Kể lại câu chuyện của mình, anh Nguyễn Ngọc B. ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, do có sở thích làm khuôn viên cây cảnh nên anh đã tìm mua một ngôi nhà có khu đất rộng. Năm 2016, qua người bạn giới thiệu, anh biết chị Th. ở Bình Xuyên đang có nhu cầu bán căn nhà với diện tích rộng. Sau khi hai bên đàm phán thỏa thuận, anh B. đã quyết định xuống tiền để mua.
Anh B. kể lại: “Việc mua bán ngôi nhà giữa tôi và chị Th. diễn ra hoàn toàn đúng pháp luật. Những lần đến xem nhà chị Th. đều hẹn lịch với tôi trước vì chị ấy nói thường đi công tác ít về nhà. Khuôn viên nhà khá biệt lập so với hàng xóm xung quanh, tôi thấy giấy tờ hợp pháp, lại ưng ý nên đồng ý mua chứ chưa kịp tìm hiểu kĩ về chủ nhà”.
Tuy nhiên chỉ khoảng 15 ngày sau khi anh B. mua nhà và tiến hành tu sửa thì gặp không ít phiền toái từ những “vị khách” lạ. “Mới đầu những người lạ đến hỏi tôi có phải người nhà của chị Th. không, tôi đã trả lời là không phải. Tuy nhiên, họ không tin và tiếp tục tìm đến để yêu cầu tôi phải trả số nợ 50 triệu đồng của chị Th. với lý do lúc vay chị ta nói có nhà ở địa chỉ này. Một người đàn ông còn đe dọa nếu không trả nợ sẽ ở không yên với họ. Sáng hôm sau, khi ra ngoài mở cổng thì thấy một túi mắm tôm trộn dầu luyn khá to được treo ở cánh cổng sắt. Bức xúc tôi có gọi điện cho chị Th. thì được trả lời ‘đó là việc của tôi, anh cứ nói với họ là không liên quan’ rồi chị tắt máy”, anh B. kể.
Cần lên án những hình vi đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, vẽ bậy vào nhà người khác (ảnh minh họa)
Ba ngày sau tiếp tục có 4 người lạ tìm đến nhà anh B. hỏi thông tin về chị Th. Lúc này anh mời họ vào nhà và nói rõ việc mình chỉ là người mua lại nhà, nếu họ tiếp tục làm phiền, anh sẽ trình báo đến cơ quan chức năng.
Buổi nói chuyện của anh B. với những người đến đòi nợ cũng có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố. Sau khi được anh B. giải thích, những người này mới cho biết, chị Th. đã lợi dụng lòng tin để vay tiền của nhiều người, mỗi người vay từ 10 đến 20 triệu đồng. Sau đó để né tránh việc trả nợ, chị này đã lấy đủ lí do và đi đâu không rõ.
Việc không vay nợ nhưng bỗng dưng bị đòi nợ đã khiến cuộc sống của không ít người bị ảnh hưởng. Sự việc như này không chỉ riêng anh B. gặp phải.
Mới đây, Công an P.Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) đã phải vào cuộc điều tra, xử lý việc một nhà dân liên tiếp bị tạt sơn khủng bố đòi nợ nhầm do mua lại nhà của “chúa chổm”.
Ông T., chủ nhà mới, đã phải dán nhiều tờ thông báo ngay trước cửa, gửi đến các chủ nợ của chủ nhà cũ, với nội dung: “Chào anh chị. Nhà này tôi đã mua lại của ông P.Tr. bằng sổ đỏ và đã sang tên trước bạ nên không liên quan đến Công ty P.G (của ông Tr.), rất mong anh chị thông cảm, không làm phiền”.
Ông T. cũng cung cấp số điện thoại của ông để hỗ trợ thông tin cho những người cần tìm chủ nhà cũ.
Công an P. Hòa Phát xác định ông P.Tr. đăng ký hộ khẩu tại tổ 28, P. Hòa Phát. Năm 2018, ông Tr. mua đất, xây nhà 926D Trường Chinh nhưng từ tháng 4 ông Tr. đã bán nhà, rời khỏi địa phương và đi đâu không rõ.
Được biết, các chủ nợ liên tục đến tìm ông Tr. tại trụ sở Công ty CP Xuất nhập khẩu và đầu tư P.G, thuê ở tầng 5 một tòa nhà ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Linh (Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Tuy nhiên, từ tháng 4, công ty đã dừng hoạt động, rời trang thiết bị, ngân hàng thu hồi mặt bằng. Do đó, một số chủ nợ đã tìm đến nhà ông Tr. để tạt sơn, khủng bố đòi nợ nhầm.
Đã có không ít trường hợp rơi vào tình cảnh bị đòi nợ nhầm vì mua nhà của chủ cũ nợ nần như anh B., ông T. Cơ quan chức năng khuyến cáo khi gặp phải tình huống như trên, tốt nhất người dân nên trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lien-tuc-bi-khung-bo-doi-no-nham-vi-mua-nha-cua-chua-chom-a562191.html