo đó, bà Thảo tố cáo nhiều người lạ mặt lợi dụng đêm tối đã “cưỡng chiếm” Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang (Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên do bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đại diện theo pháp luật; địa chỉ tại: Lô B2, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vào rạng sáng ngày 20/11/2021. 

 

Ảnh hiện trường sự vụ

 

Quang cảnh Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang

Tuy vậy, phía công an huyện Việt Yên cho rằng, không có hiện tượng đập phá cổng Nhà máy.

Trái chiều với thông tin từ Công an huyện Việt Yên, phía luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cung cấp cho PV đoạn clip dài, có quay cảnh người đàn ông dùng búa đập phá khóa tại Nhà máy Cà phê Trung Nguyên và quang cảnh nhiều người lạ xâm nhập Nhà máy… 

 

Người đàn ông cầm búa đáp phá khóa cổng Nhà máy (Ảnh cắt từ Clip)

Đơn tố cáo của bà Thảo thể hiện nội dung: Trong lúc nguy cấp, người quản lý Nhà máy đã gọi điện đến số điện thoại của Trưởng Công an đồn khu công nghiệp Quang Châu và Công an huyện Việt Yên để trình báo tình hình, nhưng không được hồi đáp. Hiện bà Thảo mất quyền kiểm soát nhà máy.

Trả lời câu hỏi của PV: Vì sao đêm hôm doanh nghiệp gọi điện cầu cứu công an nhưng không thấy ai đến giải quyết? Ông Trưởng Công an huyện Việt Yên Nguyễn Hồng Sơn giọng bình thản: “Để tôi kiểm chứng lại…(?!)”.

Một diễn biến khác, ông Đào Xuân Cường- Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết: “Ban đã có văn bản gửi công an tỉnh và tạm thời chưa thể cung cấp văn bản đó cho báo chí. Hiện công an đang xem xét giải quyết”.

Theo ông Cường, để doanh nghiệp ổn định sản xuất, phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm theo pháp luật.

Ngoài ra, ông Cường còn cho biết thêm: “Hiện tại Ban chưa nhận được văn bản liên quan đến việc thi hành án tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên ở Bắc Giang”.

 

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang 

Quan điểm của cơ quan hữu quan tỉnh Bắc Giang

Thông tin đến các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Giang, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, TAND tỉnh Bắc Giang và TAND TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình giải quyết những tranh chấp liên quan đến quyền điều hành tại Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (chưa tuyên bản án). Do vậy, bà Thảo đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi “cưỡng chiếm” nói trên theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang.

Trước đó (ngày 4/11/2016), Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và các cơ quan liên quan trong tỉnh Bắc Giang (Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh; Sở kế hoạch & Đầu tư; Công an huyện Việt Yên, Đồn Công an Quang Châu; Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang; Ông Đặng Lê Nguyên Vũ; Bà Lê Hoàng Diệp Thảo) đã họp và thống nhất quan điểm: Giữ nguyên hiện trạng sản xuất kinh doanh tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang cho đến khi có quyết định cuối cùng có hiệu lực pháp luật của TAND; Công an tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Phòng An ninh kinh tế, Công an huyện Việt Yên, Đồn Công an Quang Châu nắm bắt tình an ninh trật tự tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên cho đến khi có phán quyết của Tòa án về người đại diện theo pháp luật của Công ty; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm an ninh trật tự.

 

Biên bản liên ngành có chữ ký của các bên.

Trao đổi với PV ĐS&PL, phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo nêu quan điểm: 

Thứ nhất, nếu lấy lý do thực thi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật để tiếp quản Nhà máy, thì việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự và phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Không một tổ chức, cá nhân nào có thể tự ý làm thay việc này. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa nhận được bất kỳ Quyết định thi hành án nào liên quan đến việc bàn giao Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang. 

Thứ hai, liên quan đến tư cách người đại diện và quyền quản lý, điều hành tại Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang, hiện nay có đến 3 vụ kiện tranh chấp đang được TAND tỉnh Bắc Giang và TAND TP. Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết. 

Trong lúc tranh chấp đang được Tòa án giải quyết, sự việc “cưỡng chiếm” Nhà máy vừa qua có dấu hiệu phạm pháp và để lại hệ quả pháp lý nghiêm trọng. Bởi lẽ, việc cưỡng ép chuyển giao, tiếp quản Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang không có sự tham gia của bà Lê Hoàng Diệp Thảo hay cơ quan thi hành án sẽ dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, thất thoát tài sản, hồ sơ, chứng từ của nhà máy. Nếu không xử lý kịp thời, nghiêm minh thì đó là tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh trật tự, đến môi trường đầu tư, hình ảnh, uy tín của chính quyền tỉnh Bắc Giang đang tạo dựng.

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-hay-khong-hanh-vi-cuong-chiem-tai-nha-may-ca-phe-trung-nguyen-bac-giang-a562147.html